Khi những tia nắng đầu tiên xuyên qua các đám mây bao phủ dãy núi Himalaya, Jigme Rabsal Lhamo - một nữ tu - rút kiếm từ sau lưng và nhằm vào vào đối thủ, khiến người này ngã xuống đất.
"Hướng mắt về mục tiêu, giữ sự tập trung", Lhamo hét về phía người vừa bị ngã bên ngoài một đền thờ màu trắng của ni viện Druk Amitabha, đặt trên một quả đồi nhìn ra thủ đô Kathmandu của Nepal.
Theo New York Times, Lhamo và các thành viên khác trong giáo hội của cô được biết đến là những nữ tu luyện võ. Những người phụ nữ này là một phần của chi phái Phật giáo hơn 800 năm tuổi có tên là Drukpa, có nghĩa là "rồng" trong tiếng Tây Tạng. Dọc theo khu vực dãy núi Himalaya và trên khắp thế giới, những môn đồ của chi phái Drukpa pha trộn hoạt động thiền tịnh với việc luyện tập võ thuật.
Mỗi ngày, những nữ tu thay áo tràng bằng những bộ đồng phục màu nâu để tập Kung Fu, môn võ truyền thống của Trung Quốc.
"Kung Fu giúp chúng tôi phá bỏ các rào cản về giới và phát triển sự tự tin. Võ thuật cũng giúp chúng tôi bảo vệ nhau trong những tình huống khẩn cấp", Lhamo, 34 tuổi, người đến tu viện từ hơn một thập kỷ trước từ vùng Ladakh, miền Bắc Ấn Độ, cho biết.
Theo các học giả Phật giáo, trong nhiều năm qua, những người phụ nữ tại khu vực Himalaya muốn được bình đẳng trong tôn giáo với đàn ông thường đối mặt với sự kỳ thị.
Mỗi ngày, các nữ tu của chi phái Drukpa đều tập luyện môn võ Kung Fu của Trung Quốc. Ảnh: New York Times. |
Những người này bị cấm tham gia các cuộc tranh luận về triết lý - thường được khuyến khích đối với các nhà sư.
Phụ nữ phải làm những công việc như nấu ăn và dọn dẹp trong các đền thờ và tu viện. Họ bị cấm tham gia các hoạt động thể chất và dẫn đầu các nhóm cầu nguyện. Ngay cả ca hát cũng bị cấm đối với những ni cô trong các cơ sở Phật giáo.
Thay đổi vai trò của phụ nữ trong trường phái Phật giáo vùng Himalaya
Trong những thập kỷ gần đây, việc dỡ bỏ các hạn chế này đã trở thành mục tiêu đấu tranh của hàng nghìn ni cô tại giáo hội của trường phái Phật giáo vùng Himalaya.
Những người dẫn đầu của phong trào đấu tranh này chính là các nữ tu của chi phái Drukpa. Cuộc đấu tranh của những người phụ nữ này bắt đầu từ 30 trước, dưới sự lãnh đạo của Jigme Pema Wangchen, người đứng đầu thứ 12 của chi phái Drukpa - còn được gọi là Gyalwang.
Ông đã phá bỏ những truyền thống tôn giáo và muốn các thành viên trong chi phái truyền bá thông điệp cải cách ra ngoài khuôn khổ ni viện.
"Chúng tôi đang thay đổi luật lệ của cuộc chơi. Việc ngồi thiền trên một tấm đệm bên trong tu viện là không đủ", Konchok Lhamo, một ni cô luyện võ cho biết.
Giờ đây, những ni cô của chi phái Drukpa không chỉ luyện tập Kung Fu mà còn dẫn đầu trong các lễ cầu nguyện. Họ cũng có những chuyến hành hương kéo dài nhiều tháng để thu nhặt rác thải nhựa và tuyên truyền những thông điệp về chống biến đổi khí hậu.
Trong 20 năm qua, ngoại trừ một khoảng thời gian diễn ra đại dịch Covid-19, những ni cô trên đã đi hơn 2.000 km giữa thủ đô Kathmandu và Ladakh - nằm sâu trong dãy Himalaya. Trên đường di chuyển, họ dừng lại để giáo dục người dân ở những vùng nông thôn tại cả Ấn Độ và Nepal về bình đẳng giới và tầm quan trọng của các bé gái.
Những nữ tu luyện võ Kung Fu
Những nữ tu của chi phái Drukpa lần đầu được trải nghiệm môn võ Kung Fu vào năm 2008, dưới sự hướng dẫn của các môn đồ từ nước ngoài. Những người này đến ni viện để nghiên cứu tài liệu và học chơi các nhạc cụ dùng cho lễ cầu nguyện.
Kể từ đó, khoảng 800 ni cô đã được huấn luyện võ thuật ở mức cơ bản, với 90 người đang trải qua những khóa đào tạo trình độ cao để trở thành huấn luyện viên.
Ông Wangchen cũng đào tạo các nữ tu trở thành chuyên gia về kinh Phật, một vị trí dành riêng cho đàn ông. Ông cũng truyền thụ cho các ni cô kiến thức cấp cao nhất của thiền tịnh, được gọi là "đại ấn", hay Mahamudra trong tiếng Phạn.
Ngoài học võ, những ni cô của chi phái Drukpa còn được truyền thụ kinh Phật. Ảnh: New York Times. |
Những ni cô trên đã trở nên nổi tiếng trong xã hội Nepal - vốn chủ yếu theo đạo Hindu, với chỉ 9% dân số theo đạo Phật. Danh tiếng của những ni cô chi phái Drukpa cũng bắt đầu lan tới các quốc gia lân cận.
Bất chấp hiệu ứng tích cực từ những thay đổi của Drukpa, chi phái này cũng gặp phải phản ứng dữ dội.
Truyền cảm hứng cho những người phụ nữ khác
Ngoài luyện võ và học kinh Phật, những ni cô cũng làm những công việc khác như họa sĩ, nghệ sĩ, thợ sửa nước, thợ làm vườn, thợ điện và thợ nề.
"Khi mọi người đến tu viện và thấy chúng tôi làm việc, họ bắt đầu hiểu rằng ni cô không phải là những người ở không. Chúng tôi không chỉ chú tâm đến tôn giáo của mình mà còn chăm lo cho xã hội", Zekit Lhamo, 28 tuổi, cho biết.
"Khi tôi nhìn vào họ, tôi muốn trở thành một ni cô. Họ nhìn thật tuyệt, khiến bạn muốn bỏ lại hết mọi thứ", Ajali Shahi, một sinh viên tại Đại học Tribhuvan ở thủ đô Kathmandu cho biết.
Câu chuyện của những nữ tu phái Drukpa đã truyền cảm hứng cho nhiều người phụ nữ trên khắp thế giới. Ảnh: New York Times. |
Mỗi ngày, ni viện của phái Drukpa nhận được ít nhất một tá đơn xin gia nhập từ khắp nơi trên thế giới như Mexico, Ireland, Đức và Mỹ.
"Không phải ai cũng có thể trở thành ni cô. Nhìn từ bên ngoài, cuộc sống của chúng tôi có nhiều điểm thú vị. Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc sống rất khó khăn", Jigme Yangchen Ghamo cho biết.
Ở tuổi 12, Jigmet Namdak Dolker đã nhìn thấy một nhóm ni cô của phái Drukpa đi qua nhà chú của cô tại khu vực Ladakh ở Ấn Độ.
Muốn trở thành một ni cô, Dolker đã xin chú cho phép gia nhập chi phái Drukpa nhưng ông đã từ chối. Bốn năm sau, cô đã rời khỏi nhà để đến tu viện và không quay trở về.
Sau khi đi tu được 7 năm, trong đó có 6 năm tập võ, Dolker cho biết cô thấy "tự hào, tự do làm những điều mình thích và đủ mạnh mẽ để làm bất cứ việc gì".
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.