Julia là HLV của học viện bóng đá trẻ Borussia Dortmund, và có 6 năm gắn bó với đại diện vùng Ruhr. Gần đây, nữ HLV này được cử sang Singapore làm việc. Cô hiện giữ vai trò Giám đốc Kinh doanh Quốc tế của CLB Dortmund tại đảo quốc sư tử.
Trao đổi nhanh với Zing.vn hôm 26/10, HLV Julia dành nhiều lời khen cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Cô cũng biết tuyển Việt Nam có hai cầu thủ thi đấu tại Bỉ và Hà Lan.
Dù Nguyễn Công Phượng và Đoàn Văn Hậu chưa được các CLB STVV và SC Heerenveen sử dụng nhiều, HLV Julia cho rằng đó cũng là chuyện "rất bình thường".
Nữ HLV Julia Farr của lò đào tạo trẻ BVB đang làm việc tại Singapore. Ảnh: Nguyên Trí. |
- Khi một cầu thủ Đông Nam Á lần đầu tiên sang châu Âu, họ thường gặp rất nhiều khó khăn. Vậy theo cô, họ nên làm gì nếu không được HLV trao cơ hội thi đấu?
- Tôi nghĩ các cầu thủ Đông Nam Á phải tiếp tục theo đuổi giấc mơ. Ở Bỉ, Hà Lan hay bất kỳ giải VĐQG châu Âu nào đều có những triết lý, môi trường bóng đá khác nhau. Mọi thứ tại châu Âu hoàn toàn không giống với Đông Nam Á.
Với một cầu thủ Thái Lan hay Việt Nam lần đầu được sang châu Âu chơi bóng, mọi thứ chắc chắn rất khó khăn. Sẽ không bao giờ có chuyện họ được ra sân ngay, vì phải làm quen với ngôn ngữ, văn hóa, môi trường, khí hậu, thức ăn và cả vấn đề giao tiếp với những đồng đội mới.
Lúc này, cầu thủ cần giữ được sự kiên nhẫn. Họ nên thực hiện từng bước kế hoạch đề ra và không nên vội nản chí. Tin tưởng vào bản thân cũng là yếu tố rất quan trọng.
- Theo cô, các cầu thủ Đông Nam Á cần làm những gì để tìm kiếm cơ hội ở châu Âu?
- Tính tổ chức và hệ thống các giải đấu tại châu Âu rất mạnh. Trình độ của những giải đấu như Đức, Hà Lan, Pháp… cao hơn rất nhiều so với Đông Nam Á. Điều này có nghĩa những cầu thủ trẻ tại châu Âu ngay từ lúc bắt đầu chơi bóng sớm được đặt trong môi trường với đẳng cấp rất cao, điều đó giúp họ nâng cao trình độ thi đấu.
Công Phượng chưa được ra sân nhiều tại Bỉ. Ảnh: STVV. |
Còn với những cầu thủ tại Đông Nam Á, nếu giải VĐQG ở đây không mạnh hoặc ngang bằng với châu Âu, điều đó buộc họ phải nỗ lực rất nhiều khi sang châu Âu. Lúc này, một cầu thủ cần giữ cho mình tư duy cầu thị và luôn phải học hỏi mọi thứ, đồng thời cố gắng tích lũy kinh nghiệm nhiều nhất có thể.
- Những HLV ở CLB châu Âu thường không đánh giá cao cầu thủ Đông Nam Á. Vậy theo cô, đâu là rào cản lớn nhất để cầu thủ Đông Nam Á tìm kiếm cơ hội chơi bóng tại châu Âu?
- Tôi nghĩ ở châu Âu thì cơ hội luôn rộng mở với mọi cầu thủ. Lịch sử từng chứng kiến nhiều cầu thủ có xuất phát điểm đến từ phương Đông sang châu Âu thi đấu và gặt hái được nhiều thành công. Ví dụ ở giải Bundesliga, sân chơi này có rất nhiều cầu thủ châu Á.
Giải Bundesliga cũng được xem như bệ phóng hoàn hảo để một cầu thủ bắt đầu theo đuổi giấc mơ lớn. Vì vậy, tôi cho rằng cơ hội chơi bóng ở châu Âu, đặc biệt là giải Bundesliga, luôn rộng mở với mọi cầu thủ trên toàn thế giới.
- Với kinh nghiệm làm việc ở Đông Nam Á, cô nhận xét thế nào về những cầu thủ ở Singapore, Việt Nam và Thái Lan?
- Các cầu thủ Đông Nam Á có sự tiến bộ rất đáng ghi nhận. Hệ thống đào tạo trẻ ở những quốc gia như Thái Lan hay Việt Nam cũng rất tốt. Điều này thật sự rất quan trọng vì nếu chỉ đầu tư vào những cầu thủ đã trưởng thành thôi thì chưa đủ. Những cầu thủ trẻ được xem là viên gạch nền móng hướng tới tương lai xa hơn.
Thật tốt khi nhiều quốc gia Đông Nam Á bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của đào tạo trẻ trong thời gian qua. Điển hình như Việt Nam, họ giành được rất nhiều thành công ở cấp độ đội tuyển quốc gia, U23 và các đội trẻ. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trên chặng đường phát triển bóng đá.
Tôi không nghe nhiều về các CLB ở Việt Nam. Những gì tôi biết là đội tuyển quốc gia của các bạn đang chơi rất tốt và nhận được sự ủng hộ rất cuồng nhiệt từ cổ động viên nhà. Đây là tín hiệu rất tích cực. Trong thời gian tới, tôi tin bóng đá Việt Nam hãy còn tiến bộ nhiều hơn.
- Xin cám ơn cô về cuộc chia sẻ này!