1. Vị trí của khách sạn kì bí Overlook được lựa chọn rất ngẫu hứng. Sau khi viết hai cuốn sách đầu tiên là Carrie và Salem’s Lot với bối cảnh đều được đặt tại một thị trấn nhỏ ở Maine, Stephen King quyết định sẽ chọn một địa điểm hoàn toàn khác biệt và mới mẻ cho cuốn tiểu thuyết thứ ba Thị kiến (The Shining). Ông không chủ đích đi tìm một địa điểm phù hợp cho khách sạn ma ám Overlook mà thực tế đã thực hiện một cách thức ngẫu hứng khác. King trải một chiếc bản đồ của Mỹ lên bàn ăn và hoàn toàn ngẫu nhiên chỉ ngón tay vào một địa điểm bất kỳ trên đó. Cuối cùng địa điểm được chọn chính là Boulder, Colorado. Sau đó, King cùng vợ mình đã lên đường tới Colorado và nghỉ tại khách sạn Stanley. Đêm đó hai vợ chồng tác giả là những vị khách duy nhất của khách sạn. Chính trải nghiệm này đã là nguồn cảm hứng cho King tạo nên khách sạn Overlook trong The Shining. Ảnh: NME. |
2. King không thích phiên bản chuyển thể điện ảnh của Kubrick. Dù phiên bản chuyển thể điện ảnh của đạo diễn Stanley Kubrick được đón nhận nhiệt liệt và được xướng danh là một trong những bộ phim kinh dị hay nhất từng được sản xuất, bản thân cha đẻ của tiểu thuyết gốc không mấy vui vẻ khi thưởng thức bộ phim. King bày tỏ rằng ông thất vọng về bộ phim chuyển thể. Lý do ông hoàng kinh dị đưa ra cho lời phê bình chính là đạo diễn Kubrick đã chuyển thể khác nhiều so với tiểu thuyết gốc và không đảm bảo được chủ đề chung của tiểu thuyết. Ảnh: The Telegraph. |
3. Khách sạn được cho là cảm hứng tạo nên Overlook bị đồn ma ám. Stenley là khách sạn mà Stephen King và vợ mình đã nghỉ lại, sau đó trở thành nguồn cảm hứng lớn để King sáng tác nên tiểu thuyết. Một số nhân viên bếp ở đây đã báo cáo rằng họ nghe thấy tiếng hội hè trong phòng tiệc trong khi thực tế phòng trống không. Khách trong sảnh thường nghe thấy tiếng chơi piano trong phòng tiệc trống. Nhiều người hoài nghi liệu có thực sự tồn tại những thế lực siêu nhiên trong khách sạn này hay đây chỉ là ảnh hưởng mạnh mẽ của cuốn tiểu thuyết kinh dị do King viết? Ảnh chụp khách sạn Stanley. Ảnh: Roadtrippers. |
4. Năng lực “thị kiến” xuất hiện lần đầu trong cuốn tiểu thuyết này. Trong tiểu thuyết The shining, đây là lần đầu Stephen King giới thiệu một năng lực siêu nhiên đặc biệt mà ông gọi là “thị kiến”. Năng lực này được King đưa vào nhiều cuốn tiểu thuyết sau đó của ông. Thị kiến là năng lực đặc biệt bao gồm đọc được suy nghĩ, thấu thị, thấy trước tương lai, thần giao cách cảm và nhiều khả năng khác nữa. Sau Danny - cậu bé đọc được suy nghĩ trong Thị kiến, nhiều nhân vật khác của King cũng xuất hiện với năng lực này như John Coffey trong Dặm xanh, Abigail trong The Stand hay Carrie trong tiểu thuyết cùng tên. Nhân vật Danny trong phim, cậu bé có năng lực thị kiến. Ảnh: The Hollywood Reporter. |
5. Hình tượng điên loạn của nhân vật Jack xuất phát từ chính Stephen King. Thời điểm King sáng tác Thị kiến là lúc ông phải đấu tranh với chứng nghiện rượu nặng. Có thể thấy hình tượng nhân vật Jack có nhiều phần được xây dựng trên chính bản thân tác giả. Jack là một người đàn ông nghiện rượu, khó kiểm soát cảm xúc, làm thầy giáo và ôm mộng trở thành một tác giả nổi tiếng. Trong cuốn tiểu thuyết của mình, King đã khai phá mối quan hệ giữa nghiện rượu và bạo hành một cách sâu sắc, nâng tầm câu chuyện và đưa Thị kiến vượt ra ngoài ranh giới của một cuốn tiểu thuyết kinh dị giải trí thông thường. Nhân vật Jack và con trai Danny trong phim. Ảnh: IMDB. |
6. Tiểu thuyết về dinh thự Hill đã truyền cảm hứng sâu sắc cho King viết Thị kiến. The Shining mang ảnh hưởng sâu sắc từ tác phẩm kinh dị kinh điển của Shirley Jackson có tên The haunting of Hill House. Có thể nói đây là tiểu thuyết kinh dị gothic đi đầu trong thể loại “ngôi nhà ma ám”. King không ngần ngại tán dương tiểu thuyết là một trong những tiểu thuyết kinh dị hay nhất cuối thế kỷ 20. Ngoài ra, The Shining cũng kế thừa và chịu nhiều ảnh hưởng từ các truyện ngắn của Edgar Allan Poe. Bìa sách The haunting of hill house. Ảnh: Abstract AF. |