Sáng nay (20/6), Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để thông qua các kế hoạch kinh doanh trong năm 2020.
Đáng chú ý, tại đại hội này, lần đầu tiên ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT đã chia sẻ lý do ngân hàng tập trung nhiều nguồn lực cho vay vào lĩnh vực bất động sản cũng như các khách hàng lớn.
Lý do tập trung cho vay lĩnh vực bất động sản
Cụ thể, ông Hồ Hùng Anh cho biết, ngay từ đầu, Techcombank đã đi theo nguyên tắc tập trung cho vay vào một số lĩnh vực, phân khúc mà tại đó ngân hàng tự tin có thể kiểm soát tốt nhất rủi ro và đạt được thị phần lớn nhất.
Với lĩnh vực bất động sản, vị này cho biết, ngân hàng đã ưu tiên phát triển từ 5 năm trước và đây là lĩnh vực mà Techcombank có lợi thế, đánh giá sẽ là lĩnh vực phát triển nhanh và thực tế đã cho thấy điều đó.
“Bất động sản là lĩnh vực ngân hàng có thể tập trung vào việc kiểm soát rủi ro và xây dựng business. Rõ ràng thị trường bất động sản trong những năm vừa qua đã phát triển tốt, Techcombank cũng xây dựng và kiểm soát được rủi ro để tạo ra giá trị cho ngân hàng và khách hàng”, ông Hùng Anh nói.
Lấy ví dụ thực tế, ông Hùng Anh cho biết, khi dịch Covid-19 xảy ra, những lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất lại là hàng không, dệt may, du lịch…
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng này có tác động đến Techcombank nhưng không nhiều vì ngay từ đầu ban lãnh đạo ngân hàng đã xác định đây là những lĩnh vực phải kiểm soát rủi ro theo mô hình khác nên không tập trung phát triển.
Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc nếu thị trường bất động sản đóng băng thì Techcombank sẽ ra sao, ông Hùng Anh cho biết, khi xây dựng phương án kinh doanh ban lãnh đạo ngân hàng đều phải đưa ra những kịch bản khác nhau.
Tuy nhiên, tất cả hệ số an toàn của Techcombank hiện nay đều được quản lý theo chuẩn Basel II và các chỉ số này của ngân hàng hiện đều ở mức rất cao.
“Danh mục bất động sản của Techcombank tương đối lớn nhưng so với các tổ chức tín dụng khác lại không quá cao, và đáp ứng các chỉ số an toàn của các chuẩn. Hoạt động cho vay lĩnh vực bất động sản cũng được phân định rõ ràng đâu là cho vay kinh doanh đầu tư, đâu là cho vay để mua nhà”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Như với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản đều được ngân hàng áp dụng hệ số rủi ro 200-250% từ đó tác động tới các chỉ số an toàn vốn. Hiện hệ số an toàn vốn (CAR) của Techcombank lên tới 16%, cao nhất hệ thống.
Bàn làm việc chỉ cần 2-3 khách hàng tốt nhất
Trả lời câu hỏi về rủi ro khi tập trung vào một số khách hàng lớn như Vingroup, Sungroup, hay Vietnam Airlines... Chủ tịch ngân hàng cho biết chủ trương của Techcombank là không tập trung vào tất cả khách hàng lớn, mà có sự lựa chọn.
“Có thể thấy các khách hàng lớn của Techcombank đều là những doanh nghiệp uy tín nhất thị trường, tạo ra những sản phẩm có sức hút nhất thị trường. Techcombank lựa chọn khách hàng lớn rất thận trọng và cho đến giờ phút này chỉ tập trung vào một số khách hàng tốt nhất.
Chiến lược này đúng hay sai thì kết quả lợi nhuận, hệ số an toàn của Techcombank hiện nay đã chi ra. Và đây là hướng đi phù hợp”, ông Hùng Anh nói.
Vingroup hiện là một trong những khách hàng lớn nhất của Techcombank. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Lấy ví dụ trong lĩnh vực vui chơi giải trí và du lịch, vị lãnh đạo ngân hàng cho biết, hiện Sungroup và Vingroup đang chiếm khoảng 70% thị phần tại Việt Nam. Và đây là 2 khách hàng lớn của Techcombank.
Ông Hùng Anh khẳng định Techcombank sẽ không phát triển thêm 5-10 khách hàng nữa để có thêm 5-10% thị phần rồi phải phân tán kiểm soát rủi ro.
Ông cho biết thêm, Techcombank cũng chỉ tập trung vào các khách hàng có tài sản đảm bảo chứ không tập trung cho vay tín chấp. Cùng với đó là việc đẩy cao hệ số CASA (tiền gửi không kỳ hạn) để tăng NIM (chênh lệch giữa lãi đi vay và lãi cho vay) và tăng thu nhập.
“Techcombank cho rằng, thay vì bàn làm việc có 10 khách hàng thì chỉ cần 3 khách hàng tốt nhất. Thay vì kinh doanh trong 10 lĩnh vực thì chỉ cần 2-3 lĩnh vực mà mình có thể kiểm soát được rủi ro”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng này cho biết sẽ tiếp tục mở rộng những lĩnh vực khác trong các năm tiếp theo và sẽ thấy thay đổi rất lớn trong bảng cân đối tài sản của ngân hàng.
Trong năm 2020, cổ đông Techcombank đã thông qua kế hoạch kinh doanh được HĐQT trình với chỉ tiêu tổng tài sản tăng 12%, đạt 431.483 tỷ đồng vào cuối năm.
Các chỉ tiêu tài chính như dư nợ tín dụng đến cuối năm sẽ ở mức 291.586 tỷ (tăng 13% hoặc cao hơn trong mức Ngân hàng Nhà nước cho phép), nợ xấu kiểm soát dưới 3%; chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt mức 268.820 tỷ (cũng tăng 13%).
Ngân hàng dự kiến thu về khoản lợi nhuận trước thuế năm nay là 13.000 tỷ đồng, tăng 1% so với số đã thu về năm liền trước.