Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Ông kẹ' và tác phẩm khẳng định tên tuổi ông hoàng truyện kinh dị

Một tuyển tập truyện ngắn xuất bản năm 1978 đã giúp củng cố vị thế “ông hoàng kinh dị” của Stephen King.

ong hoang kinh di anh 1

Ông kẹ là bộ phim mới nhất được chuyển thể từ một tác phẩm của Stephen King. Ảnh: MovieWeb.

Theo GS Jack Hamilton từ Đại học Virginia, năm 1978, sự nghiệp Stephen King cuối cùng đã lên đến đỉnh cao. Sau nhiều năm cố gắng, King đã chứng kiến tiểu thuyết đầu tay của mình, Carrie, bất ngờ trở thành cuốn sách bán chạy và được chuyển thể thành phim do Brian De Palma đạo diễn.

Bằng chứng sớm về tài kể chuyện

King nối tiếp thành công của Carrie với Salem's Lot vào năm 1975, The Shining vào năm 1977 và The Stand vào cuối năm 1978. Trong lòng công chúng, King như “một chiếc máy đánh chữ chạy bằng cơm”, liên tục cho ra những cuốn sách mà Hollywood ngay lập tức mua bản quyền làm phim.

Nhưng sau The Shining và trước The Stand, King đã xuất bản cuốn sách được coi là đỉnh cao trong giai đoạn này, báo hiệu một sự nghiệp sáng tác phi thường: Night Shift, một tuyển tập những tác phẩm từng được đăng trên nhiều tạp chí từ hồi King mới chập chững bước vào nghề viết.

Các câu chuyện trong Night Shift được trau chuốt kỹ lưỡng về cấu trúc, tiết tấu và cả nội dung. Chúng cũng là bằng chứng sớm nhất về tài năng của King: trí tưởng tượng tăm tối và dường như vô tận của ông.

Mặc dù nổi tiếng là một tiểu thuyết gia tài năng, những mẩu truyện ngắn trong Night Shift được coi là nằm trong số những tác phẩm đáng sợ nhất sự nghiệp của King.

Ngay từ đầu, dưới con mắt của giới phê bình, cái thiên tài thực sự của nhà văn này đã nằm ở những ý tưởng kinh dị cuốn hút, làm người đọc sởn gai ốc chỉ bằng một câu tóm tắt: một cô gái cô đơn mang trong mình sức mạnh đáng sợ trả thù thị trấn và người mẹ đã hành hạ cô; một người cha dần phát điên trong một cái khách sạn quái ác, biệt lập; một nghĩa trang có khả năng hồi sinh thú cưng.

Ngay cả những cuốn tiểu thuyết kém thành công của King cũng có một ý tưởng khởi nguồn hấp dẫn và gây tò mò.

ong hoang kinh di anh 2

Ông kẹ được đánh giá là một trong những truyện hay nhất trong Night Shift. Ảnh: Tor.

Truyện ngắn của King là nơi những ý tưởng quái gở của cây viết này tỏa sáng nhất. Sự ngắn gọn giúp ông hoàn toàn tập trung phát triển ý tưởng của truyện.

Ông kẹ, xuất bản lần đầu trên tạp chí Cavalier năm 1973, được đánh giá là một trong những truyện hay nhất trong Night Shift.

Trong truyện, một người đàn ông tên Lester Billings xuất hiện tại văn phòng của tiến sĩ Harper, một bác sĩ tâm lý, tâm sự về cái chết của những đứa con ông. Cả ba đều chết đột ngột trong cũi và các nhà chức trách cho rằng tất cả chỉ là trùng hợp. Tuy nhiên, Lester biết rõ không phải trùng hợp. Trước khi chết, đứa trẻ nào cũng đều rên rỉ "Ông kẹ!" và chỉ về phía cửa tủ quần áo.

Điểm khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của Stephen King

Xấu xa, tàn bạo và ngắn gọn, Ông kẹ của King khiến người đọc lạnh gáy ngay từ những trang đầu tiên, rồi đưa họ tới một cái kết bất ngờ và đáng sợ.

GS Jack Hamilton cho rằng trong tay một nhà văn khác, Lester Billings hẳn sẽ thành một nhân vật chiếm được thiện cảm người đọc - xét cho cùng thì gã đã mất ba đứa con vào tay một thứ quái vật sống trong tủ quần áo nhà mình.

Nhưng nhân vật Billings của King cực kỳ khó ưa: Gã phân biệt chủng tộc, gã tự hào khoe khoang việc đánh đập vợ con và thậm chí còn không thực sự buồn khi mất con. Rõ ràng gã tìm đến bác sĩ là vì cảm giác tội lỗi, hèn nhát và tủi hổ chứ không phải vì đau buồn.

Biến nạn nhân của câu chuyện thành kẻ phản diện là một nước đi thiên tài. Không chỉ khiến độc giả bối rối, King còn che giấu được cái ác thực sự trong truyện, giữ kín phần bí mật cho phân đoạn cao trào.

Đây là một mô típ phổ biến trong truyện của King. Đơn cử, nhân vật Jack Torrance trong The Shining là một người chồng và người cha bạo lực, một gã bợm rượu và nóng tính từ trước khi bị ảnh hưởng bởi khách sạn Overlook - khách sạn không làm Jack tha hóa, nó giải phóng bản chất thật của con người hắn.

Thành công của Night Shift là tín hiệu đầu tiên giúp độc giả đại chúng nhận ra một điều về King: Mặc dù nổi tiếng với những cuốn truyện dày cộp, những tác phẩm hay và đáng sợ nhất của King đôi khi lại là những truyện ngắn.

Sang đến thập niên 1980, King tiếp tục cho ra mắt hai tuyển tập truyện ngắn là Different seasons (1982) và Skeleton crew (1985), trong đó nổi bật có thể kể đến hai truyện ngắn Rita Hayworth and Shawshank RedemptionThe Body.

Ngay cả trong thế kỷ XXI, truyện ngắn của ông vẫn giữ nguyên nét sắc sảo, hóm hỉnh, bất ngờ và tất nhiên, đáng sợ. Hamilton nhận định rằng Night Shift chính là điểm khởi đầu cho sự nghiệp lẫy lừng của Stephen King.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Ông hoàng truyện kinh dị từng lo sợ mình sẽ thành ác nhân

Có giai đoạn, nhà văn Stephen King chìm đắm trong rượu. Ông thấy mình như nhân vật Jack Torrance trong "The shining" - một nhà văn phát điên và tìm cách giết vợ con mình.

Bản thảo kinh dị nhặt từ sọt rác trở thành tác phẩm ăn khách

Vợ của Stephen King đã nhặt bản thảo cuốn "Carrie" của chồng mình và thuyết phục ông viết tiếp. Tác phẩm trở thành sách bán chạy, tạo đà sự nghiệp cho ông hoàng kinh dị.

Vũ Bân

Bạn có thể quan tâm