Cựu Thủ tướng Thaksin và con gái Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Asia Times. |
Trả lời phỏng vấn từ Tokyo (Nhật Bản), Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra cho biết con gái Paetongtarn đã sẵn sàng đón nhận cuộc đời chính trị, vì cô đã học chính trị từ ông từ khi còn nhỏ, Kyodo đưa tin. Ông dự đoán con gái sẽ làm thủ tướng giỏi hơn mình.
“Con gái tôi có lẽ làm tốt hơn tôi. Tôi thấy con gái bình tĩnh hơn, kiên nhẫn hơn tôi. Nó cũng rất hiểu biết nữa”, ông nói.
Paetongtarn Shinawatra - là mẹ một con và hiện chuẩn bị chào đón đứa con thứ 2 - sẽ là thủ tướng trẻ nhất Thái Lan nếu đắc cử. Cô là ứng viên thủ tướng được ủng hộ nhiều nhất trong các cuộc thăm dò dư luận do các trường đại học Thái Lan tiến hành.
Người dân Thái Lan sẽ đi bầu cử vào ngày 14/5 tới, với nhiều người mong đợi có sự thay đổi sâu rộng, sau gần 9 năm nắm quyền của cựu tư lệnh quân đội, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, South China Morning Post đưa tin.
“Tôi không cần ân xá”
Cựu thủ tướng cho biết gia đình ông đã thảo luận để xem các thành viên nghĩ gì khi được hỏi lý do đưa con gái thứ hai vào con đường chính trị, theo Nikkei Asia.
“Họ muốn thấy đại diện của gia đình Shinawatra tương xứng với một thế lực trong đảng. Vì vậy, chúng tôi đã hỏi ai muốn tự nguyện đứng ra, và Paetongtarn đã nhận trách nhiệm này”, ông Thaksin nói.
Khi được hỏi có muốn Paetongtarn thành thủ tướng không, ông cho rằng điều này phụ thuộc vào đảng và bản thân cô.
“Đảng sẽ đề cử ba người cho vị trí này. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ nó sẽ là thỏi nam châm thu hút phiếu phổ thông, nhưng hóa ra con gái tôi trưởng thành hơn tôi tưởng”, cựu thủ tướng chia sẻ.
Bà Paetongtarn Shinawatra vận động tại Đại học Thammasat ở Bangkok ngày 17/3. Ảnh: AP. |
Ông cũng cho biết mình không muốn được Quốc hội Thái Lan ân xá ngay cả khi Pheu Thai nắm quyền trong cuộc bầu cử tiếp theo.
“Tôi đã nói với con gái rằng đừng cho phép đảng thúc đẩy ban hành luật ân xá cho tôi. Tôi không cần điều đó, bởi như vậy sẽ khiến nhóm chống đối tôi không hài lòng”, ông Thaksin nói.
Ông Thaksin cũng tuyên bố việc trở về quê hương để thụ án tù không phải là sự phản bội với những người ủng hộ ông - nhóm “chiến đấu” thay ông bằng cách bỏ phiếu cho các đảng ủng hộ cựu thủ tướng và tổ chức các cuộc mít tinh lớn.
“Điều này không phải vì tôi chấp nhận mình đã làm sai điều gì đó”, ông Thaksin nói, cho biết thêm mình sẵn sàng trở lại và chấp hành án tù ở Thái Lan, miễn là được phép sống phần đời còn lại với gia đình.
"Hiện tại, tôi đã ‘thụ án’ 16 năm trong nhà tù lớn, vì họ ngăn cho tôi ở cùng gia đình”, ông nói, đề cập tới cuộc sống xa quê hương. “Tôi đã chịu đựng đủ rồi. Nếu phải chịu đựng thêm một lần nữa trong nhà tù nhỏ hơn, thì cũng không sao".
Ông Thaksin giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2001, với các cam kết trợ cấp học bổng và y tế cho người nghèo. Tuy vậy, ông bị quân đội phế truất vào năm 2006, chưa từng trở lại Thái Lan từ năm 2008 do dính cáo buộc tham nhũng.
"Pheu Thai có thể đạt số phiếu bằng Thai Rak Thai"
Nhận xét về chính sách kinh tế của chính phủ hiện tại, ông cho rằng họ “không hiểu về kinh doanh, về nền kinh tế hay cách quản lý”.
“Không thể chỉ làm việc chăm chỉ, mà còn cần cả thông minh. Họ không hiểu chiến lược hay thịnh vượng. Hòa bình là tốt, nhưng vẫn chưa đủ. Họ phải có cách tiếp cận toàn diện”, ông nói.
"Họ không được suy nghĩ một chiều và chỉ làm công việc thường ngày. Đó là cách chúng ta lãng phí rất nhiều thời gian. Hai cuộc đảo chính gần đây đã chứng minh sự lãng phí thời gian và cơ hội của Thái Lan. Đã đến lúc người Thái phải suy nghĩ lại và nhận ra để xảy ra đảo chính là không thông minh chút nào", họ nói thêm.
Cựu thủ tướng cho rằng nếu Pheu Thai lên nắm quyền, sẽ không có cuộc biểu tình hay đảo chính nào chống ông.
“Có thể có một số phản đối, nhưng không phải từ những người muốn có thu nhập và thất nghiệp. Nhiều người bây giờ có thể lấy thông tin từ mạng xã hội và nhìn lại quá khứ để xem điều gì đúng hay sai. Mọi thứ đã thay đổi”, ông nhận định.
Cựu thủ tướng nhận thấy bầu không khí bầu cử hiện tại “vừa giống vừa khác” so với khi đảng Thai Rak Thai giành được 377 ghế vào năm 2005. Ông cho rằng lúc đó, mọi người muốn ông tiếp tục nắm quyền, nên họ bỏ phiếu theo một hướng. Ngày nay, mọi người cũng chỉ có một suy nghĩ, đó là lựa chọn chính phủ mới.
Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra trong cuộc phỏng vấn ở Tokyo hôm 24/3. Ảnh: Nikkei Asia. |
“Họ muốn có sự thay đổi, nên sẽ bỏ phiếu cho đảng có chính sách đúng đắn, mà ở đây có lẽ là Pheu Thai. Khả năng cao Pheu Thai sẽ nhận được số phiếu bầu giống Thai Rak Thai. Pheu Thai phát triển từ Thai Rak Thai, và sẽ tận dụng các chính sách phục hồi đất nước và sự ủng hộ của người dân”, ông nhận xét.
Nói về điểm nổi bật trong chính sách của Pheu Thai, sau khi lắng nghe ông Srettha Tavisin và bà Paetongtarn hôm 17/3, ông cho rằng họ tập trung vào chính sách kích thích nền kinh tế, tăng thu nhập cho người dân, quản lý nợ của khu vực tư nhân và nợ hộ gia đình.
Cựu thủ tướng cho biết ngay cả khi Pheu Thai thắng cử, đảng này vẫn cần thành lập chính phủ liên minh. Tuy nhiên, ông không cho rằng Pheu Thai sẽ bắt tay với các đối thủ, như đảng Palang Pracharath.
"Đó có thể là lựa chọn cuối cùng, không phải lựa chọn đầu tiên", ông nói.
Các nhà lập pháp ở Thượng viện 250 thành viên và Hạ viện 500 thành viên bỏ phiếu chọn thủ tướng mới sau cuộc tổng tuyển cử. 250 thượng nghị sĩ của thượng viện do quân đội Thái Lan lựa chọn.
Những cuốn sách nên đọc về ASEAN
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về ASEAN - một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại Việt Nam.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.