Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ông Trump sắp châm ngòi 'cơn bão' sa thải hàng loạt?

Phần lớn lực lượng công chức liên bang Mỹ đang trong tình trạng căng thẳng và chuẩn bị tinh thần cho sự trở lại của ông Donald Trump ở vị trí quyền lực nhất Nhà Trắng.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Donald Trump từng hứa sẽ khôi phục một lệnh hành pháp năm 2020 được gọi là "biểu F", cho phép sa thải hàng loạt những nhân viên liên bang phi đảng phái.

“Mục tiêu là tạo không gian để đưa những người trung thành vào các vị trí công chức sự nghiệp”, Ronald Sanders, cựu nhân viên liên bang từng được ông Trump bổ nhiệm song đã từ chức, nói với CNN.

Ông Sanders nói thêm rằng sẽ “có vấn đề” nếu tổng thống sử dụng biểu F để củng cố và duy trì lòng trung thành chính trị.

Tong thong dac cu Trump anh 1

Ông Ronald Sanders từng phục vụ trong chính quyền ông Trump song đã từ chức vì bất mãn với cách tiếp cận chính trị hóa bộ máy công chức liên bang. Ảnh: Habari Network.

Sự trở lại của ông Trump đã khiến nhiều nhân viên liên bang lo ngại về tương lai sự nghiệp của họ. Nhiều người trong số này nói với CNN rằng họ sẽ tiếp tục tại chức đến đầu năm 2025 song không rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.

"Tôi cho rằng mọi người đều có chung cảm giác sợ hãi", một nhân viên thuộc Bộ Năng lượng Mỹ nói với CNN.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã chế giễu các công chức và quân nhân, nhiều người đã nghỉ việc song một số vẫn kiên trì.

Giờ đây, họ sẽ đối mặt thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa của ông Trump. Chính trị gia gốc New York từng úp mở rằng lực lượng công chức liên bang sẽ còn chật vật hơn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông tại Nhà Trắng, theo CNN.

"Chúng tôi đã thảo luận với nhau rằng không biết bản thân có thể chịu đựng thêm 'hiệp 2' hay không", một nhân viên thuộc Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA) nói với CNN.

Sa thải hàng loạt

Max Stier, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội Quan hệ đối tác vì dịch vụ công (Partnership for Public Service), nhận định rằng nếu ông Trump thực hiện chấn chỉnh đội ngũ công chức liên bang, đây sẽ là sự thay đổi lớn nhất đối với bộ phận này kể từ cuối thế kỷ XIX, đưa chính phủ liên bang trở lại “hệ thống chiến lợi phẩm” của năm 1883 khi các đảng phái chính trị chiến thắng trong cuộc bầu cử bổ nhiệm những người ủng hộ họ vào bộ máy chính quyền.

"Hệ thống chiến lợi phẩm" đã được thay thế bằng phương pháp đánh giá và bổ nhiệm dựa trên thành tích như hiện tại. Theo đó, các nhân viên có năng lực và kinh nghiệm làm việc có thể phục vụ qua nhiều đời tổng thống mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị.

CNN đã liên hệ với đội ngũ của ông Trump song phát ngôn viên của tổng thống mới đắc cử chưa phản hồi câu hỏi về thời điểm chính quyền mới áp dụng biểu F và bao nhiêu công chức liên bang sẽ bị ảnh hưởng.

“Người dân Mỹ đã bầu ông Trump làm tổng thống một lần nữa với số phiếu áp đảo. Do đó, ông Trump có nghĩa vụ thực hiện những lời hứa mà ông đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử”, Karoline Leavitt, phát ngôn viên chuyển giao quyền lực của ông Trump, cho biết trong một tuyên bố. “Ông ấy sẽ thực hiện”.

Tong thong dac cu Trump anh 2

Ông Trump trở lại đem theo nỗi lo nhân viên liên bang bị sa thải hàng loạt. Ảnh: CNN.

Viễn cảnh nhân viên liên bang bị sa thải hàng loạt nhiều khả năng sẽ không xảy ra ngay trong ngày đầu tiên ông Trump trở lại Nhà Trắng. Tại Văn phòng Quản lý Nhân sự Liên bang, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đưa ra bộ quy tắc bảo vệ đội ngũ liên bang khỏi bị sa thải hàng loạt để trả đũa.

Tuy nhiên, các quy tắc này chưa bao giờ được Quốc hội thông qua và có thể dễ dàng bị đảo ngược.

Trong số hơn 2 triệu nhân viên liên bang làm việc tại Mỹ và nước ngoài, biểu F có thể có tác động sâu sắc đến những người đang làm việc ở các vùng đô thị như Washington (đặc khu Columbia), Maryland và Virginia, khu vực có gần 449.000 nhân viên liên bang sinh sống, theo báo cáo năm 2024.

Đặc khu Columbia có lượng nhân viên liên bang lớn nhất trên toàn nước Mỹ, với hơn 162.000 người.

Ngoài biểu F, chính quyền mới dự kiến ​​sử dụng một số chiến thuật khác để cắt giảm nhân viên liên bang, đơn cử như chuyển công tác hàng loạt giám đốc điều hành cấp cao và di dời văn phòng của các cơ quan liên bang.

Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, ông Trump đã áp dụng chiến lược này khi chuyển trụ sở Cục Quản lý Đất đai từ Washington đến Grand Junction (Colorado) khiến 287 nhân viên phải từ chức hoặc nghỉ hưu.

Trong một video vận động tranh cử vào năm 2023, ông Trump đã tuyên bố sẽ di dời "nhiều nhất là 100.000 vị trí trong chính phủ" ra khỏi thủ đô Washington.

Một số luồng ý kiến đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden đưa ra các biện pháp khiến chính quyền ông Trump trong tương lai khó di dời các văn phòng liên bang hơn song Văn phòng Quản lý Nhân sự Hoa Kỳ vẫn chưa hành động theo các đề xuất này.

Một số nhân viên liên bang cũng lo ngại về đề xuất của ông Trump về việc thành lập một ủy ban quản lý hiệu suất chính phủ và cho tỷ phú Elon Musk đứng đầu.

"Tôi sẽ thành lập một ủy ban với nhiệm vụ tiến hành kiểm toán tài chính và hiệu suất của toàn bộ chính phủ liên bang, đồng thời đưa ra các kiến nghị về cải cách mang tính bước ngoặt", ông Trump phát biểu tại sự kiện vận động tranh cử tổ chức ở Câu lạc bộ Kinh tế New York hồi tháng 9.

Tong thong dac cu Trump anh 3

Ông Trump hồi tháng 9 từng tuyên bố thành lập uỷ ban kiểm soát hiệu suất chính phủ cho ông Elon Musk đứng đầu. Ảnh: New York Times.

Các cựu quan chức từng phục vụ dưới nhiệm kỳ đầu của ông Trump cũng đề xuất cắt giảm toàn bộ các văn phòng liên bang bên cạnh việc sa thải các công chức đơn lẻ.

"Nếu có những văn phòng đang hoạt động mà không có đóng góp ý nghĩa cho các sứ mệnh của cơ quan thì những văn phòng đó cần phải biến mất", Mandy Gunasekara, cựu Chánh văn phòng của EPA, nói.

Trước thềm "cơn bão" sa thải

Trong bối cảnh đó, các công đoàn đại diện cho lực lượng lao động liên bang đang chuẩn bị cho viễn cảnh sa thải hàng loạt trong nhiệm kỳ 2 của ông Trump, theo CNN.

Everett Kelley, Chủ tịch Liên đoàn Công chức Chính phủ Mỹ (AFGE), nói rằng nhân viên liên bang "đáng lý phải được làm công việc của mình mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố chính trị, không vi phạm lời tuyên thệ theo Hiến pháp và không vi phạm pháp luật".

AFGE đại diện cho hơn 800.000 nhân viên liên bang trên khắp nước Mỹ.

Joyce Howell, phó Chủ tịch điều hành Hội đồng 238 của AFGE, nói rằng nhân viên EPA "lo ngại về những gì mà chính quyền Trump có thể tác động đến công việc hiện tại của họ".

Lãnh đạo công đoàn của EPA nói với CNN rằng luật sư của họ đang soạn thảo các khiếu nại pháp lý chống lại biểu F. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết những khiếu nại này nhiều khả năng không đủ để ngăn chặn các vụ sa thải hàng loạt.

Các nhóm vận động pháp lý như Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ và Dân chủ Tiến lên, từng đấu tranh chống lại chương trình nghị sự của chính quyền ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên tại tòa án, cũng đang cân nhắc phương pháp kết nối luật sư với các công chức chuyên nghiệp bị nhắm đến là mục tiêu bị sa thải bằng các chiến thuật phi pháp, theo CNN.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Ông Trump chọn 'ông trùm biên giới' kiểm soát nhập cư

Tổng thống mới đắc cử Donald Trump ngày 10/11 (giờ Mỹ) nói rằng ông đã ấn định Thomas D. Homan, cựu quan chức nhiệm kỳ đầu của ông Trump, làm người "trấn thủ" biên giới Mỹ.

Ông Trump 'xát muối' vào vết thương của đảng Dân chủ

Ông Donald Trump sẽ đến Phòng Bầu dục ngày 13/11 tới trong khi Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ "đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra trong hòa bình và trật tự".

Câu hỏi lớn trong mối quan hệ Trump - Musk

Tỷ phú Tesla là nhân vật chủ chốt trong quỹ đạo của tổng thống đắc cử. Một câu hỏi đặt ra là liệu quan điểm của ông về khí hậu và năng lượng sạch có lay chuyển được ông Trump.

Đại Hoàng

Bạn có thể quan tâm