"Giờ khách đón xe dọc đường, chứ ít người vào bến lắm", ông Nguyễn Văn Thành, tài xế chạy tuyến TP.HCM - Phan Thiết nói, chỉ vào những chiếc xe trống không ở Bến xe Miền Đông mới.
Khi nghe đến gần 300 chuyến xe "mất tích", ông Thành cho rằng một số hãng xe đã di dời sang bến xe khác hoặc đón ở nội đô để kéo khách. "Tôi làm theo hợp đồng, nên dù có vắng khách thì cũng chạy xe ở đây. Nhưng mấy hôm nay bến thưa người, nhiều xe đã chuyển ra ngoài", nam tài xế chia sẻ.
Sau hai năm vận hành, từ ngày 11/10, TP.HCM dời thêm 79 tuyến xe khách với khoảng 1.600 xe từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) sang Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức), nâng tổng số tuyến qua đây là hơn 100. Bến xe mới dự kiến hoạt động với hơn 500 chuyến, tương ứng đón 5.000-5.500 khách/ngày.
Tuy nhiên thực tế, chỉ có hơn 200 chuyến xe/ngày. Số chuyến thực tế giảm gần 300, trong đó những xe này chủ yếu chạy các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận, Bình Định, Lâm Đồng...
Những chuyến xe "mất tích"
Ghi nhận của Zing ngày 28/10 tại Bến xe Miền Đông mới, hành khách đi lại vẫn khá thưa thớt. Các quầy vé lác đác người, cao điểm có khoảng 5-7 lượt khách cùng mua vé. Nhiều khách chịu cảnh chờ đợi 1-2 giờ mới đến giờ lên xe.
Bên ngoài bãi đậu, lượng người lên xe không nhiều. Nhiều tài xế chỉ cần nhận 2-3 khách là xe đã chạy, tuy nhiên vẫn phải đợi hàng giờ đồng hồ mới đi được do quá vắng.
Ông Nguyễn Văn Thành cho biết xe chỉ đón được 1-2 khách/ngày, hôm nào đông thì nhận 3 người là cùng. Khách chủ yếu được trung chuyến từ bến xe cũ sang bến mới. Công ty cắt giảm số xe, số ít thì ở lại bến cũ đảm nhận việc trung chuyển.
Ông Thành cho rằng vắng khách là nguyên nhân chính khiến nhà xe khó duy trì hoạt động. "Khi trung chuyển ra bến mới, hành khách đi lại mất 30 phút, nhiều khi đã gần bằng thời gian về quê. Họ ái ngại, bắt luôn xe ở nội đô. Chưa kể có thông tin gần 300 chuyến 'mất tích', nhiều người sợ xuống đây không có xe đi", ông Thành chia sẻ thêm.
Hành khách đến Bến xe Miền Đông mới trong ngày 28/10. Ảnh: Vân Trang. |
Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành hãng xe Hoa Mai hoạt động trên tuyến TP.HCM - Vũng Tàu, cho biết công ty đã giảm nửa xe hoạt động ở Bến xe Miền Đông mới bởi không có khách.
"Khi hoạt động ở bến cũ, công ty có hơn 30 đầu xe nhưng khi qua bến mới, chỉ còn khoảng 10 chiếc. Có những chiếc dành để trung chuyển giữa hai bến, có xe phải cắt giảm vì vắng khách", ông Đào nói.
Ông Đào lấy dẫn chứng khi đi xe từ TP.HCM đến Vũng Tàu sẽ mất khoảng 2 giờ. Nhưng việc đi đến bến xe cũ, rồi trung chuyển xuống bến mới thì khách đã mất hơn 1 tiếng, quá nửa thời gian về quê. "Hành khách có tâm lý bắt xe ở thành phố luôn chứ rất ngại xuống bến xe mới, cách trung tâm gần 30 km. Vắng khách, công ty cũng đành phải cắt giảm xe", ông Đào thông tin thêm.
Trong khi đó, một số đơn vị vận tải đã chuyển địa điểm sang chỗ khác hoạt động. Trên website chính thức, nhà xe Minh Thông thông báo đăng ký 2 xe qua bến An Sương (quận 12). Nhà xe Tiến Thành chạy tuyến TP.HCM - Quảng Trị cũng công khai địa chỉ đón khách ở Bến xe Miền Đông và Bến xe An Sương.
Mòn mỏi chờ xe chạy
Thiếu vắng chuyến xe, nhiều người dân "đỏ mắt" tìm xe về quê. Người phụ nữ tên Hậu gọi điện cho con gái, thông báo sẽ trở về ở Vũng Tàu. Đến bến xe mới vào lúc 11h, nhưng tới hơn 12h30, bà mới có chuyến về quê.
Ban đầu, bà Hậu không biết thông tin nên vẫn đi đến Bến xe Miền Đông cũ. Đến nơi, biết được chuyến xe đã được di dời nên bà Hậu đành mất thêm 30 phút đi xe buýt trung chuyển.
Xuống đến bến mới, bà được tài xế thông báo là người đầu tiên trong ngày đi về Vũng Tàu, phải đợi thêm 1-2 người nữa mới đủ chuyến. "Ngày xưa tôi cứ đến bến, chờ khoảng 30 phút đã được đi rồi. Nhưng bây giờ thiếu chuyến, tôi ngồi đợi mãi đến khi tài xế vào thông báo đủ khách thì mới được đi", bà Hậu kể, vừa tranh thủ ăn suất cơm trưa mua tại bến xe.
Nhiều hành khách chờ đợi 2-3 tiếng mới được khởi hành về quê. Ảnh: Vân Trang. |
Trước đó, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết việc di dời các chuyến xe liên tỉnh gặp một số khó khăn nhất định, dẫn đến tình trạng 300 chuyến xe không vào bến mới hoạt động.
Thống kê của Sở GTVT, có khoảng 160 chuyến đã vào các bến xe khác như An Sương, Ngã Tư Ga. Còn lại 140 chuyến có thể các nhà xe thực hiện sai quy định đến một số địa điểm tập kết đón khách.
Theo ông Võ Khánh Hưng, việc xe không vào bến mà đến các điểm này là sai quy định hoạt động kinh doanh vận tải. Việc di dời bến cũng khiến hành khách chọn phương án di chuyển khác như hàng không, xe lửa,… Ngoài ra, ông Hưng nhận định thời tiết xấu cũng ảnh hưởng vấn đề đi lại của người dân.
Về giải pháp khắc phục, ông Hưng cho hay sắp tới, Sở GTVT tiếp tục đẩy mạnh việc chấn chỉnh vấn nạn xe dù bến cóc từ bến cũ sang bến mới, nhằm phục vụ hành khách tốt nhất trong dịp Tết Nguyên đán.
Để tạo thuận lợi cho hành khách khi di chuyển, lãnh đạo Sở GTVT cho hay Bến xe miền Đông cũ và mới hiện bố trí xe trung chuyển 16 chỗ ra vào giữa 2 bến và thu nhận khách rải rác từ các điểm khác. Sở cũng chỉ đạo rà soát tiếp tục bổ sung xe buýt trong thời gian tới và lên kế hoạch đầu tư nơi nghỉ ngơi cho hành khách, tài xế, tăng tiện ích cho bến xe, thu hút khách đến với bến mới.