Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP. |
Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc sẽ tới thành phố Manila để dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (APEC), một sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy tự do thương mại trong khu vực.
Song cuộc tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc, bao gồm việc Trung Quốc bồi đưaps các đảo nhân tạo trong Biển Đông, đang tác động tới hội nghị năm nay, AFP đưa tin.
Chủ nghĩa khủng bố toàn cầu cũng sẽ là một chủ đề nóng hổi sau khi các tay súng thảm sát 129 người trong hàng loạt vụ tấn công tại Paris hôm 13/11.
Giới chức Philippines đã thực hiện hoạt động an ninh lớn nhất để chuẩn bị cho hội nghị, sự kiện mà các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương sẽ tham dự hôm 18 và 19/11. Nhưng sau những vụ thảm sát ở Paris, họ cam kết rằng họ sẽ tăng cường an ninh hơn nữa.
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố họ muốn hội nghị chỉ tập trung vào mậu dịch, các vụ tấn công tại Pháp và sự chú ý của Mỹ đối với Biển Đông khiến nguyện vọng của Bắc Kinh trở nên không thực tế, Curtis S. Chin, cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận định.
“Bạn không thể tách các vấn đề kinh tế và phi kinh tế trong thể giới phụ thuộc lẫn nhau ngày nay. Thực tế đó đúng trong cuộc chiến chống IS cũng như trong nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc”, Chin, hiện là nhà nghiên cứu của Viện Milken, nói với AFP.
Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, xác nhận tranh chấp Biển Đông sẽ là “vấn đề trọng tâm” trong chuyến công du Philippines 3 ngày của Obama (bắt đầu từ hôm 17/11) và cả chuyến công du tới Malaysia ngay sau đó để dự một hội nghị thượng đỉnh khu vực khác.
Rice cũng nhấn mạnh rằng Obama sẽ nêu những vấn đề “an ninh hàng hải” và “tự do hàng hải” – những thuật ngữ giới chức Mỹ thường sử dụng khi đề cập tới tranh chấp Biển Đông – trong các cuộc thảo luận.
Ban đầu Philippines cam kết họ sẽ tôn trọng yêu cầu của Trung Quốc. Nhưng trong cuộc họp báo hôm 13/11, ông Charles Jose, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Philippines, nói khá nhiều về những hành động của Trung Quốc trên biển. Jose cũng nói rằng, mặc dù tranh chấp Biển Đông không thuộc chương trình nghị sự chính thức, các nhà lãnh đạo có thể thảo luận vấn đề đó trong tiệc chiêu đãi – một trong những sự kiện quan trọng của hội nghị. Các quan chức có thể thảo luận các vấn đề một cách không chính thức trong tiệc chiêu đãi.