Vào ngày 6/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm các giao dịch với WeChat sau 45 ngày. Tuy tới nay Mỹ vẫn chưa đưa ra định nghĩa chính xác về từ "giao dịch", lệnh cấm này đã khiến cổ phiếu của Tencent, công ty sở hữu WeChat tụt dốc ngay lập tức.
WeChat có thể coi là trung tâm trải nghiệm Internet của hơn một tỷ người dùng Internet tại Trung Quốc và trên thế giới. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, WeChat là trung tâm của mọi hoạt động, dịch vụ của Tencent. Ứng dụng này giúp Tencent giới thiệu tới hơn một tỷ người dùng các game, ứng dụng và nội dung online của họ. WeChat cũng xử lý hàng nghìn tỷ USD giao dịch mỗi năm từ những cái tên lớn như Walmart hay Apple.
Lượng người dùng khổng lồ là lý do chính giúp các dịch vụ của Tencent tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn dịch Covid-19. Từ ngày 18/3, khi cổ phiếu của Tencent có mức giá thấp nhất tới nay, giá trị vốn hóa của công ty này đã tăng 280 tỷ USD, lọt vào nhóm 5 công ty tăng trưởng nhanh nhất toàn cầu trong giai đoạn nói trên.
Tuy nhiên, ông Trump đã chặn đứng đà tăng trưởng đó khi ban hành sắc lệnh cấm WeChat và TikTok. Trong vòng 2 ngày sau khi sắc lệnh được ban hành, Tencent đã mất tới 66 tỷ USD giá trị vốn hóa.
"Đấy thực sự là một đòn hiểm nếu nhìn vào kế hoạch mở rộng ra toàn cầu của Tencent", nhà phân tích Daniel Ives của Wedbush nhận xét.
Tencent sẽ công bố báo cáo tài chính trong ngày 12/8. Các nhà phân tích cho rằng trong quý vừa qua, doanh thu của công ty này đã tăng 27%, lợi nhuận cũng tăng 13%. Tuy nhiên, tương lai của họ vẫn khá khó đoán khi hạn định của sắc lệnh tổng thống Mỹ ký là ngày 20/9.
Tuy một quan chức Nhà Trắng đã xác nhận lệnh cấm sẽ chỉ áp dụng với WeChat chứ không liên quan tới các công ty mà Tencent đầu tư, đây vẫn là một đòn hiểm, bởi WeChat có vai trò quá quan trọng với các hoạt động khác của Tencent.
Dù mới chỉ ra đời chưa đầy 10 năm, WeChat đã trở thành trung tâm cuộc sống số của người Trung Quốc với hàng loạt tính năng như chat, mua sắm, xem video, chơi game, hẹn hò, đặt đồ ăn...
Bên cạnh WeChat, Tencent còn nhiều mảng kinh doanh khác nhưng phần lớn đều liên quan hoặc phụ thuộc vào ứng dụng này. Ảnh: Bloomberg. |
WeChat có thể coi là siêu ứng dụng điển hình, và trở thành bài học cho Alibaba, Grab hay Facebook. Tencent có thể coi là một sự hợp nhất của Facebook, Netflix, WhatsApp, Spotify, còn WeChat là linh hồn của họ. Nếu như không thể liên lạc qua WeChat, ứng dụng chat phổ biến nhất Trung Quốc, các công ty Mỹ khó có thể hoạt động tại Trung Quốc.
"Ảnh hưởng tới giá trị vốn hóa sẽ còn lớn hơn nếu như sắc lệnh cấm tất cả các giao dịch giữa các công ty Mỹ có văn phòng, cửa hàng tại Trung Quốc với Tencent. Nó sẽ gây ảnh hưởng tới các công ty Mỹ quảng cáo tại Trung Quốc, các công ty đám mây, game quốc tế...", nhà phân tích Chelsey Tam của Morningstar nhận xét.
Bên cạnh việc cấm giao dịch, lệnh cấm của ông Trump cũng có thể khiến Apple, Google phải xóa WeChat khỏi các kho ứng dụng. Điều này sẽ là trở ngại lớn với Apple, khi người dùng Trung Quốc thà bỏ iPhone còn hơn bỏ WeChat.
"Còn nhiều sự mơ hồ với Tencent và các công ty Internet Trung Quốc hoạt động tại Mỹ. Việc giới hạn hoạt động tại Trung Quốc sẽ là an toàn hơn với các nhà đầu tư", nhà phân tích David Dai của Bernstein chia sẻ.