Nhiều chi tiết độc, lạ về Stephen King đã được bật mí. Ảnh: Getty. |
Theo trang Entertaiment Daily, điều đặc biệt nhất trong cuốn sách mới Stephen King: A Complete Exploration of His Work, Life and Influences là tác giả Bev Vincent đã chia sẻ nhiều thông tin thú vị về King và các tác phẩm của ông.
Chật vật tìm cách xuất bản tác phẩm đầu tay
King bắt đầu viết truyện từ năm 6 tuổi và được dì Gert của mình khuyến khích theo đuổi sở thích này. Dì Gert đã trả cho ông 25 cent cho mỗi câu chuyện ông viết ra. Trong số những câu chuyện đầu tiên này đã có tác phẩm Jhonathan and the Witchs khá nổi tiếng kể về con trai của một người chăn bò được một con thỏ ban cho ba điều ước và sử dụng chúng để giết ba phù thủy.
Vào khoảng cuối những năm 1960, King bắt đầu tìm cách ra mắt những tác phẩm dài hơn của mình. Ba cuốn tiểu thuyết ông viết đầu tiên Rage,The Long Walk và Blaze, ban đầu đều bị từ chối xuất bản. Cuốn Sword in the Darkness sau đó của ông cũng đã bị hàng chục nhà xuất bản từ chối. Mãi đến năm 1974, King mới ra mắt được cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình là Carrie, cũng sau khi bị tới 30 nhà xuất bản bác bỏ.
Vào những năm 1970, Stephen King hầu như không thể hỗ trợ được gì nhiều cho kinh tế gia đình khi sự nghiệp viết văn chưa khởi sắc và thu nhập từ công việc giáo viên tại Học viện Hampden của Maine cũng không quá dư dả. Gia đình ông thậm chí còn không dùng điện thoại để tiết kiệm tiền.
Stephen King đã có một khởi đầu văn nghiệp đầy khó khăn. Ảnh: Getty. |
Năm 1973, King thậm chí phải vay 75 USD từ bà của vợ mình để đi đến New York gặp gỡ biên tập viên Bill Thompson của nhà xuất bản Doubleday tại New York. Canh bạc đã thành công khi một tháng sau, nhà xuất bản này trả trước cho King 2.500 USD cho cuốn Carrie.
Vị tác giả đã ăn mừng bằng cách mua một chiếc Ford Pinto để thay thế chiếc Buick đời 1965 của gia đình. Và những ngày lo lắng về hóa đơn điện thoại của gia đình King đã vĩnh viễn chấm dứt vào cuối năm đó khi nhà xuất bản Signet trả cho Doubleday 400.000 USD để mua bản quyền cuốn Carrie.
Sự nghiệp sáng tác nhiều bất ngờ
Trong quá trình King sáng tác cũng có rất nhiều câu chuyện thú vị. King ban đầu định gọi câu chuyện về ma cà rồng năm 1975 Salem’s Lot của mình là Second Coming. Sau khi bị vợ Tabitha đánh giá rằng cái tên đó nghe giống một cuốn sách về đời sống tình dục, King đã đổi về cái tên Salem’s Lot nổi tiếng hiện nay.
Cuốn sách về Stephen King đã ra mắt ngày 13/9 vừa qua. Ảnh: Amazon. |
Thậm chí một trong những cuốn sách của ông gần như đã được đặt tên là Cancer. King suýt chết khi bị một chiếc xe tải đâm vào năm 1999 và trong quá trình hồi phục, ông đã viết một cuốn sách về bốn người bạn đối phó với một loại virus ngoài hành tinh.
Tác giả đã lên kế hoạch gọi cuốn tiểu thuyết này là Cancer cho đến khi Tabitha thuyết phục ông đổi tên truyện. King cuối cùng đã xuất bản cuốn sách vào năm 2001 với tên gọi Dreamcatcher.
Về nguồn cảm hứng sáng tác, King đã được truyền cảm hứng từ rất nhiều sự kiện bất ngờ trong cuộc đời. Như cuốn Cujo của King, ông đã lấy cảm hứng từ một chuyến đi sửa xe. Vào mùa xuân năm 1977, King mang chiếc xe máy bị trục trặc của mình đến sửa tại một gara, nơi ông được một chú chó săn giống Saint Bernard nặng 200 pound (hơn 90kg) tên là Bowser chào đón.
Sau khi người thợ đảm bảo với King rằng con chó không cắn, King đã đưa tay ra để cưng nựng con chó săn nhưng bất ngờ Bowser tấn công ông. Người thợ máy đánh con chó bằng cờ lê và nói rằng: "Bowser thường không làm điều này. Chú chó chắc hẳn không thích khuôn mặt của ông". Và sự việc này đã truyền cảm hứng cho ông viết cuốn tiểu thuyết Cujo về chú chó giống Saint Bernard điên loạn năm 1981.
Và về nhân vật chú hề ma quái Pennywise trong siêu phẩm IT, King đã được truyền cảm hứng để tạo ra tên hề sát thủ này khi đi qua một cây cầu gỗ ở Boulder, bang Colorado. Cũng chính tại đây, tác giả đã viết nên một cuốn sử thi hậu khải huyền The Stand năm 1978.
Đặc biệt, có một cuốn sách đã được viết nên từ chính trải nghiệm lần thứ hai đến gần với tử thần. Vào tháng 11 năm 2003, King tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia ở Manhattan, nơi ông nhận Huy chương cho những đóng góp xuất sắc. Tác giả đã nhận được lời khuyên về mặt y tế rằng ông không nên thực hiện chuyến đi đến New York vì căn bệnh viêm phổi. Một lá phổi của ông đã bị thương từ sau vụ tai nạn xe hơi năm 1999. Ngày hôm sau buổi lễ nhận Huy chương, King ốm nặng phải đưa vào điều trị tại bệnh viện và ở đây 2 tháng tiếp sau đó. Cũng chính trải nghiệm cận kề cái chết thứ hai này đã truyền cảm hứng cho cuốn sách Lysey's Story năm 2006 của King, kể về người góa phụ của một tiểu thuyết gia nổi tiếng.
Đến bút danh của ông cũng được đặt khá ngẫu hứng. King đã xuất bản một số cuốn sách dưới tên Richard Bachman, bao gồm cuốn Running Man năm 1982 và Thinner năm 1984. Vậy đâu là nguồn gốc của bút danh này? Trước đó, King đã cân nhắc về bút danh từ khi chuẩn bị xuất bản cuốn Rage năm 1977. Vào lúc đó ông tình cờ nhìn thấy một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Richard Stark (bút danh của tác giả chuyên viết dòng văn học tội phạm Donald E. Westlake) trên bàn làm việc và âm thanh bài hát You Ain’t Seen Nothin 'Yet của nhóm Bachman-Turner Overdrive vang lên từ máy hát. Do vậy, King đã ngẫu hứng kết hợp từ "Richard" từ Richard Stark với "Bachman" từ Bachman-Turner Overdrive thành bút danh của mình.
Có thể nói cuốn Stephen King: A Complete Exploration of His Work, Life and Influences không chỉ điểm lại gần 50 năm văn nghiệp của ông hoàng kinh dị với những thời điểm và bước ngoặt thay đổi cuộc đời mà còn mang tới nhiều tư liệu quý như những bức ảnh và tài liệu từ bộ sưu tập cá nhân của ông với một góc nhìn thú vị.