Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 30/6 tới. Đáng chú ý, những mâu thuẫn trong nội bộ hội đồng quản trị nhà băng này trong năm 2019 đã được Ban kiểm soát chỉ ra là gây ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng.
Cụ thể, theo Ban kiểm soát Eximbank, trong nhiệm kỳ vừa qua (đặc biệt trong năm 2019) hoạt động của hội đồng quản trị ngân hàng thiếu nhịp nhàng. Trong đó, các thành viên hội đồng quản trị còn nhiều ý kiến trái chiều gây tranh cãi, các cuộc họp thường xuyên kéo dài mà không đưa ra được quyết định cuối cùng.
Những lý do trên dẫn tới việc chậm ra quyết định đối với các vấn đề hệ trọng của ngân hàng, điển hình là vấn đề bổ nhiệm tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank. Bên cạnh đó là các vấn đề về tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, đại hội đồng cổ đông bất thường 2019 theo yêu cầu của cổ đông, và vấn đề cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng…
"Điều này đã dẫn đến việc Eximbank bị xử phạt hành chính và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của ngân hàng", Ban kiểm soát nhấn mạnh.
Trong năm 2019, Eximbank đã 2 lần tổ chức ĐHĐCĐ thường niên bất thành vì mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. Ảnh: Thy Thơ. |
Trong năm 2019 trước đó, Eximbank đã 2 lần tổ chức đại hội cổ đông thường niên bất thành do các cổ đông không đồng thuận tham gia. Các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2019 cũng được được đại hội đồng cổ đông chấp thuận.
Liên quan tới vấn đề mâu thuẫn nói trên, hội đồng quản trị nhà băng này cũng thừa nhận việc chưa bổ nhiệm được người giữ chức danh tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Eximbank trong thời gian qua là một trong những mặt tồn tại của hội đồng quản trị.
Điều này đã gây ảnh hưởng không ít đến hoạt động kinh doanh của toàn hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, hội đồng quản trị cũng thừa nhận còn nhiều mặt chưa đạt được trong năm như chưa có báo cáo rà soát, đánh giá lại mạng lưới hoạt động, phân bổ mạng lưới theo tình hình thực tế và phù hợp với chiến lược kinh doanh. Hội đồng quản trị cũng chưa triển khai được dự án tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm (quận 1, TP.HCM).
Theo tài liệu mới công bố, tại kỳ đại hội tới đây, ban lãnh đạo ngân hàng này sẽ trình cổ đông kế hoạch tổng tài sản tăng 5% so với năm 2019, đạt 176.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Chỉ tiêu huy động vốn từ tổ chức kinh tế và dân cư dự kiến tăng 6%, đạt 147.800 đồng. Dư nợ cấp tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay khách hàng và trái phiếu doanh nghiệp) đạt 122.275 tỷ đồng, tăng 8%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Trong năm nay, Eximbank được Ngân hàng Nhà nước cho phép tăng trưởng tín dụng tối đa là 9%. Tuy nhiên, ngân hàng cho biết nếu kinh doanh thuận lợi, ban lãnh đạo sẽ xin phép Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng này.
Với các chỉ tiêu tài chính như trên, Eximbank đặt mục tiêu thu về 1.918 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và trước trích lập bổ sung dự phòng tất toán trái phiếu VAMC, tăng gần 10% so với năm liền trước.
Tính đến cuối năm 2019, Eximbank còn 1.380 tỷ lợi nhuận chưa phân phối. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, Eximbank thuộc nhóm tổ chức tín dụng được chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt nên sẽ không được chia cổ tức để tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt đã gia hạn được thanh toán hết.
Vì vậy, hội đồng quản trị cũng trình cổ đông kế hoạch không chia cổ tức cho năm tài chính 2019.
Về kế hoạch nhân sự ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2020-2025, Eximbank dự kiến trình cổ đông phê duyệt 11 thành viên trong hội đồng quản trị, với 2 thành viên độc lập.