Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vietcombank muốn tăng vốn lên gần 2 tỷ USD

Với kế hoạch tăng vốn giai đoạn 2020-2021, Vietcombank dự kiến nâng vốn điều lệ lên 46.176 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD) và là ngân hàng có quy mô vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020. Theo đó, Vietcombank sẽ không trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2020, thay vào đó ngân hàng này dự kiến công bố kế hoạch tăng vốn điều lệ giai đoạn 2020-2021, lên tối đa gần 2 tỷ USD.

Cụ thể, vốn điều lệ hiện tại của Vietcombank là hơn 37.088 tỷ đồng. Ngân hàng dự kiến sẽ phát hành cổ phiếu chi trả cổ tức cho cổ đông năm 2018 với tỷ lệ 18% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu nhận thêm 18 cổ phiếu mới). Nguồn vốn thực hiện sẽ được lấy từ lợi nhuận giữ lại đến hết năm 2018.

Bằng kế hoạch này, ngân hàng dự kiến tăng thêm khoảng 6.676 tỷ đồng vốn điều lệ, đẩy vốn sau phát hành của nhà băng lên tối đa 43.765 tỷ đồng. Thời gian chi trả có thể sẽ là trong quý III và IV của năm nay. Thời điểm cụ thể sẽ được HĐQT quyết định sau khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Bên cạnh kế hoạch này, Vietcombank cũng trình cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ ngân hàng tại thời điểm chào bán cho nhà đầu tư tổ chức có tiềm lực tài chính. Lãnh đạo ngân hàng cho biết có thể bao gồm một hoặc một số cổ đông hiện hữu của ngân hàng.

Vietcombank muon tang von len gan 2 ty USD anh 1

Vietcombank dự kiến tăng vốn lên xấp xỉ 2 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành thêm 241 triệu cổ phiếu (bao gồm 204,9 triệu đơn vị cho nhà đầu tư mới và 36,1 triệu đơn vị cho đối tác chiến lược Mizuho Nhật Bản để duy trì tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% vốn ngân hàng). Bằng phương án này, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ tăng thêm khoảng 2.410 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng cũng chia sẻ giá phát hành sẽ không thấp hơn định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp, và bình quân giá đóng cửa 10 phiên giao dịch (trên HOSE) liền kề trước ngày nhà đầu tư thông báo mua.

Ngoài ra, nếu đối tác chiến lược Mizuho thực hiện mua cổ phần để tăng tỷ lệ sở hữu tại Vietcombank lên 20%, Mizuho sẽ được quyền đề cử thêm một ứng cử viên vào Hội đồng quản trị ngân hàng (trên cơ sở được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận).

Như vậy, nếu 2 kế hoạch này hoàn tất, vốn điều lệ của Vietcombank có thể tăng thêm tới 9.087 tỷ, lên tối đa ở mức 46.176 tỷ đồng, xấp xỉ 2 tỷ USD.

Vietcombank cũng công bố kế hoạch sử dụng vốn tăng thêm, trong đó dành khoảng 500 tỷ để đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ và xây dựng trụ sở làm việc… Phần còn lại được dùng để mở rộng hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn.

Giải thích thêm về kế hoạch tăng vốn, lãnh đạo Vietcombank cho biết ngân hàng đã đáp ứng chuẩn mực Basel II và một trong các trụ cột quan trọng là phải đủ vốn.

Hệ số an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II của ngân hàng tại 31/12/2019 là 9,24%, đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng với kế hoạch tăng trưởng quy mô tài sản trong thời gian tới, dự kiến Vietcombank chỉ có thể duy trì tỷ lệ an toàn vốn trên ngưỡng tối thiểu (8%) đến cuối năm 2020.

Nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của Vietcombank, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng cũng như đóng góp của ngân hàng cho ngân sách.

Hiện tại trong cơ cấu cổ đông của Vietcombank, cổ đông Nhà nước vẫn sở hữu 74,8% vốn điều lệ, bên cạnh đó ngân hàng có cổ đông chiến lược là Mizuho nắm 15%, GIC của Singapore nắm 2,55% và các cổ đông khác nắm 7,65% vốn.

Vì sao ngân hàng đua nhau chuyển sang sàn HoSE?

ACB, SHB, LienVietPostBank và VIB là những ngân hàng đều đang có kế hoạch chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HoSE ngay trong năm nay.

14 cổ đông Coteccons phủ quyết kế hoạch tổ chức đại hội trực tuyến

Nhóm 14 cổ đông này đang sở hữu và đại diện gần 39 triệu cổ phần của Coteccons, tương đương hơn 51% tỷ lệ cổ phần có quyền biểu quyết của doanh nghiệp.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm