Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 để trình cổ đông thông qua các kế hoạch kinh doanh trong năm nay.
Kinh doanh ảnh hưởng vì biến động giá dầu
Trong kế hoạch đưa ra, nhà phân phối xăng dầu lớn nhất Việt Nam đặt chỉ tiêu sản lượng xuất bán hợp nhất toàn tập đoàn năm nay tương đương 83% năm liền trước, đạt 11,47 triệu m3, tấn.
Với doanh số tiêu thụ này, Petrolimex dự kiến ghi nhận 122.000 tỷ đồng doanh thu, giảm 36% so với số thực thu trong năm 2019 trước đó.
Tỷ lệ này cũng tương đương mức giảm gần 68.000 tỷ doanh thu so với năm liền trước (gần 2,9 tỷ USD).
Nếu được cổ đông thông qua, đây sẽ là mức doanh thu thấp nhất trong hơn 10 năm kinh doanh gần nhất của nhà phân phối xăng dầu này. Trong 1 thập niên qua, năm Petrolimex ghi nhận doanh thu thấp nhất là 2016 với mức 123.127 tỷ đồng, vẫn cao hơn kế hoạch năm nay.
Cùng với doanh thu thấp kỷ lục, Petrolimex cũng trình cổ đông kế hoạch lợi nhuận giảm 72%, đạt 1.570 tỷ đồng.
Ban lãnh đạo Petrolimex cũng nhấn mạnh các chỉ tiêu nêu trên được tính toán dựa trên kịch bản dịch Covid-19 được khống chế cuối quý II và giá thành phẩm các mặt hàng xăng dầu 6 tháng cuối năm được dự báo ở mức 42 USD/thùng với xăng; Do 47 USD/thùng; Ko 44 USD/thùng; Fo 250 USD/tấn.
Theo đánh giá từ lãnh đạo doanh nghiệp, trong các tháng đầu năm, giá dầu thô và xăng dầu liên tục biến động bất thường với đà giảm sâu, tỷ lệ giảm mạnh đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của tập đoàn.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do sự bùng phát của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ dầu sụt giảm mạnh; việc dư thừa nguồn cung dầu mỏ dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử giá dầu thô WTI giao dịch xuống mức âm -37.63 USD/thùng vào ngày 20/4 đối với hợp đồng kỳ hạn kết thúc vào tháng 5; và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến thương mại toàn cầu bị suy giảm…
Ngoài ra, thị trường xăng dầu trong nước sẽ tiếp tục được vận hành theo Nghị định 83/2014 với mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Nguồn cung đi vào ổn định sẽ tác động mạnh đến thị trường xăng dầu trong nước và 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu của Petrolimex ở nước ngoài là PLS và PLL.
Sáp nhập PGBank vào HDBank trong năm 2020
Ngoài kế hoạch kinh doanh nói trên, trong năm 2020, HĐQT Petrolimex dự kiến cũng xây dựng phương án, lộ trình báo cáo chủ sở hữu phê duyệt thực hiện giảm vốn Nhà nước xuống 51%; giảm tỷ lệ vốn sở hữu tại Pjico xuống 35,1%; thực hiện sáp nhập thành công PGBank vào HDBank; triển khai thực hiện kế hoạch thoái vốn đối với các khoản đầu tư ngoài ngành của tập đoàn và các đơn vị thành viên...
Trong năm 2019 trước đó, Petrolimex ghi nhận 3.139 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến trình cổ đông kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 30%.
Liên quan đến nhân sự cấp cao của tập đoàn, HĐQT Petrolimex sẽ thông qua miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Yoshihiro Sato.
Thay vào đó, HĐQT sẽ thông qua đề cử ông Toshiya Nakahara vào vị trí thành viên HĐQT Petrolimex. Ông Toshiya Nakahara hiện là Phó chủ tịch cấp cao của JX Nippon Oil & Energy Corporation, cổ đông lớn nắm giữ 8,84% vốn Petrolimex thông qua Công ty TNHH Tư vấn và Holdings JX Nippon Oil & Energy Việt Nam.
Hiện Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn là cổ đông lớn nhất của Petrolimex với 83,85% vốn nắm giữ.