16 năm trước, ông Barack Obama đã theo chân huyền thoại nhạc rock Bruce Springsteen lên sân khấu tại một buổi mít tinh lớn ở Cleveland và tuyên bố: "Một sự trỗi dậy đang đến gần".
Lời hứa đó, được lấy cảm hứng từ một bài hát mang tính biểu tượng của Springsteen, đã trở thành sự thật chỉ vài ngày sau đó, khi ông Obama trở thành tổng thống Mỹ da đen đầu tiên.
Ông Springsteen và ban nhạc E Street Band đã tái hợp tại Georgia vào tối 25/10 (giờ địa phương) để cùng cựu Tổng thống Obama kêu gọi sự ủng hộ cho bà Kamala Harris tại bang chiến trường quan trọng này.
Trong bài phát biểu trước đám đông tại Georgia, ông Obama đã xoáy vào những tiết lộ của cựu Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly, người từng phục vụ dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump.
Ông Kelly mô tả cựu Tổng thống Trump là một nhà lãnh đạo đầy tham vọng và từng bày tỏ mong muốn được phục vụ bởi những thân tín như cách Adolf Hitler từng được các tướng dưới trướng phụng sự.
Ông Trump đã phủ nhận cáo buộc này hôm 24/10 bằng phát biểu tại Las Vegas: "Tôi chưa từng nói như vậy".
"Chỉ vì ông ấy hành xử ngớ ngẩn không có nghĩa là nhiệm kỳ tiếp theo của ông ta sẽ vô hại", cựu Tổng thống Obama cảnh báo. "Một nguyên tắc chung trong chính trị là đừng bao giờ nói bản thân muốn làm bất kỳ điều gì giống Hitler".
"Nhưng như thế này cũng tốt, ta có thể hình dung được cách suy nghĩ của Donald Trump", ông Obama nói thêm.
Sự xuất hiện của cựu Tổng thống Obama và huyền thoại nhạc rock Springsteen đã thu hút đông đảo cử tri đến buổi mít tinh tại Georgia. Ảnh: New York Times. |
Cựu Tổng thống Obama đang một lần nữa cảm nhận "sự cấp bách dữ dội của hiện tại" sau 12 năm kể từ lần cuối ông tranh cử.
Ông Obama đang "xung trận" nhiều hơn bao giờ hết kể từ khi rời khỏi Nhà Trắng vào năm 2016. Từ Pittsburg đến Tucson hay Las Vegas, không đâu là ông Obama không có mặt.
"Chúng ta không cần thấy một Donald Trump già hơn và điên rồ hơn trong như nào khi được tự do gì thì làm", ông Obama nói. "Nước Mỹ đã sẵn sàng để lật sang trang mới. Chúng ta đã sẵn sàng cho một câu chuyện hay hơn".
Ông Trump đã tỏ ra tức giận trước những lời châm chọc về tuổi tác từ phía cựu Tổng thống Obama. Ông Trump thậm chí tuyên bố rằng ông Obama trông "kiệt quệ" và "già đi đôi chút".
Trên thực tế, ông Obama trẻ hơn ông Trump 15 tuổi và được biết đến là một người thường xuyên tập thể dục, theo CNN.
Cựu Tổng thống Obama từng ca ngợi cử tri thế hệ của mình là "những người có hy vọng không tưởng" song lại đang bày tỏ sự thiếu lạc quan trong bối cảnh người Mỹ chuẩn bị bỏ phiếu vào đầu tháng 11.
Sự kích động được kiểm soát trong bài phát biểu của ông Obama hôm 24/10 và sự tích cực tham gia vận động tranh cử thời gian gần đây cho thấy đợt bầu cử không chỉ là cuộc đua của bà Harris mà còn là trận chiến phản ánh xem liệu ông Obama có còn được lắng nghe hay không, hãng tin CNN nhận định. Giới quan sát thường nói rằng di sản của ông Obama đang bị đe doạ trong cuộc bầu cử này.
Quả thực, nếu đắc cử, ông Trump có khả năng lật ngược Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng (ObamaCare), đồng thời xóa bỏ nhiều chính sách kinh tế và khí hậu mà Tổng thống Joe Biden đã giúp ông Obama duy trì.
Ông Obama trong lần "xung trận" cùng bà Harris ở Georgia. Ảnh: New York Times. |
Cuộc bầu cử lần này có thể là màn đối đầu cuối cùng giữa chủ nghĩa Obama, phong trào cải cách trải dài nhiều thế hệ và sắc tộc, trước sự phản đòn của chủ nghĩa Trump.
"Việc bạn bỏ phiếu cho ai rất quan trọng, nhưng không phải vì nó sẽ thay đổi mọi vấn đề mà chúng ta đang đối mặt", ông Obama nói trong một buổi mít tinh ở Wisconsin. "Không có tổng thống, phó tổng thống, thượng nghị sĩ hay thống đốc nào có thể giải quyết mọi vấn đề".
“Chúng ta sẽ không xóa đói giảm nghèo chỉ sau một đêm. Chúng ta sẽ không thay đổi sự mâu thuẫn sắc tộc ngay lập tức. Chúng ta sinh ra trong lịch sử và sự thay đổi cần có thời gian”, ông Obama nói thêm.
Cựu Tổng thống Obama, người từng nói với đám đông đang ngất ngây rằng "chúng ta chính là sự thay đổi mà chúng ta tìm kiếm", đã đưa ra một lời cảnh báo thực tế hơn nhiều: "Đôi khi tôi nghĩ chúng ta kỳ vọng quá nhiều, và rồi chúng ta thất vọng khi mọi thứ không được giải quyết ngay lập tức".
Những lời chỉ trích gay gắt nhắm vào ông Trump và khả năng thúc đẩy cử tri ủng hộ bà Harris mạnh mẽ cho thấy kĩ năng chính trị của cựu Tổng thống Obama không hề suy giảm.
"Ông Obama đã truyền cho nước Mỹ một niềm hy vọng có lẽ chưa từng tồn tại trước đây", Kristen Roland, một giáo viên trung học đến từ Quận Oakland, Michigan, nói.
"Tôi nghĩ ông ấy đã tạo tiền đề cho một người như bà Harris bước vào và hoàn thành một số lời hứa mà ông ấy đã đưa ra", bà Roland nói thêm.
Bà không biết liệu phó Tổng thống Harris có thể đánh bại ông Trump ở bang chiến trường Michigan hay không nhưng cho biết bà thấy tràn ngập hy vọng hơn bất kỳ thời điểm nào trong mùa bầu cử này khi thấy hàng nghìn người xếp hàng chờ gặp ông Obama.
"Nếu ông Obama tin tưởng bà Harris thì tôi nghĩ những người khác cũng nên trao cho bà ấy niềm tin", bà Roland nói với CNN.
Bà Harris và ông Obama nói chuyện với ngôi sao nhạc rock Springsteen. Ảnh: New York Times. |
Trong các cuộc mít tinh, bên cạnh việc ra lập luận ủng hộ bà Harris, ông Obama dành phần lớn thời gian để chỉ trích ông Trump. Ông liên tục nhắc lại một trong những câu nói kinh điển của mình: "Đừng la ó, hãy bỏ phiếu".
"Tôi không tài nào hiểu nổi tại sao lại có người nghĩ ông Trump sẽ làm mọi thứ trở nên đảo điên theo hướng có lợi cho mọi người. Chúng ta không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy ông ta quan tâm đến bất kỳ ai khác ngoài bản thân ông ta", cựu Tổng thống Obama nói trong buổi mít tinh hôm 24/10 tại Georgia.
Tuy nhiên, với kĩ năng chính trị của bản thân, ông Obama đôi khi vẫn gặp khó khăn trong việc "truyền lửa" cho các đảng viên Dân chủ khác. Ông đã thất bại trong việc trợ lực cho bà Hillary Clinton trở thành tổng thống kế nhiệm vào năm 2016.
Bên cạnh đó, việc ông Obama vẫn là một trong những biểu tượng chính trị hàng đầu của đảng Dân chủ sau 8 năm kể từ khi rời Nhà Trắng phần nào phản ánh sự suy yếu của đảng này, hãng tin CNN nhận định.
Nhìn chung, bà Harris đang đối mặt với tình cảnh khó khăn hơn ông Obama vào năm 2008. Thời điểm đó, nước Mỹ đang tìm kiếm sự thay đổi một cách tuyệt vọng sau 8 năm tại nhiệm của ông George W. Bush với thất bại nặng nề tại Iraq.
Trong khi đó, bà Harris hiện là "phó tướng" trong chính quyền tại nhiệm vốn không nhận được sự ủng hộ của người dân.
Những cử tri trẻ say sưa với niềm hy vọng từng bỏ phiếu cho ông Obama hồi 2008 giờ đã bước vào tuổi trung niên, phải chật vật với lạm phát và giá nhà đắt đỏ. Nhiều cử tri tầng lớp lao động cũng từ bỏ hy vọng và quay từ đảng Dân chủ sang ủng hộ chủ nghĩa dân tuý của phe Cộng hoà.
Ngoài ra, liệu sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cựu tổng thống và nhiều tên tuổi lớn như ông Springsteen hay bà Beyonce có tác động đến cục diện cuộc tranh cử hay không vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Nhà bình luận chính trị David Urban của CNN kể lại rằng đêm bầu cử năm 2016 ở Philadelphia (Pennsylvania) đã chứng kiến một màn trình diễn toàn ngôi sao với sự góp mặt của ông Obama, ông Springsteen và nhạc sĩ huyền thoại Jon Bon Jovi.
"Đoán xem chuyện gì xảy ra vào ngày hôm sau? Hillary Clinton bị đả bại ngay tại Pennsylvania", ông Urban kể lại. "Nếu tôi có mặt ở Georgia hôm 24/10, tôi có thể sẽ đến nghe Bruce Springsteen hát, nhưng chuyện đó chả quan trọng mấy vào ngày 5/11 cả".
Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc bầu cử có thể được định đoạt bởi sự chênh lệch đến từ vài nghìn phiếu bầu tại các bang chiến địa, việc ông Obama có thể thúc đẩy một số ít người đi bỏ phiếu vẫn nhiều khả năng tạo ra sự khác biệt.
Theo dự kiến, cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ "xung trận" cùng bà Harris tại bang chiến địa Michigan vào ngày 26/10 (giờ địa phương).
Vào thời điểm tiệm cận cuộc bầu cử này, các sự kiện quan trọng thường nhằm mục đích thúc đẩy cử tri của một đảng đến các điểm bỏ phiếu hơn là thay đổi suy nghĩ về việc bỏ phiếu cho ai.
Đó là thông điệp mà ông Obama đã học được cách đây 16 năm. Ông đã nói rõ điều đó vào tối 24/10 trong những khoảnh khắc đầu tiên trên sân khấu: "Hãy đi bỏ phiếu đi, trả lại phiếu bầu vắng mặt của bạn".
Tiết lộ về tổng thống Mỹ
Mục Thế giới xin giới thiệu tủ sách về tổng thống Mỹ, cung cấp cho độc giả thông tin về các đời tổng thống Mỹ cùng những người thân của họ, qua đó cho phép chúng ta có cái nhìn sâu sắc hơn không chỉ vào cuộc đời của những nhà lãnh đạo xứ cờ hoa mà còn là vào nền chính trị Mỹ.