Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Nút thắt ở Bến xe Miền Đông mới đang chờ được gỡ

Nhiều doanh nghiệp vận tải cho rằng hiệu quả của Bến xe Miền Đông mới đang chưa cao so với quy mô dự kiến, ảnh hưởng đến doanh thu lẫn tình hình giao thông.

"Trung chuyển đến Bến xe Miền Đông mới khá bất tiện. Bình thường, tôi chỉ cần ra bến là có xe đi ngay. Bây giờ, tôi phải chờ đợi hàng giờ cho nhiều thủ tục", bà Trang Thị Tuyết (ngụ phường 5, quận Phú Nhuận, TP.HCM) tâm sự về lần đi xe khách ra Quảng Ngãi.

Dưới cái nắng chói chang, người phụ nữ ngồi dưới tán cây tránh nắng hơn một giờ. Bà Tuyết đến từ 10h để chờ chuyến xe buýt trung chuyển miễn phí qua bến mới. Tuy nhiên, đến 11h30, xe mới lăn bánh.

"Tôi không muốn bắt xe dù vì họ chạy khá nguy hiểm và tài xế trả khách giữa đường. Tuy nhiên, đi xe khách trong Bến xe Miền Đông lại tốn nhiều thời gian", người phụ nữ cho biết.

Bà Tuyết cũng như nhiều hành khách khác, trước đây họ thường đến Bến xe Miền Đông. Trước quyết định di dời các tuyến xe về bến mới, nhiều người mong chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý sẽ giải quyết được những bất cập còn tồn đọng.

Khó giữ chân hành khách

Để giải quyết nhu cầu đi lại, Bến xe Miền Đông tổ chức tuyến xe buýt trung chuyển miễn phí người dân ra bến mới và ngược lại. Ngoài ra, trong bến cũng có các tuyến buýt trợ giá, dao động ba mức: 7.000-10.000-20.000 đồng/lượt.

Theo bà Tuyết, các tuyến buýt này có điểm chưa hợp lý khi người dân phải vào bến cũ thì mới mua được vé. "Tôi mong có thêm nhiều xe buýt đi trên các tuyến đường lớn để đưa khách vào thẳng bến mới, đỡ mất công vào bến cũ", bà Tuyết nói.

Mỗi lần về quê, bà Tuyết dành nửa ngày để chờ xe. Người phụ nữ mong rằng ngoài phương án xe buýt, chủ đầu tư Bến xe Miền Đông có thể đưa ra nhiều loại hình trung chuyển khác, từ đó rút ngắn thời gian đến bến mới.

Ben xe Mien Dong moi anh 1

Xe buýt miễn phí trung chuyển khách giữa bến cũ và bến mới, thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Ảnh: Vân Trang.

Sau 2 năm vận hành, Bến xe Miền Đông mới được kỳ vọng hoạt động với hơn 500 tuyến, tương ứng đón 5.000-5.500 khách/ngày. Tuy nhiên, thực tế bến thống kê mỗi ngày hụt gần 300 chuyến so với khi còn ở địa điểm cũ. Nhiều đơn vị vận tải cho rằng hiệu quả của bến mới đang chưa cao so với quy mô dự kiến, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu.

Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành nhà xe Hoa Mai, chạy tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, cho biết công ty phải giảm còn 10 xe hoạt động ở bến mới, thay vì 30 xe khách như ngày trước.

Chuyến xe đi từ TP.HCM đến Vũng Tàu chỉ mất 2 giờ, trong khi bến mới xa, khó đi lại nên hành khách dễ bỏ chuyến, kiếm hình thức khác thuận tiện hơn. Ông Đào cho rằng dù nhà xe đã tổ chức thêm chuyến trung chuyển miễn phí, vẫn rất khó giữ chân hành khách.

Nhà xe giảm doanh thu

Đại diện nhà xe Thành Công cũng có chung nhận định. Người này cho rằng giao thông đến Bến xe Miền Đông mới chưa kết nối, khiến hành khách phải mất thêm nhiều thời gian di chuyển.

Bên cạnh đó, tình trạng xe dù bến cóc vẫn diễn ra, ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của doanh nghiệp. "Các nhà xe bị giảm doanh thu bởi hành khách có xu hướng chọn xe thuận tiện nhất, thay vì mất thêm thời gian trung chuyển. Các cơ quan chức năng đang vào cuộc giải quyết nạn xe dù bến cóc, nhưng cần làm quyết liệt hơn", đại diện nhà xe Thành Công nói.

Trao đổi với Zing, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô khách du lịch TP.HCM, đánh giá việc 300 chuyến xe khách bỏ bến cho thấy nhiều bất cập ở Bến xe Miền Đông mới.

Bến xe cung cấp các tuyến xe buýt trung chuyển, tuy nhiên vẫn chưa giải quyết được hết nhu cầu thực tế. Tuyến buýt còn thưa chuyến, chưa thực sự thuận tiện để thu hút hành khách.

Ben xe Mien Dong moi anh 2

Bến xe Miền Đông mới hụt gần 300 chuyến/ngày so với dự kiến. Ảnh: Vân Trang.

Ông Lê Trung Tính cho rằng muốn thu hút khách cho Bến xe Miền Đông mới, đơn vị quản lý cần giải quyết tốt hai vấn đề: Trung chuyển khách và dẹp tình trạng xe dù bến cóc.

Theo ông Tính, chủ đầu tư Bến xe Miền Đông cần làm tốt việc trung chuyển xuống bến mới để đảm bảo sự thuận tiện, chi phí tối ưu cho người dân. Ông lấy dẫn chứng khi muốn di chuyển xuống bến mới, nếu không đi xe buýt miễn phí, hành khách mất đến 100.000-200.000 đồng đi xe ôm, còn với taxi thì tốn 450.000-500.000 đồng.

"Không chỉ trung chuyển giữa hai Bến xe Miền Đông cũ và mới, chủ đầu tư cần quan tâm việc trung chuyển sang các bến khác như An Sương, Bến xe Miền Tây... Bến xe nên tăng các tuyến xe buýt chạy thường xuyên hơn. Ngoài ra, có thể cân nhắc tạo điểm trung chuyển nhỏ lẻ trong nội đô, từ đó giúp việc di chuyển xuống bến mới được nhanh nhất ", ông Tính đề xuất.

Ben xe Mien Dong moi anh 3

Vị trí Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Google Maps.

Những cuốn sách hay về TP.HCM

Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.

Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.

Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.

Xe dù bến cóc tấp nập ngoài Bến xe Miền Đông

Những điểm đón trả khách sai quy định xuất hiện nhiều nơi, xe tấp vào lề đường đột ngột gây ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông khác.

Lý do hành khách 'lơ' tuyến buýt miễn phí ra Bến xe Miền Đông mới

Bến xe Miền Đông bố trí 12 chuyến xe buýt mỗi ngày đưa đón khách miễn phí ra bến mới. Nhiều hành khách cho rằng tuyến buýt này còn khá ít chuyến, hạn chế thời gian đi lại.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm