Cựu Tổng thống Trump đã kêu gọi biểu tình phản đối bản cáo trạng hình sự có thể được đưa ra chống lại ông, và cảnh sát ở các thành phố lớn của Mỹ cũng đang chuẩn bị cho tình trạng bất ổn.
Tuy nhiên, thông điệp phổ biến từ một số người ủng hộ nhiệt thành nhất của ông là: Hãy ở nhà. Theo BBC, đây là một điểm mâu thuẫn có thể hiểu được sau quá trình tìm hiểu về những người ủng hộ ông Trump trên nền tảng trực tuyến.
Trên các mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin và mạng xã hội Truth Social của chính ông Trump, tin đồn đang liên tục dấy lên.
Những cuộc trao đổi nghẹt thở đã xuất hiện, liên quan đến điệp viên hai mang hoặc “cờ giả” - những cuộc công kích được thực hiện với mục đích đổ lỗi cho đối thủ về hành vi bạo lực.
Thận trọng
Nhiều người ủng hộ trung thành của cựu tổng thống Mỹ tin rằng cuộc bạo loạn ở Điện Capitol vào ngày 6/1/2021 không phải do những người hâm mộ ông Trump và các nhóm cực hữu như Proud Boys và Oath Keepers kích động.
Thay vào đó, họ cho rằng nguyên nhân vụ việc là do các đặc vụ liên bang hoặc lực lượng "antifa" cánh tả - nhóm gồm các nhà hoạt động muốn làm mất uy tín của ông Trump. Theo các tài liệu được tòa án tiết lộ, họ chỉ ra sự hiện diện của các lực lượng FBI bí mật trong đám đông ngày hôm đó.
Tuy nhiên, điều đó rất khác với việc khẳng định chính quyền liên bang có âm mưu châm ngòi cho bạo lực. Mặc dù không có bằng chứng nào về điều đó, các trang tin tức bên lề tràn ngập những suy đoán về các âm mưu của "nhà nước ngầm" - nơi chính quyền bí mật chi phối những hoạt động vì mục đích riêng.
Người ủng hộ của ông Trump cũng lan truyền một thuyết âm mưu trên mạng xã hội rằng các cơ quan chức năng có thể cài mật vụ ngầm nhằm kích động người biểu tình gây ra bạo loạn, tạo cớ bắt giữ người dân.
Một số tin tức liên quan thậm chí đã xuất hiện ở các hãng tin chính thống hơn như Fox News. Trong khi đó, những tin đồn và lo ngại về nguy cơ sự kiện tháng 1/2021 lặp lại đã làm nản lòng nhiều người muốn xuống đường phản đối khả năng ông Trump bị bắt.
Ali Alexander, một nhà hoạt động cực hữu đã tổ chức các cuộc biểu tình thúc đẩy bạo loạn ở Điện Capitol, tuyên bố rằng ông không định xuống đường sau lời kêu gọi của ông Trump. Ông đồng thời nói rằng nhà tuyên truyền thuyết âm mưu Alex Jones cũng đang ở nhà.
Tâm lý tương tự cũng được ghi nhận ở nhiều nhóm ủng hộ ông Trump trên Facebook, các kênh Telegram hay Truth Social.
Mike Rothschild, một chuyên gia về thuyết âm mưu, cũng lưu ý rằng một cuộc biểu tình hôm 20/3 do Câu lạc bộ đảng viên Cộng hòa Trẻ ở New York tổ chức chỉ thu hút được vài chục người ủng hộ.
Vị chuyên gia giải thích điều này một phần do lo ngại về nguy cơ bị bắt giữ, và một phần do ông Trump ngày càng có ít người ủng hộ cuồng nhiệt hơn sau sự kiện ngày 6/1/2021.
Bên cạnh đó, theo AP, những người ủng hộ nhiệt thành nhất đã từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của ông Trump vì cho rằng việc biểu tình sẽ không có tác dụng.
Trước đó, giới phân tích từng lo ngại lời kêu gọi của ông Trump có thể khiến kịch bản vụ bạo loạn tại Điện Capitol lặp lại, khi những người ủng hộ cố gắng lật ngược thất bại của ông trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Các nhà phân tích an ninh cho biết ban đầu, thôi thúc của những người ủng hộ ông Trump là hưởng ứng lời kêu gọi và xuống đường. Tuy nhiên, đến 20/3, tình hình đã thay đổi, theo phân tích.
Nhiều nhà hoạt động cực hữu dường như coi khả năng ông Trump bị bắt là một phần của cái bẫy do đảng Dân chủ giăng ra. Họ coi động thái này nhằm dụ những người ủng hộ vào một cuộc bạo loạn mà cuối cùng sẽ làm tổn hại đến cơ hội giành lại Nhà Trắng của ông vào năm 2024.
Chuẩn bị cho khả năng bất ổn
Trái ngược với những thông điệp của mình trước cuộc bạo loạn ở Điện Capitol, ông Trump không nói cụ thể về tiêu điểm hoặc thời điểm của bất kỳ cuộc biểu tình khả dĩ nào sau lời kêu gọi.
Tuy nhiên, BBC cho biết có những dấu hiệu cho thấy cuộc thảo luận về bạo lực chống lại các đối thủ của ông Trump đang gia tăng.
Advance Democracy, một nhóm nghiên cứu phi đảng phái, đã nhận thấy số lượng đề cập đến bạo lực tăng đột biến, sau khi ông Trump hôm 18/3 tuyên bố kêu gọi người ủng hộ biểu tình.
Trong bài đăng trên Truth Social ngày 18/3, ông Trump đã kêu gọi “chúng ta phải cứu nước Mỹ. Hãy biểu tình, biểu tình, biểu tình”, với những chữ cái viết hoa toàn bộ.
Cơ quan thực thi pháp luật dường như đang xem xét nghiêm túc các mối đe dọa như vậy và khả năng xảy ra các cuộc biểu tình lớn.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đang ráo riết chuẩn bị kịch bản an ninh cho trường hợp cựu Tổng thống Trump bị truy tố vì đưa tiền nhằm buộc diễn viên Stormy Daniels phải giữ im lặng.
Theo Reuters, các rào chắn bắt đầu được công nhân lắp đặt tại khu vực xung quanh một tòa án ở quận Manhattan vào hôm 20/3.
Theo New York Post, các quan chức từ một số cơ quan đã gặp mặt hôm 19/3 và dự kiến trao đổi lại vào ngày 20/3, để thảo luận về các biện pháp an ninh bao gồm hạn chế phương tiện ra vào tòa án Manhattan, đồng thời triển khai lực lượng bên trong và bên ngoài tòa nhà.
FBI, các quan chức tòa án tiểu bang và văn phòng công tố viên quận Manhattan Alvin Bragg đã được cập nhật thông tin về các cuộc thảo luận an ninh, khi New York chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất sau lời kêu gọi của ông Trump.
Tại Washington, cảnh sát cho biết họ không có thông tin cụ thể về các cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump, nhưng các nhân viên an ninh dân sự đang ở trạng thái sẵn sàng đối phó với những nguy cơ có thể xảy ra.
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.