Hình ảnh trong bản phim chuyển thể năm 2019. Ảnh: IMDB. |
Theo chính “ông hoàng kinh dị” Stephen King, Nghĩa địa thú cưng là tác phẩm kinh dị nhất ông từng sáng tạo ra. “Tôi thực sự khiếp sợ những lời văn tôi đã viết và những kết luận tôi đã rút ra”, ông chia sẻ trong phần giới thiệu của cuốn sách.
Tác phẩm được lấy cảm hứng từ một sự kiện suýt-nữa-thì-thành-thật với chính gia đình tác giả. Cuốn tiểu thuyết kể về gia đình Creed mới chuyển đến một căn nhà cổ bên một tuyến đường nguy hiểm với nhiều xe tải lớn qua lại. Phía sau căn nhà có một khu nghĩa địa tạm bợ khuất trong rừng, nơi nhiều thế hệ trẻ em đã chôn cất những con thú cưng yêu quý bị chẹt chết trên cung đường nguy hiểm nọ.
Không lâu sau, tai họa ập đến với gia đình Creed và người cha Louis Creed liên tiếp nhận được những lời cảnh báo từ cả thực tế lẫn từ sâu thẳm trong cơn ác mộng của anh rằng anh đừng mạo hiểm vượt ra ngoài ranh giới của nghĩa địa nhỏ sau nhà. Nhưng nghe theo những lời dẫn dụ ma mị, Louis đã bước chân vào hành trình khám phá ra một sự thật còn đáng sợ hơn chính cái chết.
Sách Nghĩa địa thú cưng bản Việt. Ảnh: 1980 Novel. |
Một nỗi sợ quá chân thật
“Nếu cho rằng mức độ kinh hoàng mà tâm trí con người có thể nếm trải là hữu hạn thì khả năng cao là ta đã nhầm. Ngược lại, màn đêm càng sâu, càng dày đặc thì một thứ hiệu ứng bắt đầu khởi phát - dù chúng ta chẳng mấy khi muốn chấp nhận, song bằng rất nhiều cách, những gì con người trải qua có xu hướng củng cố quan niệm khi ác mộng đủ tăm tối, kinh hoàng lại càng sinh ra kinh hoàng và thứ ma quỷ tình cờ ập xuống sẽ dẫn đến một thứ ma quỷ khác, thường oái oăm hơn, nghiệt ngã hơn, cho đến khi đêm đen chừng như khỏa lấp tất cả.
Và câu hỏi kinh hoàng nhất có lẽ là rốt cuộc tâm trí con người có thể chịu đựng bao nhiêu kinh hoàng mà vẫn duy trì trạng thái tỉnh táo, cảnh giác và không chùn bước”.
Stephen King viết trong mở đầu phần "Khu chôn cất của người Micmac". Ông tạo nên bầu không khí bất an hoàn hảo cho độc giả, khiến độc giả bất giác căng dây thần kinh, chuẩn bị tinh thần cho thứ ma quỷ sẽ xuất hiện.
Nhà phê bình James Smythe của tờ Guardian từng viết: “Các cuốn sách khác chỉ đáng sợ thôi. Nghĩa địa thú cưng thì là một nỗi kinh hoàng thực thụ”. Có lẽ, cảm giác kinh khiếp ấy trần trụi đến vậy là vì câu chuyện trong cuốn sách quá chân thật, nỗi sợ của nhân vật và độc giả hòa làm một.
Ở Nghĩa địa thú cưng, ta không đối mặt với những thực thể siêu nhiên, những câu chuyện ma mà dù có đúng là đáng sợ thật, nhưng ta biết rõ là chúng không có thật. Ở Nghĩa địa thú cưng, ta đối mặt với một nỗi sợ rất đời - nỗi sợ mất đi người thân, mất đi một người mà ta đã dành bao tình cảm, dành nhiều năm chăm sóc. Louis Creed đã rơi vào hoàn cảnh như vậy. Nỗi kinh hoàng của nhân vật trở thành nỗi ám ảnh của độc giả.
Và đi cùng nỗi đau mất mát là sự giằng xé tâm can khi niềm tin của con người bị thách thức, giới hạn và đạo đức của người ở lại bị thử thách. Người còn sống bị tê liệt trong nỗi đau, sởn gai ốc trong cái lạnh và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để xoa dịu đi cơn đau vô hình của sự mất mát.
Ta dõi theo nhân vật và tự hỏi liệu ta có làm điều tương tự, liệu ta có đủ mạnh mẽ để kháng cự cám dỗ ma quái kia, và chấp nhận làm điều không tưởng: đem người chết về lại cõi sống.
Hình ảnh trong bản phim chuyển thể năm 1989. Ảnh: ScreenAge Wasteland. |
Con người đối mặt thế nào với mất mát?
“Giờ đây, ngồi trên giường, vật vã trong cơn chuếnh choáng, khi nước mưa rào hắt lên ô cửa sổ bên cạnh, buồn đau ập đến, như mụ mệnh phụ ở Tầng Chín hỏa ngục. Nó đến, đồng hóa anh, tước mọi nhuệ khí, cướp đi chút phòng thủ còn sót lại, để rồi anh gục mặt vào tay, giàn giụa nước mắt, lắc lư trên giường, thầm nghĩ anh sẵn sàng làm tất cả, bất kể đó là gì, để có cơ hội thứ hai”, trích nội dung sách.
Nhận thức rằng bản thân ta - người đọc - đã hoặc sẽ trải qua trải nghiệm tương tự đủ để khiến ta phải dựng tóc gáy. Và dù độc giả hiểu rõ bài học trong câu chuyện: đôi khi tốt hơn là hãy buông bỏ, dù cho việc ấy có đau đớn cỡ nào, ở vị trí của Louis, chúng ta biết nhiều khả năng ta sẽ làm hệt như anh ấy.
Stephen King đã tìm ra điểm yếu của độc giả và khiến họ phải tự nghi ngờ sự minh mẫn của mình. Chất kinh dị của Nghĩa địa thú cưng đến từ các nhân vật, cách họ nghĩ và cảm nhận về cái chết. Mỗi nhân vật đều có lập trường khác nhau về cái chết, từ cô bé Ellie tò mò hỏi về thiên đường tới sự thách thức của Rachel khi từ chối nhắc tới cái chết. Quá trình bóc tách đạo đức và hành vi con người chính là yếu tố khiến cuốn sách thành công.
Nỗi đau buồn từ mất mát có thể làm con người biến chất. Một nỗi đau chung nhưng mỗi người có một cách đối mặt khác nhau. Yếu tố khó lường ấy làm gia tăng cảm giác căng thẳng khi đọc Nghĩa địa thú cưng. Nỗi căng thẳng tăng cao qua từng trang sách, dẫn dắt độc giả tới phần cao trào rùng rợn nhất, hé lộ ra cái giá phải trả của kẻ cả gan dám thách thức cái chết.
Thành công của cuốn sách còn đến từ văn phong của King. Qua những câu văn phức tạp mà uyển chuyển, ông tạo nên bầu không khí bí hiểm cho cuốn sách, khiến người đọc bị hút vào câu chuyện bi kịch ông vẽ nên. Ngay cả những người không phải fan của dòng văn học kinh dị cũng khó phủ nhận tài năng văn chương của ông.
Nghĩa địa thú cưng xuất bản lần đầu vào năm 1983 và được đề cử giải World Fantasy cho tiểu thuyết hay nhất vào năm 1984. Cuốn sách là một trong những tác phẩm kinh điển của Stephen King, được viết trong thời hoàng kim của nhà văn, cùng thời kỳ với nhiều tác phẩm đặc sắc khác như The shining, Firestarter, It, Misery...