Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 26/10 nói rằng ông hy vọng các cuộc tấn công mới nhất của Israel vào Iran sẽ đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ leo thang kéo dài nhiều tháng, trong khi chính quyền của ông tăng cường nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn cho Gaza và Lebanon.
"Tôi hy vọng đây là hồi kết", người đứng đầu Nhà Trắng nói với các phóng viên.
Các đợt không kích với máy bay phản lực chiến đấu và máy bay không người lái của Israel nhằm vào các địa điểm quân sự trên khắp Iran trong một loạt cuộc tấn công kéo dài nhiều giờ vào rạng sáng 26/10, đánh dấu lần đầu tiên Israel công khai tấn công trực diện Iran sau nhiều thập kỷ chiến tranh ngầm.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công đã có sự kiềm chế đủ để các quan chức Iran hạ thấp quy mô và hiệu quả của nó và và thậm chí những người theo đường lối cứng rắn của Israel còn chỉ trích chính phủ đã quá nương tay. Quân đội Israel lẽ ra "phải buộc họ trả giá cao hơn", lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid cho biết trong một bài đăng trên X sau khi vụ tấn công kết thúc.
Trong nhiều tuần trước đó, Mỹ đã cảnh báo công khai Israel không được tấn công cơ sở hạ tầng dầu mỏ hoặc các địa điểm liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran vì lo ngại sẽ gây ra một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn.
Cuộc tấn công hôm 26/10 tập trung vào phòng không, các địa điểm radar và các cơ sở sản xuất tên lửa tầm xa.
Truyền thông Iran đưa tin 4 binh sĩ đã thiệt mạng. Để thể hiện sự tự tin về mặt quân sự, một phát ngôn viên của Israel đã thông báo về cuộc tấn công ngay trong lúc đang diễn ra.
Tổng thống Biden cho biết Israel đã thông tin trước (cho Mỹ) về đợt tấn công và có vẻ như "họ không tấn công vào bất cứ thứ gì ngoài các mục tiêu quân sự". Chính quyền của Tổng thống Biden đang thúc đẩy khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Gaza bị đình trệ bởi nhiều tháng leo thang căng thẳng giữa Iran và Israel.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đánh giá cùng các lãnh đạo an ninh sau khi IDF không kích vào Iran vào sáng sớm thứ bảy. Ảnh: Israel Mod/ZUMA Press Wire/REX/Shutterstock. |
Trong một tuyên bố vào tối 26/10, quân đội Iran cho biết sẽ ưu tiên một thỏa thuận chấm dứt giao tranh ở Gaza và Lebanon hơn bất kỳ hành động trả đũa nào chống lại Israel, cho thấy ít nhất một số bộ phận của chính phủ Iran muốn tránh leo thang hơn nữa.
Bộ ngoại giao Iran cho biết nước này có quyền tự vệ sau cuộc tấn công hôm 26/10. Tuyên bố của bộ này cho thấy các cơ sở radar của Iran bị hư hại nhưng một số đã được sửa chữa. Cũng theo đó, Israel đã sử dụng cái gọi là tên lửa "tầm xa" qua không phận Iraq để tấn công. Những tên lửa này có đầu đạn nhẹ hơn để bay đến các mục tiêu bên trong Iran. Tuy nhiên, quân đội Israel đã cảnh báo Iran không đáp trả ngay sau khi kết thúc cuộc tấn công. "Nếu họ phạm sai lầm khi bắt đầu một vòng leo thang mới, chúng tôi sẽ có nghĩa vụ phải đáp trả", người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari tuyên bố.
Nhiều lãnh đạo quốc tế đã kêu gọi kiềm chế sau cuộc tấn công, bao gồm cả lời kêu gọi từ người đứng đầu Liên Hợp Quốc António Guterres, nói rằng ông "vô cùng lo ngại" và kêu gọi tất cả các bên lùi bước trước các hành động quân sự tiếp theo.
Liên minh châu Âu, Nga, các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập và các bộ trưởng tài chính G7 cùng thống đốc Ngân hàng trung ương cũng cảnh báo về việc leo thang hơn nữa. Tuy nhiên, những lời kêu gọi tương tự suốt nhiều tháng qua đã không có nhiều tác động trên thực tế.
Những người theo đường lối diều hâu ở cả Israel và Iran đang thúc đẩy một cách tiếp cận quyết liệt hơn và kéo theo đó là rủi ro tính toán sai lầm cũng cao hơn rất nhiều so với vài tháng trước.
Một số nhân vật chính trị và an ninh Israel mô tả thời điểm này là cơ hội nghìn năm có một để tấn công Iran khi các đồng minh của nước này đang hỗn loạn và hệ thống phòng thủ đã bị ảnh hưởng từ các đợt không kích. Bộ trưởng an ninh quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir nói rằng cuộc tấn công hôm 26/10 là "đòn mở màn" và các cuộc tấn công vào các tài sản chiến lược của Iran "phải là bước tiếp theo", tờ Haaretz đưa tin.
"Chúng ta có nhiệm vụ lịch sử là loại bỏ mối đe dọa từ Iran với Israel", ông nói trong một tuyên bố.
Những bình luận như vậy làm dấy lên nỗi lo ngại ở Tehran rằng Israel có thể theo đuổi chiến thuật giống như với Hezbollah ở Lebanon, nơi các cuộc không kích leo thang cuối cùng đã mở đường cho một chiến dịch trên bộ.
"Rủi ro lớn nhất hiện nay là khi thấy khả năng răn đe khu vực của mình bị tàn phá và khả năng răn đe thông thường tỏ ra không đủ, Iran có thể chọn cách răn đe tối thượng: vượt qua ranh giới để tiến tới vũ khí hóa chương trình hạt nhân của mình", Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Crisis Group, nhận định.
Nhiều tiếng nổ lớn vang lên ở thủ đô Tehran, Iran, và các khu vực lân cận vào sáng 26/10. Ảnh: Guardian. |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thận trọng hơn trước những cảnh báo liên tục từ Washington về nguy cơ leo thang. Israel đang dựa vào hệ thống tên lửa của Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Iran và sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công trong các cuộc chiến ở Gaza và Lebanon.
Cuộc giao tranh trực tiếp bắt đầu vào đầu tháng 4 khi Israel tấn công một khu liên hợp ngoại giao của Iran tại thủ đô Damascus (Syria). Iran đã đáp trả bằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa trực tiếp đầu tiên vào Israel, sau đó Israel đã trả đũa bằng một cuộc tấn công "hạn chế". Vào tháng 7, Israel đã ám sát nhà lãnh đạo chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh tại Tehran, và vào tháng 9 họ ám sát ông Hassan Nasrallah, người đứng đầu Hezbollah tại Beirut.
Vào tháng 10, Iran đã bắn 200 tên lửa đạn đạo vào Israel, tuyên bố rằng đây là động thái đáp trả những vụ ám sát đó.
Các đồng minh và giới phân tích cho biết cả hai bên đều muốn tránh chiến tranh toàn diện, và đã điều chỉnh từng đợt tấn công cho phù hợp. Nhưng nhìn chung, các cuộc tấn công đã đẩy khu vực này vào một cuộc đối đầu ở mức độ rủi ro cao chưa từng có.
Chuyên gia Vaez nhận định: "Họ đang ở trong một giai đoạn hoàn toàn mới, nơi các lắn ranh đỏ cũ đã phai thành màu hồng và các lắn ranh đỏ mới còn mơ hồ".
"Nếu cuộc chiến ở Gaza và Lebanon tiếp diễn, Iran và Israel chắc chắn sẽ lại tiến tới bờ vực đụng độ, tiến gần hơn nhiều đến bờ vực của một cuộc chiến tranh toàn diện".
Câu hỏi "ai sẽ lãnh đạo nước Mỹ từ năm tới" đang nổi lên trong cuộc đối đầu giữa Iran và Israel, khi cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn hơn một tuần nữa. Ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump, một người từ lâu theo đường lối cứng rắn với Iran, đã nói với người dẫn chương trình podcast Joe Rogan hôm 26/10 rằng nếu chính phủ Israel "nghe lời ông Biden", thì họ sẽ "chờ bom rơi xuống đầu ngay bây giờ". Tuy vậy, ngay cả khi bà Kamala Harris không thắng cứ, ông Biden vẫn sẽ còn hai tháng nắm quyền và không có cuộc bầu cử nào đang đến gần, có thể sẽ giúp ông tự do hơn để gây sức ép buộc Israel chấm dứt các cuộc chiến tranh trên nhiều mặt trận.
Vào đêm 26/10, một vụ nổ được ghi nhận ở Beirut, thủ đô của Lebanon, sau khi quân đội Israel cảnh báo sơ tán các tòa nhà cụ thể ở vùng ngoại ô phía nam.
Người phát ngôn tiếng Ả Rập của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Avichay Adraee đã đăng bản đồ ba tòa nhà ở khu vực Burj al-Barajneh và Hadath ở vùng ngoại ô phía nam Beirut, cảnh báo người dân phải sơ tán khỏi các tòa nhà và khu vực này ngay lập tức.
Cơ quan Thông tấn Quốc gia chính thức của Lebanon cho biết ngay sau nửa đêm rằng Israel đã "nhắm mục tiêu vào vùng ngoại ô phía nam của Beirut", nhưng không nêu chi tiết.
Sau nhiều tháng hy vọng liên tục bị dập tắt, các nhà ngoại giao của Tổng thống Biden đã một lần nữa nỗ lực làm trung gian cho thỏa thuận ngừng bắn và thả con tin cho Gaza, nơi quân đội Israel đang theo đuổi một chiến dịch trên bộ dữ dội ở phía bắc của vùng đất này.
Hôm 26/10, quân đội Israel rút khỏi Bệnh viện Kamal Adwan ở Jabalia - nơi họ đã tấn công một ngày trước đó - nhưng vẫn giam giữ nhiều nhân viên y tế. Quyền giám đốc nhân đạo của Liên Hợp Quốc Joyce Msuya kêu gọi dừng ngay lập tức hoạt động quân sự, các cuộc tấn công vào các cơ sở y tế và các vụ giam giữ hàng loạt tại đó. Bà cho biết "toàn bộ dân số ở phía bắc Gaza đang có nguy cơ tử vong".
Nhiều người Palestine lo ngại rằng các cuộc tấn công của Israel và việc thắt chặt vòng vây khu vực này nhằm mục đích buộc 400.000 người vẫn đang sống ở Thành phố Gaza và các thị trấn xung quanh phải chạy trốn.
Chiến thuật "đầu hàng hoặc chết đói" vạch ra trong một đề xuất gọi là "kế hoạch của các tướng lĩnh", được trình lên chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tháng trước. Các chuyên gia cho biết những chiến thuật như vậy không khác gì tội ác chiến tranh.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...