Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh pháo đài bay B-52 áp sát đảo phi pháp Trung Quốc

Cất cánh lần đầu năm 1952, những chiếc B-52 còn có biệt danh “pháo đài bay” nhờ lượng vũ khí lớn nó mang theo tới 35 tấn.

Lầu Năm Góc vừa điều máy bay ném bom chiến lược tầm xa B-52 lướt qua các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông nhằm phủ nhận yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh. Boeing B-52 Stratofortress là mẫu máy bay ném bom chiến lược tầm xa, hoạt động với vận tốc cận âm của không quân Mỹ. Nó rất khó bị bắn hạ trong tác chiến.

Kế hoạch phát triển mẫu máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới được ký kết tháng 6/1946. Tới tháng 2/1955, mẫu phi cơ này chính thức được giới thiệu với công chúng. Ngoài khả năng ném bom thông thường, B-52 còn được thiết kế để ném bom hạt nhân chiến lược vào các mục tiêu nằm sâu bên trong lòng đối phương. Nó là vũ khí lợi hại trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Không quân Mỹ có 8 mẫu B-52 được phân biệt bằng các số đuôi được chia từ A đến H. Chúng được sản xuất trong giai đoạn 1954 tới 1963 với tổng cộng 742 chiếc xuất xưởng. Mẫu B-52G được sản xuất nhiều nhất với 193 chiếc nhưng B-52H là mẫu tối tân nhất với hàng loạt cải tiến trong quá trình sản xuất và sử dụng.

Mỗi chiếc B-52H dài 48,5 m, sải cánh 56,4 m và cao 12,4 m. Chúng được trang bị 8 động cơ phản lực đẩy, chia thành 4 cụm nằm đều trên 2 cánh. Mỗi động cơ này tạo ra lực đẩy gần 8.000 kg, giúp máy bay có thể cất cánh với tải trọng tối đa 220 tấn và hoạt động vận tốc cận âm 1.047 km/h. Số nhiên liệu máy bay mang theo đạt 181.610 lít.

Phi hành đoàn trên những chiếc B-52H gồm 5 người, bao gồm phi công, chuyên gia vũ khí, hoa tiêu và chuyên gia chiến tranh điện tử. Trên máy bay không có xạ thủ vì súng phòng không gắn ở đuôi máy bay bị gỡ bỏ hoàn toàn năm 1991. Mỗi chiếc B-52 có trần bay 15.000 m cùng phạm vi hoạt động 16.200 km. Cần tiếp nhiên liệu trên không giúp tăng phạm vi hoạt động của những chiếc B-52.


Vũ khí chủ lực trên B-52 là bom, tên lửa. Khoang chứa trong thân cho phép nó mang nhiều loại bom có và không có điều khiển, bao gồm cả bom hạt nhân chiến thuật và chiến lược. Tên lửa và máy bay không người lái được đặt trên các giá treo dưới cánh. Hệ thống tác chiến điện tử hạn chế máy bay bị đối phương phát hiện và tiêu diệt. Tuy nhiên, B-52 thường được phi đội tiêm kích hộ tống trong các nhiệm vụ chiến đấu.

Kể từ khi ra đời, B-52 tham gia nhiều cuộc chiến của Mỹ, trong đó có cả chiến dịch ném bom phá hoại miền bắc Việt Nam hay chiến tranh Vùng Vịnh. Tuy nhiên, bầu trời Việt Nam là nơi duy nhất pháo đài bay được mệnh danh là bất khả xâm phạm của Mỹ bị bắn rơi. Khắc tinh của B-52 là tên lửa phòng không SAM và tiêm kích phản lực MiG-21 của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, B-52 không phải máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất của Mỹ. Những chiếc B-2 Spirit đã soán ngôi của pháo đài bay. Tuy nhiên, B-52 vẫn được không quân Mỹ sử dụng vì vài trò chưa thể thay thế của chúng. Hàng loạt cải tiến được áp dụng để giúp B-52 có thể đáp ứng được yêu cầu tác chiến trong giai đoạn mới.

Đầu năm 2015, Mỹ chính thức hồi sinh một chiếc B-52 mang biệt danh “ma tốc độ” sau nhiều năm bị vứt bỏ tại nghĩa địa máy bay quân sự Tucson, bang Arizona. Quá trình phục hồi và cải tiến máy bay kéo dài từ năm 2008 đến đầu năm 2015, giúp pháo đài bay 53 tuổi tiếp tục tung cánh trên bầu trời. Đây là một trong 76 chiếc B-52 đang hoạt động của Không quân Mỹ.

Nếu so với các mẫu máy bay ném bom chiến lược tàng hình của Mỹ như B-1 Lancer và B-2 Spirit, chi phí bảo trì và hoạt động của B-52 thấp hơn nhưng hiệu quả không thua kém. Dù chưa thể xác định thời gian B-52 tiếp tục góp mặt trong biên chế chiến đấu của quân đội Mỹ nhưng “pháo đài bay” sẽ không bị loại khỏi biên chế chiến đấu trước năm 2040.




Hồng Duy

Ảnh: USAF

Bạn có thể quan tâm