Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Obama cuối cùng cũng xứng đáng với giải Nobel Hòa bình

Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Cuba không chỉ mở ra một thời đại mới giữa hai nước, mà còn cho thấy giải Nobel Hòa bình 2009 đã được trao đúng người.

Ảnh Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên ngoài một cửa hàng ở La Havana Ảnh: Reuters

Ông Obama là tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm chính thức Cuba kể từ năm 1928. Sau gần 90 năm và một cuộc Chiến tranh Lạnh, cuối cùng hai quốc gia láng giềng, chỉ cách nhau vỏn vẹn 145 km, cũng đã có cơ hội dẹp bỏ quá khứ thù địch để cùng chung sống hòa bình và hợp tác, cùng phát triển. Chuyến thăm của ông Obama đánh dấu chấm hết đối với chính sách chống Cuba suốt 50 năm của Washington.

Kể từ cuộc cách mạng Cuba do nhà lãnh đạo Fidel Castro phát động, 9 tổng thống Mỹ đã lên nắm quyền trước khi ông Obama bước vào Nhà Trắng. Đó là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy các biện pháp cô lập chính trị và kinh tế của Mỹ đối với Cuba hoàn toàn vô hiệu quả, thậm chí gây tác dụng ngược, khiến Washington đánh mất ảnh hưởng ở Mỹ Latin. Bởi các quốc gia khu vực coi chúng là biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Bỏ lại sự ngạo mạn

Washington đã làm tất cả để lật đổ chính quyền Cuba, từ vòng vây thép siết cổ nền kinh tế Cuba, chiến dịch Vịnh Con Lợn năm 1961 cho đến các âm mưu ám sát của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) với mục tiêu là nhà lãnh đạo Fidel Castro. Nhưng chính quyền Cuba vẫn đứng vững. Và chỉ có người dân Cuba chịu thiệt hại vì đòn trừng phạt, kiềm tỏa kinh tế - thương mại của Mỹ. Và chính nền kinh tế Mỹ cũng tổn thất nhiều tỷ USD.

Khi tranh cử vào Nhà Trắng năm 2008, ông Obama khẳng định đã đến lúc Mỹ phải lập một liên minh mới ở châu Mỹ. “Đã đến lúc phải lật sang một trang mới, bỏ lại phía sau sự ngạo mạn của Washington và chủ nghĩa chống Mỹ trong khu vực đã làm cản đường tiến bộ” -  ông Obama nhấn mạnh khi đó. Và đã nói là làm, ông đã thực hiện được lời cam kết của mình.

Có thể nói quan hệ thù địch giữa Mỹ và Cuba là một trong những di chứng cuối cùng còn sót lại của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Và với các nỗ lực khôi phục quan hệ Mỹ - Cuba bất chấp sự phản đối dữ dội của đảng Cộng hòa và một bộ phận dư luận, ông Obama sẽ được lịch sử ghi nhận là vị tổng thống Mỹ đã chấm dứt Chiến tranh Lạnh ở Mỹ Latin.

Hồi năm 2009, ông Obama được trao giải Nobel Hòa bình chỉ chưa đầy 9 tháng sau khi nhậm chức. Cả thế giới ngỡ ngàng với sự lựa chọn của Ủy ban Nobel Na Uy, bởi khi đó vị tổng thống Mỹ chưa làm được bất cứ điều gì cụ thể để xứng đáng với vinh dự đó. Ủy ban Nobel Na Uy cho biết lý do ông Obama đoạt giải là “vì những nỗ lực phi thường của ông ấy nhằm tăng cường sức mạnh ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc”.

Có nhiều tranh cãi về những “di sản” mà ông Obama sẽ để lại sau khi rời Nhà Trắng, đặc biệt là một khu vực Trung Đông đang đầy hỗn loạn. Tuy nhiên, lời giải thích của Ủy ban Nobel Na Uy cho thấy rõ rằng họ không tưởng thưởng cho Obama vì ông có thể giải cứu thế giới. Yếu tố quan trọng nhất chính là xây dựng hòa bình bằng “ngoại giao và hợp tác quốc tế”.

Obama xung dang voi giai Nobel Hoa binh anh 1
Tổng thống Mỹ Barack Obama lên máy bay Air Force One để tới Cuba Ảnh: Reuters

Những di sản lớn

Thỏa thuận hạt nhân Iran chính là một thành công sáng chói của ngoại giao đa phương. Hai đối tượng chính của thỏa thuận này là Washington và Tehran, nhưng 5 cường quốc khác với những toan tính và lợi ích riêng cũng tham gia vào các cuộc đàm phán căng thẳng và dài dằng dẵng. Để cả Iran, Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Anh và Mỹ cùng đạt sự đồng thuận về việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân để được xóa bỏ cấm vận là một kiệt tác ngoại giao.

Cuba cũng là một điểm sáng ngoại giao tương tự. Ở Mỹ, những người phản đối việc nối lại quan hệ với Cuba cho rằng ông Obama “tưởng thưởng” cho chính quyền Havana vốn bị các đời chính phủ Washington xem là độc tài. Sự khác biệt về ý thức hệ và tư tưởng chắc chắn sẽ tiếp tục tồn tại, nhưng những nỗ lực của Obama và đội ngũ của ông sẽ đem lại những lợi ích cụ thể và thiết thực cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Vị thế của Mỹ tại Mỹ Latin vì thế cũng sẽ được cải thiện đáng kể.

Rất nhiều người chê Obama là một tổng thống yếu đuối trong nhiều vấn đề quốc tế trọng yếu như xung đột Syria, quan hệ với Nga hay an ninh Biển Đông. Tuy nhiên, thỏa thuận hạt nhân Iran, việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba hay các thành tựu khác như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những di sản mà ông Obama có thể tự hào.

Và các thành viên Ủy ban Nobel Na Uy chắc hẳn cũng thở phào nhẹ nhõm, vì sau 7 năm, quyết định gây tranh cãi, bị xem là “quá vội vã” và “không xứng đáng” hồi năm 2009 của họ cuối cùng cũng được chứng minh là hợp lý.

Tổng thống Mỹ bắt đầu chuyến thăm lịch sử tới Cuba

Ông Obama vừa tới Havana trong chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Mỹ sau 88 năm. Ông đến thăm Đại sứ quán Mỹ mới mở cửa và sẽ hội đàm với Chủ tịch Cuba Raul Castro.

Mỹ dỡ bỏ thêm nhiều hạn chế với Cuba

Trước chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Cuba, Mỹ đã dỡ bỏ thêm nhiều hạn chế đối với Cuba, nới lỏng việc đi lại và cho phép người Cuba tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ sâu hơn.


Hiếu Trung

Bạn có thể quan tâm