Pakistan đã trao hợp đồng cho liên doanh với Trung Quốc để xây một đập thủy điện ở khu vực Kashmir đang trang chấp với Ấn Độ, Nikkei Asia Review cho biết.
Dự án đập thủy điện Diamer Bhasha, trị giá 438 tỷ rupee Pakistan (khoảng 2,7 tỷ USD), được trao cho liên doanh giữa Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc và Tổ chức Công trình mặt trận thuộc quân đội Pakistan. Tỷ lệ góp vốn tương ứng là 7:3.
Dự án nằm ở khu vực Gilgit - Baltistan, cách biên giới Trung Quốc 320 km về phía bắc. Đây là con đập đa năng được sử dụng để phát điện, trữ nước và kiểm soát lũ. Nó có công suất khoảng 4.500 MW và tích trữ gần 100 tỷ m3 nước.
Đập Diamer Bhasha là dự án cơ sở hạ tầng lớn đầu tiên của Trung Quốc ở Kashmir, một phần trong hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), gắn liền với sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng. Năm 2018, Trung Quốc đã lắp đặt tuyến cáp quang dài 820 km theo CPEC với chi phí hơn 37 triệu USD và cũng đi qua khu vực Kashmir.
Xây đập bất chấp lo ngại tài chính
Muzammil Hussain, Chủ tịch Cơ quan Phát triển Điện và Nước Pakistan, cho biết tổ chức của ông sẽ cung cấp 30% trong số vốn đối ứng, phần còn lại là của chính phủ Pakistan. Ông cho biết tổng chi phí của dự án khoảng 1.497 tỷ rupee (khoảng 8,7 tỷ USD).
Pakistan ngày càng phụ thuộc vào đầu tư từ Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Con số này gây tranh cãi, vì trước đó chính ông Hussain tuyên bố dự án có tổng chi phí khoảng 14 tỷ USD. Giới phân tích cho rằng Pakistan đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng kinh tế và sẽ không thể tài trợ cho dự án.
James M. Dorsey, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, tin rằng Trung Quốc sẽ tài trợ cho dự án thông qua các khoản vay, nhưng ông không rõ khoản vay này sẽ được thanh toán như thế nào.
Ông Dorsey nói với Nikkei Asia Review rằng dự án phục vụ lợi ích của Trung Quốc nhiều hơn Pakistan, vì Bắc Kinh có ưu thế trong thương lượng nhờ những gói hỗ trợ kinh tế cho Islamabad.
Một số nhà quan sát tin rằng Pakistan muốn nhanh chóng hoàn thành con đập và sẵn sàng gạt sang một bên những lo ngại về tài chính sau này.
“Không có dấu hiệu cho thấy Islamabad đã suy tính về việc sẽ trả khoản nợ khổng lồ này như thế nào. Nếu đã tính toán trước mọi thứ, họ đã công bố dự án với công chúng”, Michael Kugelman, phó giám đốc chương trình châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói.
Vì Pakistan có rất ít lựa chọn đầu tư, nên họ không có nhiều ưu thế trước Trung Quốc, ông Kugelman nhận định.
Năm 2017, Pakistan đã rút con đập ra khỏi các dự án thuộc CPEC, vì các điều kiện của Trung Quốc, bao gồm việc sở hữu dự án. Tuy nhiên, đề xuất trước đó của Pakistan nhằm tìm kiếm tài trợ từ Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á vào năm 2016 đều bị từ chối do sự thù địch lâu nay giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ấn Độ phản đối gay gắt
“Chúng tôi đã liên tục phản đối và chia sẻ mối lo ngại của mình với cả Pakistan và Trung Quốc về những dự án ở vùng lãnh thổ Ấn Độ nằm dưới sự chiếm đóng bất hợp pháp của Pakistan”, Anurag Srivastava, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói.
Pakistan quyết xây đập ở Kashmir bất chấp nguy cơ bẫy nợ. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh ngay lập tức phản bác.
“Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Kashmir là nhất quán. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống cho người dân địa phương”, Lijian Zhao, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, nói.
Các nhà quan sát cho rằng sự phản đối của Ấn Độ không thể cản trở được dự án. “Ấn Độ không thể sử dụng áp lực ngoại giao để ép Pakistan ngừng dự án, vì sự chú ý của thế giới đang tập trung vào đại dịch Covid-19”, ông Dorsey nói.
Từ lâu New Delhi đã phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường vì các dự án được lên kế hoạch trong khu vực Kashmir đang tranh chấp, bao gồm Gilgit-Baltistan. Chắc chắn sự hợp tác giữa Trung Quốc và Pakistan sẽ không dừng lại ở đó, điều tương tự cũng xảy ra với con đập, ông Kugelman nhận định.