"Xe buýt miễn phí sạch, di chuyển nhanh, nhưng còn ít chuyến quá", chị Lê Tuyên (32 tuổi) nói về xe buýt trung chuyển từ Bến xe Miền Đông cũ (quận Bình Thạnh) ra Bến xe Miền Đông mới (TP Thủ Đức).
Từ 11/10, TP.HCM di dời 79 tuyến xe khách ra Bến xe Miền Đông mới. Để đảm bảo di chuyển thuận tiện, hành khách được sử dụng tuyến buýt miễn phí với 12 chuyến mỗi ngày, mỗi chuyến có công suất 60 chỗ (bao gồm chỗ đứng).
Cách 1,5-2 giờ có một xe buýt trung chuyển đi từ bến cũ ra bến mới và ngược lại. Xe buýt trung chuyển màu xanh, có hàng chữ "miễn phí" in đậm ở thân xe. Nhiều hành khách nhận xét xe trung chuyển sạch, di chuyển nhanh. Tuy nhiên, họ mong muốn có thêm nhiều chuyến buýt trong ngày, đặc biệt là cần có thêm chuyến buổi tối.
Khó khăn
Chị Lê Tuyên đi từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Người phụ nữ cho biết nhà chị chỉ cách Bến xe Miền Đông cũ khoảng 2 km, trong khi cách bến mới 16-18 km.
"Nếu phải di chuyển xuống bến mới sẽ rất cực vì tôi chỉ có thể thuê xe đi, tốn 100.000-150.000 đồng. Tôi đặt vé xe trung chuyển trên website của nhà xe, sau đó đợi đến sát giờ thì xuống bến", chị Tuyên nói.
Chuyến xe trung chuyển của chị Tuyên khởi hành lúc 15h. Trên chiếc xe buýt lớn, chỉ có khoảng 10 người đang chờ đợi. "Tôi nghĩ nên tăng nhiều chuyến đi trong ngày hơn, đặc biệt vào buổi tối. Hiện các chuyến xe buýt trung chuyển khởi hành từ bến cũ ra bến mới cách nhau hơn một giờ thì nhiều người dân không chờ được, phải bắt xe ôm xuống thì tốn kém", người phụ nữ cho biết thêm.
Xe buýt trung chuyển hành khách từ bến cũ ra bến mới. Ảnh: Vân Trang. |
Tương tự, anh Trần Nam (36 tuổi, quận Bình Thạnh) cũng đi xe trung chuyển qua bến xe mới. Người đàn ông thở dài khi anh đến từ 13h, nhưng phải đợi đến 15h mới có chuyến xe buýt trung chuyển.
Anh Nam đành thay đổi kế hoạch, chọn đi xe trung chuyển miễn phí từ các đơn vị vận tải khác trong bến. Những chuyến xe này cũng miễn phí, tuy nhiên chật chội hơn nhiều so với xe buýt của Bến xe Miền Đông.
Bên cạnh xe buýt miễn phí, hành khách có thể trung chuyển bằng việc đi tuyến xe buýt trợ giá với 7.000 đồng/lượt có điểm đầu và điểm cuối tại bến mới. Ngoài ra, có 5 chuyến xe buýt không trợ giá có lộ trình đi ngang qua Bến xe Miền Đông mới (trục quốc lộ 1) có giá vé 10.000-20.000 đồng/lượt.
Cần có thêm phương án
Trao đổi với Zing, một tài xế cho biết việc tổ chức các chuyến xe buýt trung chuyển rất có ý nghĩa với hành khách. Bởi nhiều người đã quen với với việc đi lại ở bến cũ, nên khi phải di chuyển sang bến mới, họ cần phương tiện miễn phí để làm quen dần.
Hiện có tuyến buýt miễn phí trung chuyển giữa bến cũ và bến mới, thời gian di chuyển khoảng 30 phút. Trong đó, giờ khởi hành từ bến cũ ra bến mới là 6h, 8h, 11h, 15h, 17h, 20h. Còn giờ khởi hành từ bến mới về bến cũ là 4h30, 7h, 12h, 16h và 18h.
Khi đến bến mới, xe sẽ trả khách trước sảnh và tiếp tục chạy xuống hầm đón khách từ bến mới về địa điểm cũ.
"Mỗi chuyến, xe chở 10-20 khách, đông nhất lên 30 khách. Thông thường, khách đi nhiều hơn vào buổi sáng, cũng là giờ có nhiều tuyến xe liên tỉnh chạy", nam tài xế xe buýt miễn phí cho hay.
Hành khách chờ đợi đi xe trung chuyển xuống bến mới. Ảnh: Vân Trang. |
Đại diện Ban Quản lý Bến xe Miền Đông cho biết việc tổ chức xe buýt trung chuyển hoạt động từ 22/10 và thời gian đầu vận hành, đơn vị chưa ghi nhận sự cố phát sinh.
Trước phản ánh của người dân, ban quản lý cho biết nhu cầu thực tế của hành khách đi xe trung chuyển chưa nhiều nên chưa thể tăng chuyến cũng như số lượng xe buýt miễn phí.
"Nếu lượng hành khách tăng cao, chúng tôi sẽ có phương án đề xuất tăng số lượng xe buýt. Ban quản lý cũng chưa chốt ngày kết thúc các đợt xe trung chuyển. Thời gian tới, bến xe cân nhắc thêm các nhu cầu khác của người dân", đại diện Ban Quản lý Bến xe Miền Đông thông tin thêm.
Trước đó ngày 21/10, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành gỡ vướng loạt khó khăn của Bến xe Miền Đông mới.
Cụ thể, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn TNHH MTV (Samco) - chủ đầu tư Bến xe Miền Đông mới và báo cáo kết quả trước ngày 15/11.
Vị trí Bến xe Miền Đông mới. Ảnh: Google Maps. |
Bến xe Miền Đông mới được đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 10/2020. Đây là bến xe được đầu tư quy mô, hiện đại với diện tích 16 ha, nằm trên địa phận thuộc TP Thủ Đức và một phần TP Dĩ An, Bình Dương.
Ngày 10/10/2020, TP.HCM di dời 29 tuyến từ Bến xe Miền Đông hiện hữu (quận Bình Thạnh) về Bến xe Miền Đông mới. Các tuyến này có lộ trình từ TP.HCM ra tỉnh Quảng Trị, tới các tỉnh phía bắc.
Ngày 11/10/2022, 79 tuyến xe khách từ Bến xe Miền Đông cũ được dời sang Bến xe Miền Đông mới, trừ các tuyến có hành trình đi qua quốc lộ 14.
Trong 2 năm đi vào khai thác, bến xe này luôn rơi vào tình trạng vắng khách kéo dài do vị trí cách trung tâm hơn 20 km.
Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết việc di dời bến xe cũ sang bến mới gặp nhiều khó khăn, một số xe thực hiện việc di dời chưa tốt, mỗi ngày giảm khoảng 300 chuyến xe tại Bến xe miền Đông mới, bình quân 160 chuyến xe/ngày tại tất cả bến trên địa bàn. Ông Hưng dẫn chứng vào ngày 27/10, bến xe ghi nhận giảm 286 chuyến.
“Những chuyến xe này không mất tích, dù không vào bến mới mà vào các bến như An Sương, Ngã tư Ga, Bến xe Miền Tây”, ông Hưng nói.