Thủ tướng Pakistan Imran Khan có chuyến công du đến Bắc Kinh vào ngày 15/10 tới. Đi cùng Thủ tướng Khan là tướng Qamar Javed Bajwa, Tham mưu trưởng quân đội Pakistan, nhân vật có tầm ảnh hưởng rất lớn.
Trong khi Thủ tướng Khan gặp gỡ các nhà lãnh đạo và doanh nhân Trung Quốc, tướng Bajwa được các tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc tiếp đón, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ quốc phòng ngày càng thân mật giữa hai nước Nikkei Asian Review cho biết.
Vượt mặt Ấn Độ về xuất khẩu vũ khí
Mối quan hệ gần gũi đó đang giúp Pakistan trở thành nhà thầu quốc phòng, xuất khẩu vũ khí cho Myanmar và Nigeria. Tháng 12/2018, không quân Myanmar lần đầu công bố những bức ảnh về 4 tiêm kích JF-17 mua từ Pakistan để hiện đại hóa không quân.
Thỏa thuận được thực hiện với sự trợ giúp của Trung Quốc về tài chính và cho phép Pakistan xuất khẩu JF-17 cho khách hàng bên thứ 3. Myanmar sẽ mua 16 chiếc JF-17, dù chi phí chưa được tiết lộ.
Tiêm kích JF-17 đã được xuất khẩu cho Myanmar và Nigeria dưới sự cho phép của Trung Quốc. Ảnh: Twitter/Shahid Raza. |
Một nguồn tin nói với Nikkei rằng chi phí cho 16 chiếc JF-17 cùng với phụ tùng khoảng 400 triệu USD. “Giá cả phải chăng, chất lượng cao là điểm mạnh của JF-17”, tướng Shahid Latif, cựu tư lệnh không quân Pakistan, người từng tham gia vào dự án sản xuất JF-17 nói.
Được khuyến khích bởi hợp đồng đầu tiên cho Myanmar, Pakistan đã thảo luận xuất khẩu JF-17 cho Malaysia, Azerbaijan và bán thêm máy bay cho Nigeria, quốc gia này đang vận hành 3 chiếc JF-17.
Một số quan chức chính phủ Pakistan nói với Nikkei Asian Review, trong vài năm trở lại đây, Pakistan đã tăng cường bán máy bay chiến đấu JF-17 Thunder mà họ hợp tác chế tạo với Trung Quốc.
Các quan chức cho biết thêm tiêm kích JF-17 Block III, phiên bản hiện đại nhất của JF-17 với radar tiên tiến, vũ khí mạnh hơn sẽ được giới thiệu vào năm 2020. Trung Quốc đã giúp Pakistan xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng khả thi hơn về mặt thương mại, để việc mua sắm thiết bị quân sự đắt tiền sẽ không gây ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn yếu kém của đất nước.
Trong khi đó, dự án máy bay chiến đấu hạng nhẹ LCA Tejas của Ấn Độ đã trải qua 33 năm phát triển, nhưng mới chỉ được chuyển giao hạn chế cho không quân. Việc đưa LCA Tejas vào hoạt động chậm đến 21 năm so với kế hoạch ban đầu.
Ấn Độ cũng từng đề cập đến việc xuất khẩu LCA Tejas, nhưng khả năng thành công là rất thấp. Tejas sử dụng động cơ của Mỹ, điều đó có nghĩa Washington có quyền phủ quyết việc xuất khẩu máy bay cho bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ không mong muốn.
Ngoài ra, thật khó để khách hàng nước ngoài có thể tin tưởng một dự án phát triển kéo dài hơn 3 thập niên.
Giúp Pakistan để đối phó Ấn Độ
Pakistan dựa vào phần cứng quân sự từ Trung Quốc trong hơn 50 năm, dù Islamabad cũng sử dụng mọi cơ hội để có quyền truy cập vào thiết bị quốc phòng từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
JF-17 đã giúp Pakistan đứng vào hàng ngũ những quốc gia xuất khẩu máy bay chiến đấu. Ảnh: AP. |
Một số nhà lãnh đạo Pakistan từ lâu đã than thở về mối quan hệ lạnh nhạt với Mỹ, điều đó dẫn đến giảm nguồn cung vũ khí từ Washington. Điều này trái ngược so với Trung Quốc, Bắc Kinh đang dần nuôi dưỡng Pakistan như một đồng minh thân thiết.
Các hoạt động chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc đã cho phép Pakistan bắt đầu tự sản xuất phần cứng quân sự, đặc biệt là tiêm kích JF-17, xương sống của lực lượng không quân Pakistan.
Islamabad ngày càng xâm nhập sâu hơn vào việc sản xuất xe tăng và các thiết bị quân sự cho lực lượng mặt đất, nhờ công nghệ chuyển giao từ Trung Quốc. Tương tự, phần cứng chuyển giao từ Trung Quốc đang giúp Pakistan xây dựng lực lượng hải quân hiện đại hơn.
Mushahid Hussain Sayyid, lãnh đạo đảng đối lập PML-N ở Pakistan, cho biết một trong những yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh tăng cường hợp tác quân sự với Islamabad là việc New Delhi hủy bỏ quyền tự trị đối với Kashmir, khu vực đang tranh chấp gay gắt giữa Ấn Độ và Pakistan.
“Khi Ấn Độ rút quyền tự trị của Kashmir vào tháng 8, Trung Quốc cũng lo ngại rằng sự thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến Ladakh”, ông Sayyid nói.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp F22, chiến hạm mạnh nhất của Pakistan được Trung Quốc đóng mới dựa trên tàu hộ vệ tên lửa Type-053H3. Ảnh: Daily Times. |
Trung Quốc cũng kiểm soát một phần ở khu vực Kashmir và Ladakh, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có lý do khác để đối phó Ấn Độ.
“Người Trung Quốc tin rằng Mỹ và một số nước phương Tây đang cố gắng hỗ trợ Ấn Độ xây dựng sức mạnh quân sự. Đáp lại, Trung Quốc cũng nỗ lực trợ giúp Pakistan phát triển quân đội để đối phó”, một quan chức Bộ Ngoại giao Pakistan nói giấu tên.
Trong những năm tới, sự phụ thuộc của Pakistan vào thiết bị quân sự từ Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng lên. Bắc Kinh và Islamabad đã ký thỏa thuận mua bán 8 tàu ngầm cho hải quân Pakistan, thỏa thuận quốc phòng lớn nhất giữa hai nước.
Giá trị hợp đồng không được tiết lộ, nhưng người ta ước tính khoảng 4-5 tỷ USD tùy thuộc vào hệ thống vũ khí và phương tiện bổ sung khác. 4 tàu được đóng tại Trung Quốc và 4 tàu còn lại được đóng tại nhà máy đóng tàu ở thành phố cảng phía nam nhìn ra biển Arab và Ấn Độ Dương.
Một nhà ngoại giao phương Tây ở Islamabad nói với Nikkei rằng mối quan hệ Trung Quốc – Pakistan chủ yếu dựa vào hợp tác quốc phòng để đối phó với đối thủ chung là Ấn Độ. Sự hợp tác này chính là chìa khóa để giữ hai nước ngày càng xích lại gần nhau.