Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngư dân Phú Yên ra khơi gây mê cá ngừ đại dương

Lần đầu tiên, ngư dân Phú Yên áp dụng thiết bị gây tê và phương pháp gây mê nên sản lượng cá ngừ đại dương hầu hết đạt “hàng bay" (loại 1), hiếm có hàng kém chất lượng.

Ra khơi gây tê cá ngừ

Thiết bị gây tê cá ngừ đại dương do Trường CĐ công nghiệp Tuy Hòa (Phú Yên) phối hợp với công ty cổ phần Bá Hải thực hiện.
Bộ thiết bị gây mê cá ngừ
Bộ thiết bị gây mê cá ngừ

Ông Lê Tấn Hồng, ở khu phố 4, phường Phú Đông (TP Tuy Hòa), chủ tàu cá PY 90612 TS có công suất hơn 290CV, đã áp dụng thành công trong chuyến đi biển vừa rồi.

"Đây là chuyến biển thử nghiệm thiết bị gây tê cá ngừ. Thời điểm tôi ra khơi thời tiết có sóng to, gió mạnh nên thời gian đánh bắt chỉ 11 ngày nhưng đã câu được 5 con với sản lượng 340kg.

Nếu cộng thêm 3 tạ cá các loại đánh bắt được thì bán được 72 triệu đồng. Sau khi trừ phí tổn cho chuyến biển tôi còn lãi 37 triệu đồng”, ông Hồng chia sẻ.

Cùng theo ngư dân Lê Tấn Hồng, khi cá dính câu, ông dùng thiết bị gây tê làm cho cá không vùng vẫy. Sau đó ông kéo cá lên tàu cho vào thùng nước đá có độ lạnh từ 8 đến 10oC và hệ thống sụt khí, ngâm khoảng 30 phút.

Ngư dân Lê Tấn Hồng mô tả cách sử dụng thiết bị gây tê cá ngư trong khi câu.

Lúc này, cá vẫn sống nhưng trong tình trạng mê. Sau đó, đưa cá ra ngoài chọc tủy, mổ lấy lòng, rửa sạch rồi đưa vào thùng nước đá để tiếp tục ngâm lạnh 30 phút nữa trước khi chuyển vào hầm lạnh.

Ngư dân Lê Tấn Hồng cho biết thêm, ngoài qui trình gây tê, gây mê, ông còn phủ lớp vải mỏng lên lưng cá trước khi đem vào hầm lạnh để giữ độ ẩm và chống trầy xước da  trong quá trình bảo quản.

Số cá trên được công ty CP Bá Hải thu mua toàn bộ. Trong số 5 con cá ngừ mà ông Hồng đánh bắt được có 4 con đạt chất lượng hàng cá tươi sống, trong đó 1 con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, 3 con đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc công ty CP Bá Hải cho biết: “Cũng là câu đèn, nhưng câu đèn bằng kinh nghiệm của ngư dân lâu nay cá không đạt chất lượng. Cách câu của ông Hồng làm cho cá “hàng bay”, không có tình trạng xô xương (cá bị hư thịt ở phần thịt gần xương - PV) như lâu nay".

Giảm công lao động


Ngư dân Lê Tấn Hồng cho biết, lâu nay câu cá ngừ theo truyền thống thì mất từ 20-30 phút mới đưa được cá lên tàu. Trong khi, câu cá ngừ bằng thiết bị gây tê chỉ mất chừng 10 phút.

Cá ngừ đại dương ngư dân Phú Yên đánh bắt
Cá ngừ đại dương ngư dân Phú Yên đánh bắt

"Thiết bị gây tê cá ngừ rất hiệu quả. Sau khi gây tê cá khoảng vài phút, tui kéo cá lên tàu. Còn trước đây gặp cá lớn thì mất cả tiếng đồng hồ vật lộn mới đưa được cá lên boong, có khi còn bị sẩy nữa", ngư dân Lê Tấn Hồng cho biết.

Giải thích thêm, ngư dân Huỳnh Đức Tâm, thuyền viên tàu cá PY 90612 TS cho hay, bình thường, chuyến biển cần đến 9 thuyền viên, vì mỗi lần đưa cá lên phải tốn đến 4 người, nhưng nếu không cẩn thận thì có thể cá bị rơi xuống biển trở lại.

Câu cá ngừ bằng thiết bị gây tê chỉ mất chừng 10 phút

Trong khi sử dụng thiết bị gây tê, chỉ cần 2 người đã đưa cá lên tàu rất dễ dàng. Thiết bị này không hề bị giật, rất an toàn. Trong lúc câu gặp cá mập thì thiết bị làm cá bị tê nên bắt rất dễ.

Với nghề câu cá ngừ đại dương truyền thống lâu nay, chất lượng cá đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thường chiếm tỉ lệ hơn 30% sản lượng; số còn lại đều chuyển sang loại hàng “dạt” (kém chất lượng) với giá mua chỉ bằng một nửa cá đạt tiêu chuẩn.

Kỹ sư Phạm Duy Phượng, giảng viên Trường CĐ công nghiệp Tuy Hòa cho biết, thiết bị gây tê cá ngừ là bộ kích điện, sử dụng nguồn điện 24V với cường độ dòng điện từ 20-35A.

Với thiết bị này chỉ làm cho cá dính câu bị tê mà không làm ảnh hưởng đến các loài sinh vật khác xung quanh. Giá một bộ thiết bị gây tê cá ngừ khoảng 30 triệu đồng.

http://vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/207279/la--ngu-dan-gay-me-ca-ngu-dai-duong.html

Theo Mạnh Hoài Nam / Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm