Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Ảnh: TASS. |
"Họ đã đề nghị chúng ta ký hiệp ước không xâm phạm", hãng thông tấn BelTA (Belarus) dẫn lời Tổng thống Lukashenko.
Những hiệp ước không xâm phạm trong quá khứ thường là văn bản mà qua đó, các bên ký kết cam kết sẽ không có hành động quân sự chống lại nhau.
BelTA cho biết ông Lukashenko đã đề cập đến thông tin trên trong cuộc họp đánh giá tình hình chính trị xã hội của đất nước ngày 24/1.
Tại cuộc họp, ông Lukashenko cho biết sẽ không để những sự kiện hậu bầu cử năm 2020 tái diễn. Lukashenko cũng cảnh báo sẽ có những biện pháp cứng rắn với phe đối lập.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối bình luận về thông tin ông Lukashenko nói Ukraine đã gửi đề nghị ký hiệp ước không xâm phạm, theo TASS.
"Tôi không thể bình luận vào lúc này, tôi không có bất kỳ thông tin nào", ông Peskov nói.
Trong một diễn biến khác liên quan đến chiến sự tại Ukraine, Ba Lan ngày 24/1 đã chính thức gửi cho Đức yêu cầu chuyển giao xe tăng Leopard 2 tới Ukraine. Đây là vấn đề đang khiến phương Tây bất đồng trong những ngày vừa qua.
Ngày 20/1, ông Peskov cho biết nếu phương Tây quyết định cung cấp xe tăng hạng nặng cho Kyiv, điều đó "chắc chắn sẽ gây ra hậu quả tiêu cực" cho Ukraine, TASS đưa tin.
Cạnh tranh Nga - Mỹ về vấn đề Ukraine
Trong cuốn sách “Cạnh tranh địa chiến lược Nga - Mỹ: Tiếp cận từ chủ nghĩa hiện thực và trường hợp khủng hoảng Ukraine”, tiến sĩ Phan Thị Thu Dung nhận định đặt trong tổng thể cạnh tranh chiến lược Nga - Mỹ từ năm 2013 đến nay thì Ukraine là điển hình cho cạnh tranh địa chiến lược quyết liệt giữa hai cường quốc hàng đầu về quân sự trên nhiều chiến tuyến, từ an ninh, chính trị, kinh tế đến truyền thông, năng lượng.