Sáng 13/1 (giờ Hà Nội), ông Barack Obama đọc Thông điệp Liên bang lần 7, cũng là lần cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ trước khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Obama nói đây là năm thứ 8 ông tới đây để phát biểu Thông điệp Liên bang và ông sẽ rút ngắn thời lượng bài phát biểu vì đây là lần cuối cùng.
Phải nhổ tận gốc IS
Trong bài phát biểu liên bang, Tổng thống Barack Obama cũng cảnh báo việc phóng đại cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhưng khẳng định rằng Mỹ sẽ tập trung vào việc tiêu diệt nhóm cực đoan.
Đề cập tới chủ nghĩa khủng bố, tổng thống 44 của Mỹ nói chúng “phải được nhổ tận gốc, săn lùng và tiêu diệt”. Obama nói ưu tiên số 1 hiện nay là bảo vệ người dân Mỹ và truy đuổi các mạng lưới khủng bố. “al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tạo ra mối đe dọa trực tiếp tới người dân của chúng ta bởi trong thế giới ngày nay, một nhóm những kẻ khủng bố cũng có thể gây ra thiệt hại lớn. Chúng sử dụng Internet để đầu độc tâm trí các cá nhân, chúng làm suy yếu các đồng minh", ông Obama nói.
"Khi chúng ta tập trung tiêu diệt IS, những tuyên bố cho rằng đây là Chiến tranh Thế giới thứ 3 chỉ càng làm phức tạp tình hình, phục vụ cho âm mưu của IS. Chúng ta chỉ cần nói về chúng như chính những gì thuộc về chúng - những kẻ giết người, cuồng tín và phải bị nhổ tận gốc, truy bắt và tiêu diệt", ông Obama phát biểu đồng thời hối thúc Quốc hội thông qua sự cho phép chính thức việc sử dụng vũ khí quân sự để chiến đấu với nhóm khủng bố IS.
Theo ông chủ Nhà Trắng, chính sách đối ngoại của nước này cần phải tập trung vào mối đe dọa từ IS và al-Qaeda, nhưng không thể dừng lại ở đó. “Ngay cả khi không có IS, bất ổn sẽ vẫn tiếp diễn trong nhiều thập kỷ ở nhiều nơi trên thế giới, gồm Trung Đông, Afghanistan Pakistan, các khu vực Trung Mỹ, châu Phi và châu Á”, ông nói.
Đề cập tới chính sách của Mỹ tại Syria, Obama cảnh báo về các cuộc xung đột và “sự sa lầy”. “Chúng ta không thể cố gắng tiếp nhận và tái thiết các nước rơi vào khủng hoảng. Điều này không thể hiện khả năng lãnh đạo. Nó là sự sa lầy, khiến người Mỹ đổ máu và cuối cùng là làm suy yếu chúng ta”, ông Obama nói.
Ông Obama nói Mỹ sẽ “luôn luôn hành động một mình nếu cần phải bảo vệ người dân và các đồng minh”. Tuy nhiên, trước vấn đề toàn cầu, Mỹ sẽ kêu gọi sự giúp sức của các nước trên thế giới.
Obama nhắc tới IS trong Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình khi nhóm này vẫn hoành hành bất chấp nỗ lực của Mỹ và liên quân trong chiến dịch tiễu trừ tổ chức khủng bố tại Syria và Iraq. Chưa đầy 1 ngày trước khi Obama phát biểu trước Quốc hội Mỹ, một vụ nổ bom ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ khiến 10 người thiệt mạng là hành động mới nhất của IS.
"Bóng ma" IS đang ám ảnh Mỹ và châu Âu bởi những vụ tấn công ngay tại Paris, California và nhiều nơi khác. Mỹ và các nước đồng minh sẽ còn phải tốn nhiều thời gian và công sức để loại bỏ nhóm khủng bố này.
Hướng tới tương lai của nước Mỹ
Ông chủ Nhà Trắng ca ngợi đảng Cộng hòa vì nỗ lực thông qua ngân sách và cắt giảm thuế vĩnh viễn cho các gia đình lao động. Obama cũng kêu gọi sự hợp tác hơn nữa.
“Tôi hy vọng chúng ta có thể làm việc cùng nhau trong năm nay về những ưu tiên của cả hai đảng. Ví dụ như cải cách tư pháp hình sự, hỗ trợ những người đang đấu tranh chống tình trạng lạm dụng thuốc. Chúng tôi sẽ khiến những người hoài nghi cảm thấy ngạc nhiên lần nữa”, Obama nói.
Ông Obama cho rằng, sức mạnh của nước Mỹ là tinh thần lạc quan, đạo đức nghề nghiệp, tính ưa khám phá và đổi mới, sự đa văn hóa và người dân luôn tuân thủ quy định pháp luật. “Tất cả điều này giúp chúng ta có mọi thứ cần thiết để bảo đảm thịnh vượng và an ninh cho thế hệ sau”, Tổng thống Obama nói.
Theo ông chủ Nhà Trắng, tinh thần đó giúp nước Mỹ đạt được nhiều bước tiến trong 7 năm qua, gồm phục hồi sau khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe, tái tạo ngành năng lượng, tập trung hơn vấn đề chăm sóc sức khỏe và giúp đỡ các binh sĩ cùng cựu binh.
Ngoài ra, Tổng thống Obama đề cập tới danh sách các đề xuất cho năm tới, gồm giúp sinh viên ngành y tìm hiểu cách viết mã trên máy tính để cá nhân hóa các thuốc điều trị cho bệnh nhân, ổn định hệ thống tiếp nhận người nhập cư, bảo vệ trẻ em Mỹ trước bạo lực súng, tăng mức lương tối thiểu.
“Tuy nhiên, trong bài phát biểu cuối của tôi ở căn phòng này, tôi không muốn chỉ nói về năm tiếp theo. Tôi muốn tập trung tới 5, 10 năm tới và xa hơn nữa. Tôi muốn nêu bật tương lai của nước Mỹ”, Obama nói.
Kinh tế Mỹ và TPP
“Hơn 14 triệu việc làm mới; tỷ lệ việc làm tăng mạnh nhất trong hai năm kể từ những năm 1990; tỷ lệ thất nghiệp giảm đi một nửa. Ngành công nghiệp ôtô của chúng ta trải qua một năm tốt nhất từ trước tới nay. Hoạt động sản xuất tạo ra gần 900.000 việc làm mới trong 6 năm qua. Và chúng ta đã làm được tất cả điều này trong khi giảm thâm hụt ngân sách ở mức 75%”, ông nói.
Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng nhấn mạnh dù đạt nhiều tiến bộ, Mỹ vẫn cần phải làm nhiều việc hơn nữa.
Khi đề cập tới Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Obama kêu gọi Quốc hội thông qua thỏa thuận này. "Với TPP, chúng ta sẽ tạo ra quy tắc ở khu vực, chứ không phải Trung Quốc. Các ngài muốn thể hiện sức mạnh của chúng ta trong thế kỷ này? Hãy thông qua thỏa thuận. Hãy cho chúng tôi công cụ để thực hiện điều đó”, Obama phát biểu.
Thông điệp Liên bang cuối cùng của Obama
Trước đó, ngay trước giờ ông Obama đọc Thông điệp Liên bang, Nhà Trắng đã công bố một phần văn bản này.
"Nước Mỹ chỉ có thể vượt qua thách thức nếu chúng ta xử lý những vấn đề trong hệ thống chính trị", Nhà Trắng trích dẫn Thông điệp Liên bang của ông Obama.
Theo Tổng thống Obama, tương lai mà nước Mỹ muốn - bao gồm cơ hội và sự an toàn cho các gia đình, triển vọng sống trong một thế giới hòa bình, bền vững - là mục tiêu trong tầm với.
Nhà Trắng dùng từ "không giống truyền thống" để mô tả Thông điệp Liên bang lần thứ 7 và cũng là lần cuối của ông Obama. Nội dung thông điệp sẽ không chỉ bao gồm những đề xuất về chính sách, mà còn thể hiện tham vọng, mối quan tâm lớn hơn của tổng thống đối với di sản của ông và tương lai của đất nước.
Ông Obama đứng trước Quốc hội và công chúng Mỹ để trình bày tầm nhìn của mình không chỉ về những tháng còn lại trong nhiệm kỳ mà cả tương lai của nước Mỹ.
New York Times nhận định, Thông điệp Liên bang lần này chính là thời khắc quyết định với hai nhiệm kỳ của Tổng thống Obama. Những nội dung phát biểu và khoảng thời gian sau đó mở ra cơ hội cuối cùng để ông Obama vực dậy tỷ lệ ủng hộ trì trệ, xác định rõ di sản mà ông để lại, bác bỏ những chỉ trích tiêu cực và thách thức người kế nhiệm có thể hoàn tất những vấn đề trọng yếu.
Ông chủ Nhà Trắng đọc Thông điệp Liên bang lần thứ 7 trong bối cảnh nước Mỹ đang đối diện với nhiều vấn đề quan trọng mà nổi bật là cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Trong Thông điệp Liên bang năm 2015, bên cạnh các vấn đề về kinh tế, giáo dục đại học, an ninh mạng, chính sách đối ngoại của nước Mỹ với Nga, các quốc gia Hồi giáo, Cuba và Iran là những nội dung chính mà Tổng thống Obama đề cập.
Ông Obama chào các nghị sĩ Mỹ trước khi phát biểu