Chiều 4/9, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Sóc Trăng Trần Ngọc Ẩn xác nhận ông đã ký văn bản về việc không bổ nhiệm lại chức Giám đốc Trung tâm Quan trắc TNMT đối với bà Mai Thi (42 tuổi). Lý do nữ cán bộ này không đủ điều kiện bổ nhiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.
Bà Mai Thi. Ảnh: Việt Tường. |
Liên quan vụ việc, hai tuần trước bà Thi bị Đảng ủy khối các cơ quan tỉnh Sóc Trăng kỷ luật khiển trách về mặt Đảng. Sai phạm của bà này được cho là liên quan đến việc ký biên bản thỏa thuận cung ứng chế phẩm ST Bacilli MT cho mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng khi không có chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, bà Thi còn cung cấp ST Bacilli MT cho một số nơi sử dụng khi chế phẩm này chưa có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Bán chế phẩm khi chưa có phép
Trò chuyện với Zing.vn, bà Mai Thi nói năm 2014, nữ cán bộ này là tác giả của chế phẩm xử lý môi trường ST Bacilli MT. Thấy chế phẩm này chỉ có tiêu chuẩn cơ sở nên bà nâng cấp lên tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và cho ra đời hai loại xử lý hầm cầu ST Bacilli 1 (bột), ST Bacilli 2 (lỏng).
Công thức của chế phẩm ST Bacilli 1 và 2 là 5 loài vi khuẩn (Bacillus subtilis, Bacillus licheniformis, Bacillus cereus, Bacillus megaterium, Bacillus flexus) lấy rác, ruột con sùng với trùn đất. Tùy theo yêu cầu của đơn vị sử dụng, một số đơn vị nhận chế phẩm sử dụng dòng đơn là vi khuẩn Bacillus subtilis lấy từ ruột con sùng.
ST Bacilli MT chưa được Tổng cục Môi trường cấp phép nhưng Trung tâm Quan trắc TNMT Sóc Trăng bán cho doanh nghiệp mua để thực hiện khảo nghiệm là sai quy định. Ảnh: Việt Tường. |
Theo báo cáo thành tích của bà Thi để nhận bằng lao động sáng tạo, chế phẩm mang vi khuẩn Bacillus subtilis đã được sử dụng tại bãi rác Đại Ngãi, kênh ở thị xã Ngã Năm, ao sinh học của hệ thống xử lý nước thải trong khu công nghiệp An Nghiệp, ứng dụng nuôi trồng thủy sản tại hai doanh nghiệp và ủ phân hữu cơ trồng rau mầm ở phường 2, TP Sóc Trăng. Tổng số tiền thu về từ việc bán sản phẩm này được bà Thi nhẩm tính gần 300 triệu đồng.
"Đây là đề tài của cá nhân tôi nhưng tiền bán sản phẩm thu về cho cơ quan, tôi không lấy đồng nào. Bán sản phẩm này khi chưa có giấy phép của Tổng cục Môi trường là sai nhưng không vi phạm pháp luật", bà Thi trần tình.
Nhập nhằng tên gọi
Năm 2016, bà Mai Thi cùng 6 cán bộ khoa học thực hiện công trình tập thể, nghiên cứu cho ngành nông nghiệp. Chế phẩm liên quan mang vi khuẩn Bacillus subtilis nhưng không lấy từ ruột con sùng mà là ruột cá phi. Theo lý giải của nữ nghiên cứu sinh tiến sĩ, lý do chọn cá phi vì loài này sống được trong nước mặn, thích hợp với việc xử lý chất thải đáy ao nuôi tôm.
Là chế phẩm mới do tập thể nghiên cứu nhưng bà Thi vẫn lấy tên ST Bacilli MT giống như công trình cá nhân năm 2014. Về sự nhập nhằng này, nguyên giám đốc trung tâm lý giải là văn bản do cấp dưới trình rồi bà ký mà quên đổi ST Bacilli MT (MT là môi trường) thành ST Bacilli TS (TS là thủy sản).
"Bây giờ có người nói MT là viết tắt của chữ Mai Thi. Sai sót này tôi có nhận khuyết điểm và sản phẩm chỉ mới thử nghiệm chứ chưa bán", bà Mai Thi nói.
Bà Mai Thi cùng lãnh đạo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng ký biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng chế phẩm ST Bacilli MT. Chế phẩm này là công trình tập thể nhưng bà Mai Thi không đổi tên so với chế phẩm do cá nhân nghiên cứu. Ảnh: Việt Tường. |
Để minh chứng cho việc chưa bán ST Bacilli MT (thay vì ST Bacilli TS) do tập thể nghiên cứu, bà Thi đưa phóng viên xem hàng loạt phiếu lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân sử dụng chế phẩm cho ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Còn trong biên bản thỏa thuận hợp tác triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng do bà Thi ký với Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng thì có 30 hộ dân của nhiều hợp tác xã ở huyện Mỹ Xuyên tham gia sử dụng ST Bacilli MT.
Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Sở TNMT Sóc Trăng, từng ví von rằng cách làm khoa học như bà Thi giống như "lừa đảo". Còn nữ cán bộ vừa bị kỷ luật thì nói bản thân không "lừa đảo khoa học" mà chỉ là sai sót trong việc đặt tên chế phẩm.