Với nền chính trị phân cực ở Mỹ hiện tại, các chính trị gia gần như không thể đạt được đồng thuận. BBC nhận định rất khó để tìm thấy được sự hợp tác lưỡng đảng.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà gần như mọi người đều đồng quan điểm, đó chính là giá trị của Hiệp ước Thứ sáu Tuần Thánh (hay Ngày thứ sáu tốt lành), vốn giúp chấm dứt 30 năm bạo lực chết người ở Bắc Ireland.
Chính thỏa thuận đó cũng được coi là một tấm gương sáng về những gì có thể đạt được qua đường lối ngoại giao kiên quyết và quá trình đàm phán kỹ lưỡng.
Chuyến công du có nhiều mục đích
Các chính trị gia Washington rất tự hào về vai trò của Mỹ trong việc đảm bảo hòa bình. Tổng thống Biden coi GFA là một phần di sản chính trị của ông và có thể khẳng định công lao của bản thân vì đã khuyến khích Mỹ tham gia vào tiến trình hòa bình trong suốt những năm 1980 và 1990.
Việc bảo vệ GFA và nền hòa bình tương đối mà nó mang đến là ưu tiên hàng đầu của chính quyền ông Biden. Tuy nhiên, nhiều lo ngại sâu sắc đã dấy lên về việc Brexit có thể ảnh hưởng đến thỏa thuận này như thế nào.
Tổng thống Biden sẽ thăm Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland để kỷ niệm 25 năm thỏa thuận GFA ở Belfast, cũng như tổ chức một loạt cuộc họp chính trị. Ông Biden dự kiến đến Bắc Ireland vào tối 11/4.
Vài tuần trước, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã chính thức mời ông Biden đến Bắc Ireland để đánh dấu kỷ niệm của GFA - thỏa thuận hòa bình mà Mỹ là trung gian.
Theo Conversation, Vương quốc Anh còn nhiều việc phải làm để hàn gắn mối quan hệ với Mỹ sau thời Trump - Johnson, đặc biệt nếu họ theo đuổi một thỏa thuận thương mại mà họ muốn với Mỹ. Điều đó đã bị cản trở một phần do những lo ngại của Mỹ về sự an toàn của thỏa thuận GFA hậu Brexit.
Chuyến thăm này của tổng thống Mỹ sẽ không diễn ra nếu thỏa thuận Khuôn khổ Windsor không được thiết lập để giải quyết các vấn đề về thương mại giữa Vương quốc Anh, Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland. Tương lai của bất kỳ thỏa thuận thương mại tự do nào giữa Anh và Mỹ cũng phụ thuộc vào việc tiếp tục duy trì GFA.
Tại Belfast, Tổng thống Biden sẽ nói về cách Mỹ có thể giúp hỗ trợ "tiềm năng kinh tế to lớn của Bắc Ireland".
Trong khi đó, tại thủ đô Dublin, ông dự kiến phát biểu trước Quốc hội Ireland và nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai quốc gia. Ông cũng sẽ có chuyến đi cá nhân tới quận Louth và quận Mayo để thăm lại cội nguồn gia đình của mình.
Sự chào đón nồng nhiệt
Một số con đường ở trung tâm thành phố Belfast đã bị cấm phương tiện vào ngày 10/4 và sẽ không mở trở lại cho đến khi ông Biden rời Bắc Ireland.
Chuyến thăm của ông diễn ra trong bối cảnh cơ quan tình báo MI5 của Anh ngày 28/3 nâng mức độ đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong nước đối với Bắc Ireland lên “nghiêm trọng”.
Trong quá khứ, nhiều tổng thống Mỹ cũng yêu thích các chuyến công du tới Ireland. Ông Bill Clinton từng được đám đông chào đón nồng nhiệt vào năm 1995, khi ông trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đến thăm Bắc Ireland cũng như Cộng hòa Ireland.
Tờ New York Times từng nhận định "người Ireland đã mang đến cho ông Bill Clinton hai ngày tuyệt vời nhất trong nhiệm kỳ tổng thống".
65 năm trước, cựu Tổng thống John F Kennedy đã mô tả chuyến đi Ireland năm 1963 là bốn ngày tuyệt vời nhất trong cuộc đời ông.
Kể từ đó, các đời tổng thống Nixon, Reagan, George Bush, Obama và Trump đều đã thực hiện các chuyến thăm đến “đảo Ngọc Lục Bảo” Ireland. Sự chào đón nồng nhiệt của người dân nơi đây đối với các chuyến thăm của những tổng thống Mỹ có thể khiến nhiều quốc gia châu Âu khác phải cảm thấy ghen tị.
Trong khi đó, ông Joe Biden cũng rất đỗi tự hào về nguồn gốc Ireland và thường xuyên đề cập đến điều đó.
Cộng đồng người Ireland hải ngoại ở Mỹ không còn có ảnh hưởng quá lớn đối với nền chính trị như trước đây. Tuy nhiên, với 30 triệu người Mỹ có nguồn gốc từ Ireland - tức là khoảng 1/10 dân số hiện tại - một tổng thống Mỹ cũng sẽ không gặp phải vấn đề nào khi thừa nhận mối liên hệ Celtic của mình.
Với 10 trong số 16 vị tổ tiên đến từ Ireland, ông Joe Biden là một trong những tổng thống Mỹ “có nguồn gốc Ireland nhất” trong lịch sử Mỹ.
Ông Edward Blewitt, từng là một kỹ sư và thợ làm gạch, đã rời thị trấn Ballina (Mayo) ở bờ biển phía tây vào năm 1850. Ông quyết định đến Scranton ở Pennsylvania (Mỹ) do nạn đói tàn khốc trên diện rộng ở Ireland khi đó.
Tuần này, Tổng thống Biden - chắt của ông - sẽ được chào đón khi quay trở lại Ireland, với một bức tường có khuôn mặt của chính mình ở quảng trường thị trấn.
Trên bờ biển phía đông Ireland, thị trấn nhỏ Carlingford ở Louth cũng đang mong đợi một chuyến thăm từ ông Biden. Chính từ đây, Owen Finnegan, ông cố nội của Tổng thống Biden, đã rời đi vào cuối những năm 1840.
Ngày nay, người dân của bán đảo Cooley đang mong đợi việc xây dựng một cây cầu bắc qua Carlingford Lough sẽ cải thiện các mối liên kết kinh tế bằng cách kết nối họ với Bắc Ireland. Người dân địa phương muốn cây cầu đó được đặt tên là "cầu Biden".
Theo BBC, việc nhận được sự chào đón nồng nhiệt như vậy ở bất cứ đâu trên nước Mỹ chỉ có thể là giấc mơ của Tổng thống Biden.
Những cuốn sách hay về châu Âu
Zing giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.
Anh nâng mức cảnh báo khủng bố với Bắc Ireland
Cơ quan tình báo MI5 của Anh ngày 28/3 nâng mức độ đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố trong nước đối với Bắc Ireland lên “nghiêm trọng”.
Anh và EU đạt thỏa thuận đột phá
Anh và Liên minh Châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận để giải quyết vấn đề thương mại tại Bắc Ireland hậu Brexit.
Ông Trump tới Washington, chuẩn bị cho lễ nhậm chức
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã tới khu vực Washington vào tối 18/1 (giờ địa phương) và tổ chức tiệc mừng tại bang Virginia trước lễ nhậm chức diễn ra vào ngày 20/1.