Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

The Poem

Ở giữa cây và nền trời

Thi Hoàng là thi nhân đất Cảng (Hải Phòng). Anh làm thơ từ sớm, nối tiếng với bài "Ở giữa cây và nền trời".

Dường như là chưa có buổi chiều nào

Xanh như buổi chiều nay, xanh ngút mắt

Cây cứ đứng với nền trời khao khát

Nâng chiếc mầm trên tận đỉnh cây cao.

***

Sau chiều nay ta phải tốt lên nhiều

Thiên nhiên ở với mình cao cả quá

Tiếng lá động ân cần như tiếng mẹ

Và vòm trời mong ngóng lại như cha

***

Đừng phút giây quên đối mặt quân thù

Đừng hờ hững với đời như bọt bể

Sắc diệp lục um tùm đang nói thế

Sắc trời xanh day dứt chẳng vô tình.

***

Trời thì xanh như rút ruột mà xanh

Cây thì biếc như vặn mình mà biếc

Mặt trời toả như trái tim nồng nhiệt

Trong cái chiều nhân nghĩa đến sâu xa.

***

Một tên người ai gọi cứ ngân nga…

Lời bình của TS Nguyễn Thanh Tâm

Bài thơ là sự thức nhận sâu xa của Thi Hoàng. Giữa cây và nền trời là một con người với những suy tư về sự cao cả, nhân từ của tự nhiên. Trời xanh, cây xanh, tiếng lá ân cần như tiếng mẹ, vòm trời bao dung rộng lượng như cha, Mặt Trời như trái tim nồng nhiệt… tất cả dường như vắt kiệt mình, hiến dâng cho sự sống. Vậy, có lẽ nào, giữa những niềm cao cả ấy, con người lại hờ hững, vô tình.

Nhiều người đọc nhớ tới hai câu thơ: "Trời cứ xanh như rút ruột mà xanh / Cây thì biếc như vặn mình mà biếc", bởi đó là hai câu thơ hay. Tuy nhiên, phải đặt vào cả bài, trong không khí chung của một sự thức nhận, chuyển biến, chúng ta mới thấy hết ý nghĩa của những động thái “rút ruột”, “vặn mình” kia.

Câu thơ cuối cùng: "Một tên người ai gọi cứ ngân nga…", theo tôi, là ý tưởng thú vị và đặt trong cấu trúc cũng độc đáo không kém. Chẳng phải tên người yêu hay ai đó đâu, mà là “con người” được gọi tên.

Thêm nữa, tiếng gọi con người cuối bài, vừa như thanh âm vang vọng, thức tỉnh; vừa như một sự ngước nhìn lên toàn cảnh cây xanh và trời rộng. Đó chẳng phải là cấu trúc thú vị trong một bài thơ đầy ý nghĩa sao?

Tiếng lửa

Nguyễn Việt Anh sinh năm 1982 tại Hà Nội. Đến nay, anh có 9 tập thơ. "Tiếng lửa" rút từ tập "Mắt chiều khép ánh hoàng hôn", tiêu biểu cho lối thơ lục bát của anh.

Thi Hoàng

Bạn có thể quan tâm