Đáng chú ý, kết quả tăng trưởng lợi nhuận này của Vietcombank diễn ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành thấp kỷ lục và các ngân hàng thương mại Nhà nước khác đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm từ đầu năm.
Cụ thể, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tăng trưởng tín dụng đến 16/6 mới đạt 2,13% so với đầu năm, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (5,7%).
Trong đó, tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp mới tăng 0,3%; tín dụng xuất khẩu tăng 4,94%; tín dụng lĩnh vực công nghệ tăng 2,92%; công nghiệp phụ trợ 2,27%...
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng trưởng chậm là điều dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay.
"Dù Việt Nam kiểm soát dịch bệnh rất tốt, các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Đây là tình hình chung, cũng lo nhưng phải chịu”, ông Hùng nói.
Vụ trưởng Tín dụng cũng nhấn mạnh quan điểm, không thể thúc đẩy tăng trưởng tín dụng bằng cách hạ chuẩn cho vay vì dễ phát sinh nợ xấu cho hệ thống.
Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, trong khi thanh khoản của các tổ chức tín dụng rất dồi dào, lãi suất liên ngân hàng thấp, mà tín dụng không tăng tức là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đã có những dấu hiệu giảm sút rõ nét.
Với riêng Vietcombank, nhà băng này vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 3% trong 5 tháng đầu năm, và là ngân hàng duy nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tăng trưởng tín dụng dương giai đoạn này.
“Năm nay Vietcombank được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tối đa 10%, với tốc độ tăng trưởng 3% sau 5 tháng đầu năm, ban lãnh đạo kỳ vọng tăng trưởng năm nay sẽ đạt 10% theo chỉ tiêu mà cơ quan quản lý giao”, ông Thành nói.
Cập nhật thêm về kết quả kinh doanh của ngân hàng, Chủ tịch Vietcombank cho biết, dù nhiều khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng nợ xấu của ngân hàng vẫn ở dưới 1%.
Ngoài ra, ngân hàng này đã trích lập dự phòng bao nợ xấu với tỷ lệ 260%, tương đương mỗi 100 đồng nợ xấu lại Vietcombak đang được trích lập 260 đồng dự phòng.
Cũng trong 5 tháng đầu năm, dù phải chia sẻ lợi nhuận để giảm lãi suất cho doanh nghiệp nhưng nhà băng này vẫn ghi nhận 9.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Theo tính toán từ ban lãnh đạo, với tốc độ này, cùng việc giảm 2.240 tỷ lợi nhuận cả năm 2020 cho việc giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, Vietcombank dự kiến lợi nhuận năm nay tương đương số thu về năm trước, xấp xỉ 23.000 tỷ đồng.
Ngoài Vietcombank, nhiều nhà băng cũng đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm (giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát trong nước).
Trong đó, ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc SHB cho biết, sau 5 tháng, nhà băng này đã ghi nhận hơn 1.300 tỷ lợi nhuận trước thuế, tương đương 40% kế hoạch lợi nhuận cả năm nay (3.268 tỷ) đã được cổ đông thông qua.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc ngân hàng cũng cho biết, sau 5 tháng tổng tài sản ngân hàng đã tăng 5,23%, chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng gần 5% so với đầu năm.
Với các chỉ tiêu này, Sacombank ghi nhận 1.303 tỷ lợi nhuận trước thuế sau 5 tháng, tương đương 51% kế hoạch cả năm.
Tương tự, cả HDBank, VPBank, TPBank, Vietinbank hiện đều đã công bố con số lợi nhuận thu được sau 5 tháng đầu năm.