Tính đến sáng sớm ngày 6/11 (giờ miền Đông), tức sau đêm bầu cử, cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn quá sít sao và chưa thể phân định thắng thua ngay. Tuy nhiên, chiến thắng của ông Donald Trump tại các bang chiến địa quan trọng là Georgia và North Carolina đã củng cố hy vọng cho đảng Cộng hoà.
Hãng tin AP nhận định ông Trump sẽ thắng tại North Carolina vào 11h18 ngày 5/11 (giờ miền Đông) với cách biệt 3 điểm % trước đối thủ Kamala Harris. Chưa đầy 2 tiếng sau, hãng tin này nói rằng ông Trump chiến thắng tại Georgia, nơi cách biệt giữa hai ứng viên thậm chí còn hẹp hơn.
Giờ đây, hy vọng chiến thắng của chiến dịch bà Harris phụ thuộc hoàn toàn vào 3 bang Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, từng được gọi là "bức tường xanh" của đảng Dân chủ.
Cuộc cạnh tranh tại các bang này vẫn rất sít sao khiến giới truyền thông chưa thể nhận định người thắng cuộc. Tổng số phiếu đại cử tri của ba bang nói trên là 44, đủ để bà Harris có thể hy vọng về một chiến thắng.
Phó Tổng thống Kamala Harris đã không có mặt tại buổi tiệc theo dõi bầu cử ở Đại học Howard (Washington) vào đêm bầu cử. Ảnh: New York Times. |
Bà Harris đã giành được hơn 200 phiếu đại cử tri tại các bang "thành trì" của đảng Dân chủ nhưng khả năng chiến thắng tại những bang chiến địa mang tính chất quyết định vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Vào năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã đắc cử sau khi "đả bại" ông Trump tại các bang thuộc "Vành đai Sắt" này. Tuy nhiên, cơ hội tái lập thành tích này của bà Harris là khá mơ hồ, Guardian nhận định.
Những diễn biến của ngày bầu cử Mỹ cho thấy cánh cửa vào Nhà Trắng của bà Harris đang thu hẹp lại một cách nhanh chóng. Những người ủng hộ phó tổng thống tập trung tại Đại học Howard (Washington), trường cũ của bà, ngày càng biểu lộ sự lo lắng.
"Vẫn còn nhiều bang chưa xác định kết quả", cựu nghị sĩ Celdric Richmond, thành viên cấp cao chiến dịch tranh cử của bà Harris, trấn an đám đông. "Chúng ta sẽ tiếp tục theo dõi xuyên đêm để đấu tranh và đảm bảo mọi lá phiếu được kiểm và mọi tiếng nói được lắng nghe".
Tình hình trở nên tồi tệ hơn cho phe Dân chủ khi nhiều hãng truyền thông lớn của Mỹ đồng loạt nhận định ông Trump đã thắng tại Pennsylvania, bang chiến địa quan trọng với 19 phiếu đại cử tri. Thắng lợi tại Pennsylvania có thể báo hiệu cho một chiến thắng vang dội, phá vỡ "bức tường xanh" của đảng Dân chủ.
Đội ngũ trợ lý của ông Trump thể hiện sự tự tin khi kết quả sơ bộ cho thấy cựu tổng thống giành chiến thắng bất ngờ tại Miami-Dade, vốn là thành trì của đảng Dân chủ. Họ cho rằng đây là chỉ dấu về triển vọng trở lại Nhà Trắng của ông Trump.
Một số cố vấn cấp cao cho rằng ông Trump có thể giành được Michigan và Wisconsin, Guardian dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.
"Chúng tôi sẽ thắng cuộc đua này", Steve Bannon, cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời ông Trump, dự đoán.
Trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Trump và các phụ tá đã thể hiện sự tự tin. Điều này làm gia tăng kỳ vọng cho những người ủng hộ cựu tổng thống.
Ông Trump cũng tuyên bố vô căn cứ rằng trường hợp duy nhất ông có thể thất cử là khi đối thủ gian lận. Nếu chiến dịch của ông đưa ra tuyên bố chiến thắng sớm, nhiều khả năng họ cũng sẽ dựa vào lối lập luận thiếu cơ sở này, Guardian nhận định.
Tương phản với cuộc bầu cử năm 2020, ông Trump trở nên kín tiếng hơn về dự định của bản thân trong thời điểm ngày bầu cử diễn ra.
"Tôi không biết chuyện gì sẽ diễn ra liên quan đến việc tuyên bố chiến thắng", ông Trump trả lời giới truyền thông khi đi bỏ phiếu vào ngày 5/11. "Có vẻ chúng tôi đang dẫn trước khá cách biệt. Dường như nhiều cử tri Cộng hoà đi bỏ phiếu hơn người ủng hộ đảng Dân chủ".
AP nhận định có nhiều điểm tương đồng giữa đêm bầu cử của ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton vào năm 2016 và Kamala Harris vào năm 2020.
Không khí u ám bao trùm sự kiện của những người ủng hộ bà Harris. Ảnh: New York Times. |
Cả bà Clinton và Harris đều không xuất hiện trong các bữa tiệc vào đêm bầu cử, mặc dù cả hai đều hướng đến ngày bầu cử với niềm tin sắp đánh bại ông Donald Trump.
Các trợ lý hàng đầu của cả 2 chiến dịch đều thông báo họ sẽ không phát biểu. Đến tuyên bố của các trợ lý cũng mang tính tương đồng.
Ngay cả tâm trạng và quỹ đạo trong các sự kiện cũng tương tự. Không khí tại sự kiện của bà Clinton tại Trung tâm Javits bắt đầu trong niềm hân hoan, khi khán giả nhảy múa và háo hức trước thời khắc tạo nên lịch sử.
Điều tương tự cũng xảy ra với bà Harris, trong sự kiện diễn ra tại khuôn viên trường đại học. Khi ông Podesta và ông Richmond bước lên sân khấu, bữa tiệc dừng lại, công chúng rời đi và những người ở lại trong thật buồn bã.
Những người ủng hộ ông Trump đang ngập tràn hy vọng. Ảnh: New York Times. |
Tại sự kiện của những người ủng hộ bà Harris ở Đại học Howard, đám đông trở nên yên lặng khi màn hình hiển thị rằng ông Trump đã thắng ở North Carolina. Một vài người thậm chí đã rời đi.
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy những lo ngại về tình trạng của nền kinh tế và tương lai của nền dân chủ Mỹ đè nặng lên tâm trí cử tri khi họ bỏ phiếu.
Cựu Tổng thống Trump cũng được một số cố vấn khuyên rằng ông nên tuyên bố chiến thắng sớm trong đêm bầu cử 5/11 (giờ miền Đông) nếu có cách biệt đủ lớn trước đối thủ tại các bang chiến địa, hãng tin Guardian dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.
Tuy nhiên, ngay cả những đồng minh thân cận với ông Trump như cựu chiến lược gia Nhà Trắng Steven Bannon đã khuyên cựu tổng thống rằng ông nên hoãn quyết định tuyên bố chiến thắng lại nếu không muốn bị "hớ", theo Guardian.