Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ông Trump vắng mặt, vali hạt nhân sẽ được chuyển giao như thế nào?

Sự vắng mặt của Tổng thống Trump trong lễ nhậm chức của ông Biden khiến số phận của "chiếc vali quyền lực nhất nước Mỹ" hiện vẫn còn là dấu hỏi lớn.

chuyen giao vali hat nhan anh 1

Cover

Theo thông lệ, trong buổi lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, vali hạt nhân sẽ được âm thầm chuyển giao giữa hai đời chủ nhân Nhà Trắng. Quá trình này cho phép tân tổng thống tiếp nhận quyền kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Tuy nhiên, vào ngày 8/1, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ không dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm.

"Gửi những người đã thắc mắc, tôi sẽ không đến dự lễ nhậm chức ngày 20/1", Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter - thời điểm đó tài khoản của ông chưa bị khóa.

Việc Tổng thống Trump dự kiến vắng mặt trong lễ nhậm chức của ông Biden làm dấy lên nhiều câu hỏi xoay quanh quy trình bàn giao “chiếc vali quyền lực nhất nước Mỹ”.

chuyen giao vali hat nhan anh 2

Tổng thống Trump tuyên bố không dự lễ nhậm chức của ông Biden. Ảnh: Getty.

Giải mã vali hạt nhân

Vào ngày 2/1/2018, Tổng thống Trump tuyên bố trên Twitter rằng nút bấm hạt nhân của ông “to và uy lực hơn” so với nút bấm hạt nhân của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Cụm diễn đạt này khiến nhiều người hình dung về một nút bấm hữu hình. Tuy nhiên, trái với tưởng tượng của nhiều người, các chuyên gia khẳng định “nút bấm hạt nhân” thực tế không tồn tại.

“Không có bất kỳ nút bấm nào để tổng thống có thể nhấn, không có công tắc, không có then chốt, không có bất kỳ thứ gì để tổng thống nhấn và ra lệnh ‘kích hoạt vũ khí hạt nhân’”, nhà nghiên cứu cấp cao Krister Knapp tại Khoa Lịch sử thuộc Đại học Washington nói với CBS.

Thiết bị giúp người đứng đầu Nhà Trắng triển khai tấn công hạt nhân thực chất là chiếc túi da màu đen, được gọi là “vali hạt nhân”. Chiếc vali này luôn được tháp tùng bởi một trong năm phụ tá quân sự của tổng thống, đại diện cho các nhánh của lực lượng vũ trang Mỹ.

chuyen giao vali hat nhan anh 3

Một phụ tá quân sự tháp tùng vali hạt nhân bên Tổng thống Trump lên trực thăng Marine One. Ảnh: Getty.

Chiếc vali này chứa mật mã hạt nhân, tài liệu hướng dẫn vận hành hệ thống liên lạc khẩn cấp và thiết bị liên lạc để gửi mật mã trong tình huống khẩn cấp, bất chấp tổng thống đang ở đâu.

Vào năm 1962, trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Tổng thống John F. Kennedy lúc đó lo ngại việc tấn công hạt nhân có thể bị phát động mà không được sự chấp thuận của ông nên đã chỉ định chế tạo chiếc vali hạt nhân đầu tiên trên thế giới.

Vali hạt nhân cho phép người quản lý phát động một đợt tấn công hạt nhân thông qua mật lệnh gửi về Lầu Năm Góc rồi chuyển đến Sở Chỉ huy Chiến lược Mỹ tại căn cứ không quân Offutt ở bang Nebraska.

Tổng thống Mỹ là người duy nhất có khả năng mở vali hạt nhân, bởi thiết bị này được khóa bằng hệ thống bảo mật điện tử.

Bên trong vali hạt nhân chứa một chiếc thẻ xác thực. Vật dụng này cùng cỡ với thẻ tín dụng thông thường và được đặt biệt danh là “bánh quy”. Trên thẻ có chứa mã số nhận dạng và thông tin cá nhân của tổng thống.

Sau khi các thông số trùng khớp và mọi thao tác diễn ra đúng quy trình, tổng thống mới có thể mở vali hạt nhân và chỉ đạo tiến hành tấn công bằng vũ khí hạt nhân.

chuyen giao vali hat nhan anh 4

Vali hạt nhân lần đầu xuất hiện dưới thời Tổng thống Kennedy. Ảnh: Atomic Heritage Foundation.

Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, chỉ trong khoảng “bốn phút”, người sở hữu “chiếc vali quyền lực nhất nước Mỹ” có thể triển khai hàng trăm đầu đạn hạt nhân xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược.

Trong khi đó, báo cáo năm 2013 của Viện Nghiên cứu Giải trừ quân bị Liên Hợp Quốc cho biết các tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể được phóng trong vòng 5 phút sau khi tổng thống ra lệnh.

“Chiếc vali quyền lực nhất nước Mỹ” đồng thời đính kèm danh sách hầm trú ẩn cho tổng thống nếu Mỹ bị tấn công hạt nhân.

Ngoài ra, chiếc vali nói trên còn chứa các kịch bản tác chiến được chuẩn bị sẵn phòng trường hợp cần kích hoạt quá trình phản đòn hạt nhân trong thời gian ngắn.

“Kịch bản chưa từng có tiền lệ”

Tổng thống Mỹ gần nhất từ chối tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm (không kể ông Trump) là Andrew Johnson vào năm 1869. Thời điểm đó, Mỹ chưa sở hữu kho vũ khí hạt nhân.

Do đó, quy trình chuyển giao vali hạt nhân với sự vắng mặt của tổng thống đương nhiệm là “chưa từng có tiền lệ”, chuyên gia vũ khí hạt nhân Hans Kristensen tại Hiệp hội các Nhà khoa học Mỹ nhận định.

Tuy nhiên, trung tá về hưu Buzz Patterson, người từng bảo vệ vali hạt nhân cho cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết quá trình này cần được hoàn thành theo đúng thời gian hạn định, bất chấp việc ông Trump có xuất hiện tại Điện Capitol vào trưa 20/1/2021 hay không.

“Để quy trình vận hành, cần phải có trách nhiệm rõ ràng. Việc bàn giao vali hạt nhân giữa hai đời chủ nhân Nhà Trắng phụ thuộc vào Lầu Năm Góc chứ không phải bản thân tổng thống”, ông Patterson nhấn mạnh.

chuyen giao vali hat nhan anh 5

Tổng thống Trump rời tổng hành dinh của CIA cùng vali hạt nhân được bảo vệ bởi phụ tá. Ảnh: Getty.

Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã chuẩn bị kế hoạch chuyển giao vali hạt nhân trong ngày nhậm chức của ông Biden song từ chối cung cấp thông tin chi tiết.

“Có những hệ thống sẵn sàng đảm bảo quá trình bàn giao vali diễn ra nhanh chóng và kịp thời”, ông Patterson nói với tờ Business Insider. “Chúng tôi không xem nhẹ vấn đề này”, ông nói thêm.

Chuyên gia vũ khí hạt nhân Kristensen dự đoán giới chức Lầu Năm Góc sẽ áp dụng phương án dự phòng vốn được chuẩn bị sẵn cho kịch bản tổng thống đột ngột qua đời hoặc mất khả năng nhận thức.

Theo đó, quyền chỉ huy kho vũ khí hạt nhân và các thiết bị đi kèm sẽ lập tức được chuyển giao cho phó tổng thống hoặc một yếu nhân được chỉ định từ trước.

Trong khi đó, nhà khoa học Stephen Schwartz cho rằng trên thực tế Mỹ có tới ba vali hạt nhân, được giao cho tổng thống, phó tổng thống và một yếu nhân khác.

Ông Schwartz cho rằng các cơ quan có trách nhiệm sẽ chuẩn bị sẵn vali hạt nhân dự phòng trước khi buổi lễ nhậm chức sắp tới diễn ra, sau đó quy trình bàn giao sẽ diễn ra như bình thường, đồng nghĩa với việc quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân của ông Trump sẽ bị vô hiệu hóa.

Trên thực tế, ông Biden không phải là người quá lạ lẫm với những thủ tục liên quan đến vali hạt nhân. Trong quá khứ, với vai trò phó tổng thống, ông Biden thường được thông báo về quy trình tiếp quản quyền sử dụng chiếc vali quyền lực này.

Danh sách trừ khử và những bí mật tổng thống Mỹ cần biết khi nhậm chức Trước khi nhậm chức, các tổng thống Mỹ phải biết những hồ sơ tuyệt mật chẳng hạn như: danh sách trừ khử, hồ sơ về các mật vụ và mã bom hạt nhân.

Vali hạt nhân sẽ ở đâu trong ngày ông Biden nhậm chức?

Việc ông Trump bỏ ngỏ khả năng tham gia lễ nhậm chức của người kế nhiệm làm dấy lên câu hỏi xoay quanh “chiếc vali quyền lực nhất nước Mỹ”.

Lần đầu tiên mở khóa vali hạt nhân tối mật của Tổng thống Putin

Những thứ bên trong chiếc vali hạt nhân có chức năng khởi động hệ thống vũ khí hạt nhân của Nga vừa được tiết lộ lần đầu tiên trên sóng truyền hình.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm