Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ông Trump 'xát muối' vào vết thương của đảng Dân chủ

Ông Donald Trump sẽ đến Phòng Bầu dục ngày 13/11 tới trong khi Tổng thống Biden tuyên bố ông sẽ "đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra trong hòa bình và trật tự".

Donald Trump anh 1

Cựu Tổng thống Donald J. Trump, cùng với gia đình và các trợ lý, phát biểu tại một bữa tiệc theo dõi bầu cử ở West Palm Beach, Florida vào tối 5/1. Ảnh: New York Times.

Ông Donald Trump đã được xác định là người chiến thắng tại bang Arizona vào sáng sớm 10/11, hoàn thành việc đảng Cộng hòa "quét sạch" các tiểu bang được gọi là dao động và xát muối vào vết thương của đảng Dân chủ.

Kết quả chiến thắng ở bang chiến địa cuối cùng được đưa ra giữa lúc có thông báo tổng thống đắc cử dự kiến ​​gặp Tổng thống đương nhiệm Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 13/11 tới để thảo luận về việc chuyển giao quyền lực tổng thống.

Trong khi chiến dịch tranh cử được dự đoán là cực kỳ sít sao nhưng cuối cùng ông giành chiến thắng dễ dàng, kết quả ở Arizona đã giúp ông Trump nâng số phiếu đại cử tri lên tới con số 312, so với 226 phiếu của bà Kamala Harris.

Arizona cùng với các tiểu bang dao động khác của Vành đai Mặt trời - Nevada, Georgia và Bắc Carolina - và ba tiểu bang Vành đai Rỉ sét là Michigan, Wisconsin và Pennsylvania đã bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa. Tất cả đều được dự đoán là cực kỳ cạnh tranh nhưng tất cả đều ủng hộ ông Trump, mặc dù với biên độ khá sít sao.

Đảng Cộng hòa cũng giành lại quyền kiểm soát Thượng viện - nắm giữ 53 ghế so với 46 ghế của đảng Dân chủ - và có vẻ như sẽ giữ được quyền kiểm soát Hạ viện, nơi vẫn còn 21 cuộc đua chưa được gọi tên nhưng hiện tại đảng Cộng hòa đang có lợi thế 212-202. Điều đó mang lại cho đảng này “ba nhánh quyền lực” - cả lưỡng viên Quốc hội cũng như chức tổng thống - cho phép họ điều hành mà không bị ràng buộc trong ít nhất hai năm tới.

Sự đảo lộn diễn ra sau một cuộc bầu cử đầy tổn hại đã mở ra tiền đề cho đảng Dân chủ đánh giá lại một nền tảng dường như đã bị đa số cử tri Mỹ bác bỏ. Ông Trump cũng giành chiến thắng thiếu phiếu phổ thông, đánh dấu lần đầu tiên một thành viên đảng Cộng hòa làm được điều đó kể từ ông George W Bush năm 2004 sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9 vài năm trước đó.

Chuyển giao trong hòa bình và trật tự

Theo đề nghị của ông Biden, Tổng thống đắc cử Donalđ Trump sẽ đến thăm Phòng Bầu dục vào ngày 13/11, một thủ tục mà bản thân cựu tổng thống đã không màng tới vào năm 2020 khi ông để mất chức tổng thống vào tay ông Biden nhưng từ chối chấp nhận kết quả.

Trong bài phát biểu tuần trước, Biden cho biết ông sẽ "chỉ đạo toàn bộ chính quyền của tôi làm việc với đội ngũ của ông Trump để đảm bảo quá trình chuyển giao diễn ra trong hòa bình và trật tự".

Tuy nhiên, với tư cách là tổng thống đắc cử, ông Trump được cho là vẫn chưa đệ trình một loạt các thỏa thuận chuyển giao với chính quyền Biden, bao gồm các cam kết về đạo đức để tránh xung đột lợi ích. Các thỏa thuận này là bắt buộc để mở khóa các cuộc họp báo từ chính quyền sắp mãn nhiệm trước khi chuyển giao quyền lực trong vòng 72 ngày.

Donald Trump anh 2

Ông Donald Trump đến dự sự kiện vận động tranh cử ở Waukesha, Wisconsin, hôm 1/5. Ảnh: Bloomberg.

Cố vấn an ninh quốc gia, Jake Sullivan, cho biết ông Biden sẽ tóm tắt cho Trump về chính sách đối ngoại vào ngày 13/11.

"Tổng thống sẽ có cơ hội giải thích với Tổng thống đắc cử Trump về cách ông nhìn nhận mọi việc", ông Sullivan nói với CBS Face the Nation.

Khi được hỏi liệu ông Biden có yêu cầu các nhà lập pháp thông qua thêm viện trợ cho Ukraine trước khi ông rời nhiệm sở hay không, ông Sullivan cho biết tổng thống "sẽ nêu rõ rằng chúng ta thực sự cần các nguồn lực liên tục cho Ukraine sau khi nhiệm kỳ của ông kết thúc".

Các đồng minh của ông Trump cho biết trọng tâm của chính quyền sắp tới sẽ là hòa bình chứ không phải lãnh thổ.

Ông Sullivan cũng cho biết cộng đồng quốc tế cần "tăng áp lực buộc Hamas phải ngồi vào bàn đàm phán để đạt được thỏa thuận ở Gaza, vì chính phủ Israel đã tuyên bố sẵn sàng thực hiện một bước đi tạm thời theo hướng đó" khi Hamas nói với các bên trung gian rằng họ "sẽ không thực hiện lệnh ngừng bắn và thỏa thuận con tin vào thời điểm này".

Phải nhìn về phía trước chứ không phải ở phía sau

Hậu quả chính trị từ chiến thắng của ông Trump vẫn tiếp tục lan rộng, đặc biệt là trong phe Dân chủ. Chiến dịch Harris-Walz ước tính đã chi 1 tỷ USD trong ba tháng nhưng đang nợ 20 triệu USD. Nhà thăm dò ý kiến ​​của đảng Cộng hòa Frank Luntz nói với ABC News's This Week rằng bất kỳ ai "nói" với bà Harris tập trung vào ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống của bà đều đã "phạm tội chính trị".

"Chúng ta đều biết ông Trump là ai", ông Luntz nói. "Chúng ta đã có kinh nghiệm về ông ấy trong bốn năm".

Thượng nghị sĩ cấp tiến Bernie Sanders, người bỏ phiếu cho đảng Dân chủ, đã bảo vệ chiến dịch của bà Harris và từ chối bị lôi kéo vào phân tích sâu hơn về việc liệu ông Biden có nên từ bỏ nỗ lực tái tranh cử sớm hơn hay không.

“Tôi không muốn dính líu vào”, ông nói với CNN.

“Chúng ta phải nhìn về phía trước chứ không phải ở phía sau. Bà Kamala đã làm hết sức mình. Bà ấy đã vào cuộc, bà ấy đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận với ông Trump. Bà ấy đã làm việc chăm chỉ nhất có thể”, ông phân tích.

Donald Trump anh 3

Một người ủng hộ tham dự cuộc vận động tranh cử của ông Trump tại Pittsburgh, Pennsylvania, hôm 4/11. Ảnh: Reuters.

“Đây là thực tế: tầng lớp lao động của đất nước này đang tức giận, và họ có lý do để tức giận”, ông nói thêm.

“Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế ngày nay, nơi những người ở trên đỉnh cao đang hài lòng trong khi 60% người dân của chúng ta đang sống dựa vào tiền lương”.

Trong khi đó, đảng Cộng hòa vẫn chưa giải thích lý do ông Trump và nhiều người trong đảng cho rằng cuộc bầu cử tuần trước là tự do và công bằng nhưng vẫn khẳng định cuộc bầu cử năm 2020 đã bị gian lận, mặc dù mọi vụ kiện cáo buộc gian lận đều bị bác bỏ.

Jim Jordan, chủ tịch đảng Cộng hòa của ủy ban tư pháp Hạ viện, gọi chiến thắng của ông Trump vào tuần trước là “sự trở lại chính trị vĩ đại nhất”.

Hôm 8/11, ông Jordan và đại diện đảng Cộng hòa Barry Loudermilk đã gửi một lá thư cho cố vấn đặc biệt Jack Smith để yêu cầu văn phòng của ông lưu giữ hồ sơ về các vụ truy tố ông Trump của Bộ Tư pháp.

Khi được CNN hỏi liệu ông Trump có truy tố các đối thủ chính trị của mình hay không, ông Jordan trả lời: "Ông ấy đã không làm như vậy trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Đảng Dân chủ đã truy tố ông ấy và mọi người đều hiểu họ đã làm gì".

"Tôi không nghĩ bất kỳ điều gì trong số đó sẽ xảy ra", ông Jordan nhấn mạnh.

"Đảng của chúng tôi vốn phản đối việc truy tố chính trị. Chúng tôi phản đối việc truy tố đối thủ của mình bằng chiến tranh pháp lý".

Byron Donalds, một nghị sĩ Cộng hòa đến từ Florida, nói với Fox News rằng những tuyên bố về danh sách (kẻ thù) là "lời dối trá từ phe cánh tả Dân chủ".

"Tôi sẽ nói với quý vị, đây không phải là điều ông Donald Trump từng nói đến, hoặc ông ấy cam kết thực hiện, bất kể điều gì. Không có danh sách kẻ thù nào cả", ông Donalds nói.

Ông Trump thường xuyên gọi những đối thủ chính trị của mình là "kẻ thù bên trong", theo Guardian.

Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ

Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.

Biểu tình lan rộng ở Mỹ Hàng nghìn người ở Mỹ đổ ra đường hôm 9/11 để phản đối đường lối chính sách mà ông Donald Trump cam kết thực hiện khi quay lại Nhà Trắng, đặc biệt là vấn đề tự do sinh sản và trục xuất người nhập cư.

Mai Đình

Bạn có thể quan tâm