Cựu Tổng thống Donald Trump hôm 19/5 đã kêu gọi các thành viên đảng Cộng hòa từ chối thỏa hiệp trong đàm phán nâng trần nợ của Mỹ trừ khi đạt được tất cả những gì họ muốn. Ảnh: Reuters. |
"Các thành viên đảng Cộng hòa không nên đồng ý thỏa thuận với đảng Dân chủ trừ khi đạt được tất cả những gì họ muốn, bao gồm cả những điều kiện lớn nhất. Đó là cách mà đảng Dân chủ đã đối xử với chúng ta. Đừng đầu hàng", cựu Tổng thống Donald Trump chia sẻ trên mạng xã hội Truth Social vào lúc 11h (giờ địa phương) hôm 19/5.
Tuyên bố của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ được đăng tải chỉ một vài phút sau khi các thành viên chủ chốt của đảng Cộng hòa rời khỏi cuộc gặp với quan chức Nhà Trắng, khẳng định những người này không hành xử một cách "hợp lý".
Trả lời phóng viên, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy cho biết thường xuyên nói chuyện với cựu Tổng thống Trump, ca ngợi nhà cựu lãnh đạo này đã giúp ông giành được vị trí lãnh đạo tại Hạ viện trong cuộc bầu cử vào tháng 1. Nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng khẳng định chính phủ Mỹ phải giảm chi tiêu vào năm 2024.
Ông Trump thường xuyên chỉ trích các lãnh đạo đảng Cộng hòa vì đồng ý các thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Dân chủ. Tuy nhiên, khi còn là tổng thống, Trump từng đồng ý với một thỏa thuận tương tự, đồng thời khiến nợ công của Mỹ tăng 7.800 tỷ USD trong 4 năm cầm quyền.
Các quan chức đảng Dân chủ và Nhà Trắng khẳng định rằng ông McCarthy phải thỏa hiệp để dự luật nâng trần nợ công được chấp thuận tại Thượng viện và ký ban hành.
Trước ngày 19/5, đã có những dấu hiệu cho thấy 2 bên đã đạt được một số tiến triển trong quá trình đàm phán, cho phép bỏ phiếu dự luật nâng trần nợ công tại Hạ viện trong tuần tới.
Các thành viên cấp tiến của đảng Dân chủ đang kêu gọi Tổng thống Biden áp dụng Tu chính án thứ 14, tuyên bố trần nợ công là phi hiến, nếu đảng Cộng hòa không chịu thỏa hiệp trong vấn đề cắt giảm chi tiêu công.
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.