Bến đò ngang - thường gọi là Bến phà Cần Thơ - từ quận Ninh Kiều qua thị xã Bình Minh là tuyến giao thông qua sông Hậu, nối các quận Ninh Kiều, Bình Thuỷ với thị xã Bình Minh và huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long). Mỗi ngày, bến phục vụ hàng nghìn lượt người qua lại.
Từ 8h30 ngày 3/5, bến phà Cần Thơ tạm dừng hoạt động. |
Tuy nhiên, từ 8h30 sáng nay (3/5), bến phà Cần Thơ đã tạm dừng hoạt động cho tới khi có thông báo mới.
Việc này đã khiến người dân rất bất ngờ. Nhiều người chạy xe máy tới bến đành quay đầu. Trong khi đó, những người đi bộ bán vé số, đi xe đạp bán hàng rong thì rất bối rối khi chưa biết sẽ di chuyển sang bờ bên kia bằng cách nào.
Chị Nguyễn Thị Cúc (57 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh) cho biết thường ngày đi phà vượt sông Hậu chỉ mất khoảng 10-15 phút là tới chợ để bán xôi. Bây giờ muốn về nhà, chị phải đi vòng hơn 20 km, qua cầu Cần Thơ.
Chị Khuyến bật khóc vì không đủ tiền đi xe ôm về nhà. |
Biết tin bến phà tạm dừng hoạt động, chị Lê Thị Khuyến (56 tuổi, ngụ thị xã Bình Minh) thậm chí bật khóc vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, muốn về nhà phải tốn gần 100.000 đồng tiền xe ôm.
Hơn 10 năm mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, bà Võ Thị Hồng Vân (70 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) là trụ cột chính trong gia đình, hiện chăm nuôi người chồng 75 tuổi bị tai biến, nằm một chỗ.
“Bến phà nghỉ chạy thì chúng tôi khổ lắm. Tôi tuổi cao sức yếu, đi lại còn phải chống nạng thì sao có thể lội bộ từ nhà qua cầu Cần Thơ để vào trung tâm bán vé số? Trong khi đó, đi phà thì người ta (chủ bến - PV) còn thương, không lấy tiền” - bà Vân cho hay.
Bà Vân chưa biết sẽ di chuyển từ thị xã Bình Minh qua Cần Thơ sao cho vừa thuận tiện vừa rẻ. |
Bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ - chủ bến phà - cho biết bến hoạt động từ năm 2011, chủ yếu phục vụ công nhân, tiểu thương, sinh viên và nhiều nhất là bà con lao động nghèo từ tỉnh Vĩnh Long qua Cần Thơ mưu sinh.
Hiện bến có 3 chiếc phà với tải trọng từ 70-100 tấn, mỗi ngày chạy trên 50 chuyến qua lại sông Hậu, mỗi chuyến chở từ 20-40 xe máy và khoảng 30-50 người.
“Sau 2 lần được Sở Giao thông vận tải thành phố và UBND quận Ninh Kiều gia hạn giấy phép hoạt động, cuối tháng 1 vừa qua, quận cho biết có nhiều quy định mới, một số nội dung trong giấy phép đã cấp không còn phù hợp.
UBND quận Ninh Kiều đề nghị chúng tôi chủ động liên hệ phòng Quản lý đô thị quận, lập thủ tục cấp giấy phép hoạt động mới theo quy định” - bà Thủy chia sẻ.
Tuy nhiên, bà Thuỷ cho hay dù đã nhiều lần bổ sung hồ sơ, gõ cửa các cơ quan chức năng để gia hạn giấy phép hoạt động nhưng vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Chính vì vậy, bến phà đành phải tạm dừng hoạt động.
Cảnh người dân nhộn nhịp qua lại hai bên bờ sông Hậu khi phà còn hoạt động. Ảnh chụp chiều ngày 2/5. |
Phía bờ bên kia sông Hậu, chủ bến phà Bình Minh là ông Nguyễn Thanh Sơn (63 tuổi) thì thông tin giấy phép hoạt động của bến sẽ hết hạn vào cuối tháng 6/2024, việc xin cấp lại "không mấy khó khăn".
Trước lúc giấy phép hết hiệu lực, ông sẽ làm đơn xin gia hạn, gửi trình UBND thị xã Bình Minh cùng một số đơn vị liên quan kiểm tra, phê duyệt.
Bến phà Cần Thơ tạm ngưng hoạt động ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân hai bên bờ sông Hậu. Ảnh chụp chiều ngày 2/5. |
“Bến phà Cần Thơ tạm dừng hoạt động thì bến Bình Minh cũng phải tạm dừng vì hai bên hợp tác qua lại.
Vé qua phà chỉ 3.000 đồng/lượt/người. Nếu phà dừng hoạt động, bà con sẽ phải di chuyển qua cầu Cầu Thơ, rất bất tiện và tốn kém. Không thể qua lại bằng phà như trước đồng nghĩa với việc chén cơm manh áo của người dân bị ảnh hưởng rất lớn” - ông Sơn trăn trở.
Ngày 7/9/2023, UBND TP Cần Thơ có quyết định số 17/2023/QĐ-UBND về việc phân cấp thẩm quyền quản lý bến khách ngang sông trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP phân cấp thẩm quyền cho UBND quận, huyện thực hiện một số nhiệm vụ hoạt động quản lý bến khách như: Thoả thuận thông số kỹ thuật xây dựng; công bố, gia hạn hoạt động; cho ý kiến về việc cải tạo nâng cấp; đóng bến phà…
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.