“Trước giờ tôi chưa từng ăn rau muống, nói gì đến việc nấu. Nhưng đây có lẽ là trải nghiệm thú vị của tôi, tôi quyết định thử sức với loại rau lạ này”, ông Thornton hứng khởi nói.
Kevin Thornton (38 tuổi, người Mỹ) ở Việt Nam từ tháng 3/2020. Trước đó, ông đang đi du lịch vòng quanh thế giới trong 2 năm. Với mong muốn trải nghiệm cuộc sống ở Việt Nam, ông quyết định dừng chân ở đây.
Hôm 2/9, ông Thornton mua được một bó rau muống trong cửa hàng thực phẩm cạnh nhà ở quận Tân Bình. Ông kể lại khi đó cửa hàng không còn nhiều lựa chọn, nên đành mua bó rau này.
Bó rau "quý giá" mà ông Kevin Thornton mua được trong đợt giãn cách xã hội. Ảnh: NVCC. |
Sau đó, người đàn ông Mỹ chụp hình bó rau, đăng bài lên nhóm Facebook cộng đồng người nước ngoài ở TP.HCM để hỏi món gì có thể chế biến cùng nó. Từ bài đăng ông mới biết tên gọi tiếng Anh của loại rau này.
Đáng chú ý, món rau quen thuộc của người Việt này lại được nhiều cư dân ngoại quốc “hiến kế” cho ông Thornton. Đa số là người phương Tây ưa chuộng cách xào tỏi vì vừa dễ làm, vừa đậm đà dễ ăn.
Hãy rửa rau thật sạch, cuống và lá đều ăn được, bỏ những chỗ vàng héo, thêm thịt bò thái mỏng, luộc lên lấy nước vắt chanh vào, nhúng lẩu… là những cách mà người nước ngoài sống ở Việt Nam đã chia sẻ.
“Bạn có thể luộc rồi chấm nước mắm, hoặc xào tỏi với mắm theo cách ăn người Việt. Còn xào kiểu Trung Hoa thì nêm với dầu hào hoặc xì dầu”, anh Dickson Chai (người Malaysia) bình luận dưới bài đăng của ông Thornton.
Ông Thornton cuối cùng chọn theo số đông, đã làm một đĩa rau muống xào. Không có thịt bò ông thêm vào thịt heo băm và ớt chuông để tăng vị ngọt. Không dùng nước mắm, ông nêm bằng gia vị ướp thịt nướng để hợp khẩu vị mình hơn.
“Rau muống xào là món Việt đầu tiên tôi làm. Hương vị của nó ngon đấy. Tôi nghĩ mình sẽ học thêm nhiều món Việt nữa, dù gì cũng sẽ ở đây lâu dài”, ông bày tỏ.
Ông Thornton hiện là giáo viên tiếng Anh, thường xuyên đăng tải những video về cuộc sống của mình lên YouTube, đồng thời có dự định thành lập một công ty tái chế ở Việt Nam.
Trong thời gian giãn cách xã hội ở TP.HCM, Thornton gặp khó khi mua thực phẩm. Trước khi siết giãn cách, Thornton phải tự đi tìm mua đồ ăn từ nhiều cửa hàng trong khu phố, vì trước đó siêu thị gần nhà ông đã bán sạch.
Người đàn ông này thường không đặt đồ ăn qua ứng dụng, mà muốn đi mua trực tiếp để lựa chọn theo ý mình. Dù thế, Kevin Thornton vẫn lạc quan sống qua ngày với lượng thức ăn đã tích trữ. Thỉnh thoảng, ông có thể nhờ hàng xóm chia bớt lại ít thực phẩm, còn được họ tặng thêm.
Bạn đọc ở TP.HCM có câu chuyện muốn chia sẻ hay vấn đề cần phản ánh có thể gửi thông tin về hộp mail Saigontalk@zing.vn.