Sau 2 ngày cân nhắc, 12 thành viên bồi thẩm đoàn tại Tòa án Tối cao Manhattan ở New York tuyên ông Trump “có tội” đối với cả 34 cáo buộc liên quan bê bối làm giả hồ sơ kinh doanh để chi trái phép 130.000 USD nhằm “bịt miệng” ngôi sao phim người lớn Stormy Daniels trước thềm bầu cử tổng thống năm 2016. Đây được coi là một phán quyết gây chấn động, đánh dấu việc ông Trump trở thành cựu lãnh đạo Nhà Trắng đầu tiên trong lịch sử Mỹ và cũng là ứng cử viên tổng thống đầu tiên của một chính đảng tại nước này bị tuyên phạm tội hình sự.
Vụ việc đang thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận Mỹ và thế giới. Dưới đây là nhận định của giới quan sát về những gì có thể xảy ra tiếp theo sau phán quyết lịch sử:
Cựu Tổng thống Donald Trump hầu tòa ở New York. Ảnh: Bloomberg. |
Khả năng tiếp tục tranh cử tổng thống
Đài CNN dẫn lời các chuyên gia cho hay, ông Trump vẫn có thể tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng sau khi bị kết tội hình sự. Lí do vì, Hiến pháp Mỹ chỉ đặt ra 3 điều kiện đối với các ứng cử viên tổng thống, gồm họ phải 35 tuổi trở lên, là công dân sinh ra trên đất Mỹ và đã sống ở Mỹ ít nhất 14 năm. Không có quy định nào cấm người có tiền án ra tranh cử.
Tuy nhiên, việc bị kết tội vẫn có thể ảnh hưởng đến khả năng chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 năm nay. Một cuộc thăm dò dư luận do Bloomberg và Morning Consult tiến hành hồi đầu năm nay cho thấy, 53% cử tri ở các bang chiến địa trọng yếu tiết lộ sẽ từ chối bỏ phiếu cho ứng cử viên đại diện đảng Cộng hòa nếu ông bị kết tội.
Theo một cuộc thăm dò khác của Đại học Quinnipiac trong tháng này, 6% cử tri đang nghiêng về phía ông Trump sẽ ít khả năng tiếp tục bỏ phiếu ủng hộ ông hơn trong tình huống tương tự.
Các thủ tục tố tụng tiếp theo
Cựu Tổng thống Trump đã được tại ngoại trong suốt 7 tuần diễn ra các phiên xử ở New York và điều này không thay đổi sau khi bồi thẩm đoàn kết tội. Ông Trump sẽ phải trở lại tòa án vào ngày 11/7 để nghe Thẩm phán Juan Mercan tuyên án, chỉ 3 ngày trước khi diễn ra Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa.
Theo hãng tin BBC, ông Trump đã lên án phán quyết của bồi thẩm đoàn New York là “không công bằng, nhục nhã và gian lận”. Đội ngũ pháp lý của ông Trump có hạn chót là ngày 13/6 để trình kiến nghị trước khi tòa tuyên án. Hạn chót để phía công tố viên phản hồi là ngày 27/6.
Ông Trump gần như chắc chắn sẽ kháng cáo phán quyết của tòa, một quá trình có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí lâu hơn. Khi đó, các luật sư của ông sẽ đối mặt với Ban Phúc thẩm ở Manhattan và có thể cả Tòa phúc thẩm.
Các chuyên gia lưu ý, ngay cả sau khi thẩm phán tuyên án, rất khó có khả năng cựu tổng thống sẽ rời tòa trong tình trạng bị còng tay, vì ông dự kiến sẽ được tại ngoại trong thời gian kháng cáo.
Nguy cơ ngồi tù
Các chuyên gia cho biết, ông Trump vẫn có thể phải ngồi tù, nhưng nguy cơ này rất thấp. 34 tội danh ông đang phải đối mặt đều là trọng tội cấp E, cấp thấp nhất ở bang New York. Các tội danh này có mức án từ phạt tiền, quản chế tới phạt tù từ 16 tháng - 4 năm.
Thẩm phán Mercan sẽ phải cân nhắc một số yếu tố trước khi công bố bản án dành cho cựu lãnh đạo Nhà Trắng, bao gồm cả tuổi tác, việc ông không có tiền án và các tội danh không liên quan đến phạm tội bạo lực. Trước khi ra phán quyết, ông Mercan cũng có thể xem xét việc ông Trump từng vi phạm lệnh cấm bình luận trong quá trình xét xử của tòa hay các tính chất chưa từng có tiền lệ của vụ án.
Giới quan sát đã chỉ ra một thực tế là, giống như tất cả các cựu tổng thống khác, ông Trump được hưởng sự bảo vệ suốt đời của Mật vụ Mỹ. Điều này đồng nghĩa, nếu ông phải ngồi tù, các đặc vụ của chính phủ sẽ cần phải vào trại giam bảo vệ ông an toàn. Viễn cảnh sẽ rất khó khăn với rủi ro bảo mật rất lớn, chưa kể chi phí tốn kém.
“Hệ thống nhà tù quan tâm đến hai điều: an ninh của nơi giam giữ và cắt giảm chi phí. Nếu cựu Tổng thống Trump phải ngồi sau song sắt, đó sẽ là điều kỳ dị … không giám đốc nhà tù nào muốn điều đó”, Justin Paperny, lãnh đạo công ty tư vấn trại giam White Collar Advice nhấn mạnh.
Khả năng bỏ phiếu
BBC nhận định, ông Trump nhiều khả năng vẫn được tham gia bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây. Theo luật của bang Florida, nơi ông Trump cư trú, một người bị kết án trọng tội ở một bang khác chỉ không đủ điều kiện bỏ phiếu "nếu bản án khiến người đó không đủ điều kiện bỏ phiếu ở bang họ bị kết tội".
Ông Trump bị kết án ở New York, nơi những người phạm trọng tội vẫn được phép bỏ phiếu miễn họ không bị giam giữ vào thời điểm đó. Điều này có nghĩa, trừ khi đang phải ngồi tù vào ngày 5/11, ông Trump sẽ vẫn đủ điều kiện để tham gia bỏ phiếu.
Ông Trump có thể tự ân xá nếu đắc cử tổng thống?
Câu trả lời là “Không”. Hiến pháp Mỹ quy định, tổng thống có thể ban hành lệnh ân xá đối với những người phạm tội liên bang. Vụ truy tố ông ở New York là vụ án cấp bang, đồng nghĩa nó sẽ nằm ngoài tầm với của chính khách Cộng hòa này ngay cả khi ông tái đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng.
Điều tương tự cũng đúng với vụ truy tố hình sự ở Georgia, nơi ông Trump bị cáo buộc âm mưu lật ngược thất bại bầu cử trước đối thủ Dân chủ Joe Biden tại bang này trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Vụ án đang trong quá trình kháng cáo.
Tuy nhiên, quyền ân xá hiện không rõ ràng đối với hai vụ án liên bang chống ông Trump, gồm một vụ liên quan đến cáo buộc ông lưu trữ trái phép tài liệu mật ở tư dinh tại bang Florida sau khi mãn nhiệm và vụ còn lại liên quan đến âm mưu đảo ngược kết quả bầu cử năm 2020, do tòa án ở Washington thụ lý. Cả hai vụ án này đang bị đình trệ vì những tranh cãi pháp lý chưa được giải quyết và quá trình xét xử không có khả năng diễn ra trước ngày bầu cử 5/11.
Các học giả hiến pháp hiện vẫn bất đồng về việc liệu tổng thống đương nhiệm có quyền ân xá cho chính mình nếu bị kết tội trong các vụ án liên bang hay không. Điều này cũng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử xứ sở cờ hoa.