Stephen King chính là người đặt nền móng cho nền văn học kinh dị hiện đại với các tác phẩm như Carrie, The Shining (Ngôi nhà ma), IT (Chú hề ma quái) và các tác phẩm đầy cảm xúc như The body, The Green Mile (Dặm xanh). Các tiểu thuyết của ông được dịch ra nhiều ngôn ngữ trên toàn thế giới.
Sự nghiệp tiểu thuyết gia chuyên nghiệp của ông bắt đầu từ nửa thế kỷ trước, khi ông bán thành công bản thảo tiểu thuyết Carrie cho nhà xuất bản Doubleday vào năm 1973. Vậy, ông hoàng tiểu thuyết kinh dị Mỹ có thời gian biểu làm việc như thế nào?
Theo cuốn Cách viết tiểu thuyết của chính Stephen King, ông thực hiện tác phẩm đang sáng tác vào buổi sáng, ngủ trưa và trả lời thư vào buổi chiều, dành thời gian đọc sách và bên gia đình vào buổi tối. Thời gian còn lại ông xem các trận đấu của đội Boston Red Sox của giải bóng chày nhà nghề Mĩ hoặc làm nốt những việc cần gấp. Điều đó có nghĩa là thời gian chấp bút của Stephen King chỉ gói gọn trong buổi sáng.
Tiểu thuyết gia kinh dị Stephen King. Nguồn: stern. |
Thứ mà Stephen King luôn coi trọng trong việc viết lách của mình chính là một phòng viết lý tưởng. Cũng trong cuốn sách trên ông đã viết như sau: “Nếu được, trong phòng viết không nên có điện thoại. Những thứ giết thời gian như tivi hay trò chơi điện tử thì miễn bàn. Nên kéo rèm cửa hoặc buông mành che. Tôi muốn nói điều này với tất cả các nhà văn. Đặc biệt là những người mới tập tành viết nên loại bỏ hoàn toàn những thứ dễ gây phân tâm”.
Trước khi bắt tay vào làm việc, Stephen King luôn dọn dẹp tất cả những thứ có thể gây cản trở đến việc viết lách, những vật có thể khiến ông phân tâm ra khỏi tầm mắt.
Khi làm việc, ông còn một thói quen nữa là bật nhạc ầm ĩ trong lúc viết. Ông thích nhạc rock mạnh như nhạc của AC/DC, hay Guns N’ Roses và đặc biệt yêu thích Metallica.
Thật khó để tưởng tượng ra mối liên hệ giữa Stephen King và nhạc rock hạng nặng, nhưng đây lại là cách tập trung hiệu quả không ngờ. Ai đã từng vừa bật nhạc (nghe bằng tai nghe) vừa làm việc có lẽ đều từng trải qua điều này - nếu nghe nhạc với âm lượng lớn vừa đủ ta sẽ rơi vào trạng thái nghe mà như không nghe.
Khi công việc tiến triển đến một mức độ nào đó, ta dừng mạch tập trung thì nhận ra mình đã nghe hết một album nhạc hoặc rất nhiều bài nhạc đã trôi qua rồi.
Điều này được Stephen King miêu tả là một cách đóng cửa lại. Ở đây, cánh cửa mà ông nói đến không phải là cửa của một căn nhà, mà có lẽ ông đang ám chỉ đến cánh cửa tâm trí.
Ông đã viết như sau để mô tả về thói quen viết của mình.
“Khi viết, tôi muốn khoá mình khỏi thế giới.”
Hai điều quan trọng để trở thành tiểu thuyết gia
Việc mà Stephen King không bao giờ làm ngơ khi viết tiểu thuyết chính là “Đọc thật nhiều để viết thật nhiều”. Ông đọc khoảng 70 đến 80 cuốn sách một năm không phải để tìm ra gợi ý cho những tác phẩm của chính mình mà chỉ đơn giản là vì ông muốn đọc mà thôi.
Ông cũng nói tất nhiên những cuốn sách ông đã đọc ít nhiều cũng có ảnh hưởng tới tác phẩm của mình, đặc biệt là ông cảm thấy được chỉ bảo rất nhiều từ những tác phẩm dở tệ. Nhờ đọc những tác phẩm dở, ông mới biết cái gì không được viết, nên đối với ông đó lại là tấm gương tốt.
Mặt khác, khi đọc những tác phẩm kinh điển như The Grapes of Wrath (Chùm nho uất hận), mặc dù bị giáng cho một cú trời đánh rằng “Mình sẽ không thể viết được một kiệt tác như thế này”, nhưng ông sẽ mắng nhiếc bản thân và cho đây là cơ hội làm mới động lực viết văn của mình.
Từ đây có thể thấy, dù đã trở thành một tác giả ăn khách toàn cầu, nhưng Stephen King vẫn luôn kiên định với việc nỗ lực học tập và sáng tạo.
Ngoài ra, cứ đến mùa đông là ông lại dành thời gian ở Florida. Sở thích của ông trong kỳ nghỉ rất đơn giản, đó là ở Motel 6 – nhà nghỉ bình dân mà người Mĩ và Canada nào cũng biết, dùng bữa ở cửa hàng thức ăn nhanh Waffle House.
Ông nói “Thứ làm tôi vui rất đơn giản. Tôi sẽ hạnh phúc nếu có ai đó chuẩn bị cho mình một căn phòng ở nhà nghỉ xây trên ranh giới giữa hai bang với một chiếc ghế để tôi có thể ngồi ngoài trời đọc sách”.