Ông Trần Nguyễn Hồ (xã Long An, huyện Châu Thành, Tiền Giang) kể vào đầu năm 2013, sau khi tham quan trang trại nuôi chim cút của gia đình ông, một số doanh nghiệp Nhật mời ông hợp tác cung cấp trứng nguyên liệu cho nhà máy chế biến do Nhật đầu tư tại Tiền Giang, sản phẩm được xuất sang Nhật.
Phía Nhật cam kết ký hợp đồng thu mua trứng với giá cao và lâu dài, với điều kiện ông phải bỏ toàn bộ quy trình chăn nuôi truyền thống để thực hiện quy trình và tiêu chuẩn do phía Nhật đưa ra.
Khắt khe nhưng gắn bó lâu dài
Nhật rất cần nhập khẩu tôm sú của Bến Tre. Tới đây chúng tôi sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất tôm biển theo hướng an toàn để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật
Ông ABE KENGO (đại diện đoàn doanh nghiệp tỉnh Iwate)
Nhưng khi bắt tay vào việc, ông Nguyễn Hồ tá hỏa trước các tiêu chuẩn của phía Nhật, trong đó có yêu cầu tuyệt đối không dùng kháng sinh trong quá trình nuôi để sản phẩm trứng tới tay người tiêu dùng sạch hoàn toàn.
“Chim cút là loại gia cầm rất nhạy cảm với thời tiết, dễ bệnh, nếu không cho uống thuốc thì rất dễ bị chết”, ông Nguyễn Hồ nói.
Thực tế cũng cho thấy do không sử dụng kháng sinh, những đợt thả nuôi trong năm 2013 của trang trại này đều thất bại với 200.000 con chết sạch, thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng. Không bỏ cuộc, ông Nguyễn Hồ thuê chuyên gia đến hỗ trợ và cuối cùng đã thành công.
Đến khi chim cút cho trứng, ông lại đau đầu với yêu cầu kích cỡ trứng phải bằng nhau và trọng lượng phải đạt 10-11g/trứng, không được nặng hơn cũng không được nhẹ hơn. Chưa hết, lòng đỏ trứng phải đỏ đạt thang màu của phía Nhật đưa ra chứ không phải màu vàng như trứng chim cút bán ở VN.
Ông lại mày mò nghiên cứu tìm ra công thức pha chế thức ăn, thành phần các chất dinh dưỡng có trong thức ăn... để giúp chim cút vừa có sức đề kháng tốt, lại đẻ trứng đạt yêu cầu. “Nếu lúc đó bỏ cuộc, tui sẽ phá sản ngay lập tức nên phải theo tới cùng mới mong lấy lại tiền đã đầu tư”, ông Nguyễn Hồ nói.
Cuối năm 2013, sau khi lấy mẫu đưa về nước phân tích sản phẩm trứng cút của trang trại Nguyễn Hỗ, doanh nghiệp Nhật đồng ý mua trứng chuyển về nhà máy đặt tại công ty CP Rau quả Tiền Giang (vừa lắp đặt xong thiết bị) để luộc, bóc vỏ, đóng lon và xuất sang Nhật.
Đến đầu năm 2015, trang trại Nguyễn Hồ đã xuất được hơn 20 triệu trứng chim cút sang Nhật. Sau khi gỡ được khoản lỗ ban đầu và có lãi, hiện ông Nguyễn Hồ tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô trang trại lên hơn 100.000 con.
Thanh long là một trong những loại trái cây được người Nhật ưa thích. |
Ông Nguyễn Thành Nhơn, chủ nhiệm HTX xoài cát Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang), cũng cho biết khi lần đầu tiên nghe phía Nhật đưa ra các tiêu chuẩn trồng xoài đạt chất lượng và an toàn, các xã viên đều “lắc đầu, lè lưỡi”.
Tuy nhiên, sau khi kiên trì làm theo hướng dẫn, cuối cùng sản phẩm cũng được phía Nhật chấp nhận. Và trong 10 năm hợp tác với Nhật, trung bình mỗi năm HTX xuất sang thị trường này 100 tấn xoài tươi.
Ngoài ra, sản phẩm dứa cắt lát đông lạnh của một doanh nghiệp tại Tiền Giang cũng được thị trường Nhật chấp nhận, sau khi phía Nhật đến tận vùng trồng dứa để kiểm tra quy trình sản xuất, đánh giá các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh.
“Biết giữ chữ tín”
Ông Kazuyoshi Yuasa, chuyên gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), được cử đến làm việc tại Viện Cây ăn quả miền Nam năm 2009-2014, cho biết năm năm là thời gian khá dài đủ để ông có cái nhìn toàn diện và khách quan về trái cây nhiệt đới tại ĐBSCL.
“Thanh long, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... là những loại trái cây có hương vị đặc trưng rất ngon. Tôi tin những loại trái cây này cũng hấp dẫn người Nhật và các nước khác. Người Nhật rất thích thanh long và xoài, hai loại này đã được xuất sang Nhật rồi. Nhưng người Nhật còn mong chờ nhiều hơn thế”, ông Yuasa nói.
Theo ông Yuasa, trái cây VN rất ngon nhưng để vào được thị trường Nhật phải sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP hoặc VietGAP bởi “an toàn cho sức khỏe” là tiêu chí hàng đầu của Nhật đối với mọi loại hàng hóa, sản phẩm. Ngoài ra, VN cần quan tâm đến hình thức bên ngoài và hương vị của trái cây.
Tháng 10/2014, một đoàn công tác của tỉnh Ibaraki (Nhật Bản) đã đến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp để bàn kế hoạch hợp tác nông nghiệp giữa hai địa phương.
Sau khi thưởng thức hai loại xoài đặc sản là xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu ngay tại vùng chuyên canh xoài Cao Lãnh, ông Hashimoto Masaru - thống đốc tỉnh Ibaraki - xác định đây là loại nông sản giàu tiềm năng để xuất vào thị trường Nhật, đồng thời cam kết tiếp nhận đào tạo kỹ thuật trồng, xử lý và bảo quản sau thu hoạch xoài cho cán bộ của tỉnh Đồng Tháp.
Ông Phạm Văn Dư - Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT - cho biết từ năm 1985 đến nay Nhật Bản có rất nhiều dự án và cử nhiều chuyên gia đến VN để hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất lúa gạo và cây ăn trái.
Những thành tựu trên lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL hiện nay có một phần đóng góp của họ. Đặc biệt là khoảng 10 năm nay, doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với nông dân An Giang sản xuất, tiêu thụ giống lúa Nhật rất hiệu quả.
“Cái được lớn nhất khi nông dân làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản là tư duy về sản xuất nông nghiệp thay đổi rõ rệt. Họ đã từ bỏ tư duy sản xuất hộ gia đình, chuyển sang làm ăn lớn với sự am hiểu nhất định về khoa học kỹ thuật và biết giữ chữ tín”, ông Dư nói.
Theo ông Dư, sản xuất nông nghiệp theo mô hình của Nhật Bản còn có lợi ích lâu dài là giảm thiểu hoặc không gây ô nhiễm môi trường, do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi. “Để đẩy nhanh quá trình phát triển nền nông nghiệp hiện đại, chúng tôi đang khuyến khích nông dân hợp tác với Nhật Bản sản xuất lúa, cây ăn trái, chăn nuôi...”, ông Dư cho biết.
Quy trình sản xuất lúa xuất sang Nhật
Nhiều năm nay, công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã tổ chức chuỗi sản xuất kinh doanh lúa gạo chất lượng cao khép kín qua liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, trong đó vùng nguyên liệu Vĩnh Bình đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất bán gạo qua Nhật.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc ngành lương thực Công ty Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết để vượt qua 593 chỉ tiêu theo yêu cầu của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cho gạo nhập khẩu vào thị trường này, yếu tố quyết định cách thức tổ chức sản xuất, quy trình canh tác, sử dụng bộ sản phẩm vật tư nông nghiệp đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, các kỹ sư luôn theo sát để hỗ trợ kỹ thuật, cùng nông dân xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh, hướng dẫn nông dân ghi chép nhật ký đồng ruộng nhằm kiểm soát, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Đ.VỊNH