Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trái cây Việt lũ lượt xuất ngoại

Sau nhãn, chôm chôm, thanh long được nhiều thị trường khó tính chấp nhận, nhập khẩu khá nhiều, cánh cửa tiếp tục mở cho trái xoài tươi tại các Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore...

Ông Phạm Văn Dư (phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT) đã cho biết như vậy. "Cả nước hiện có gần 90.000 ha xoài, nhưng chủ yếu là ở ĐBSCL với hơn 41.000 ha. Hơn 85% diện tích này trồng hai giống xoài có chất lượng rất cao là xoài cát Hòa Lộc và xoài cát Chu.

Nghiên cứu của Viện Cây ăn quả miền Nam và Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho thấy chất lượng hai giống xoài này ngon hơn các giống xoài của Thái Lan và Philippines, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng".

Thu hoạch xoài cát Chu ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Thu hoạch xoài cát Chu ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

- Không chỉ Việt Nam hay Thái Lan, Philippines mà còn nhiều nước khác có thế mạnh xuất khẩu xoài. Nhu cầu tiêu thụ xoài của thế giới như thế nào, thưa ông?

- Hằng năm Nhật Bản nhập khẩu 10.000 - 12.000 tấn xoài tươi, chủ yếu từ Mexico, Thái Lan, Philippines, Brazil, Đài Loan, chưa kể sản phẩm nước ép, kem xoài, bánh xoài. Còn tại thị trường Hàn Quốc nhu cầu tăng tới 33%/năm. Giá nhập khẩu xoài trung bình năm 2012 của Hàn Quốc là 4.495 USD/tấn và Nhật Bản là 4.955 USD/tấn.

Thị trường nhập khẩu xoài có xu hướng tăng so với các loại trái cây nhiệt đới khác vì mức giá cạnh tranh, khả năng cung ứng quanh năm, có khả năng áp dụng kỹ thuật bảo quản để kéo dài thời gian vận chuyển.

Chính những điều kiện này dự báo trong tương lai xoài là ngành hàng tiếp tục phát triển ổn định. Đó là cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu xoài, nếu biết lựa chọn những phân khúc thị trường thích hợp.

- Rào cản lớn nhất đối với thanh long, nhãn, chôm chôm và xoài khi muốn xuất khẩu vào các thị trường khó tính là gì, thưa ông?

- Thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản rất thích xoài tươi, có màu vàng, đỏ, mềm. Tuy nhiên, điều kiện là trái không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, được bao trái trong quá trình sản xuất, xử lý bằng hơi nước nóng để phòng trừ ruồi đục quả và được cơ quan chức năng của nước nhập khẩu kiểm tra trước khi giao hàng.

Tiêu chuẩn này thật ra không phải là quá khắt khe vì các thị trường lớn khác cũng yêu cầu như vậy. Không riêng gì xoài mà nhãn, chôm chôm, vải, thanh long muốn xuất khẩu vào các thị trường đó cũng phải đạt tiêu chuẩn Global GAP về quy trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, đóng gói; được nước nhập khẩu thẩm định, cấp mã số vùng trồng. Đó chính là các rào cản kỹ thuật khá lớn với chúng ta vì diện tích, sản lượng trái cây đạt tiêu chuẩn này còn ít.

- Ngành nông nghiệp đã có sự chuẩn bị gì để các loại trái cây đặc sản Việt Nam đủ điều kiện bước vào thị trường khó tính?

- Chủ trương tổ chức các vùng nguyên liệu trái cây đặc sản quy mô lớn theo tiêu chuẩn Global GAP, Viet GAP đã có từ lâu. Các địa phương đang có nhiều mô hình sản xuất thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài theo tiêu chuẩn GAP nhưng diện tích còn ít.

Việc cần làm là chính quyền địa phương phải hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng diện tích và hợp tác với doanh nghiệp để đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Bộ NN&PTNT cũng đã giao các tỉnh có vùng nguyên liệu lớn làm “tổng chỉ huy” sản xuất rải vụ.

Điều quan tâm bây giờ là cần có nhiều công trình nghiên cứu sâu về sản xuất rải vụ để cây ăn trái cho năng suất cao, tránh được sâu bệnh; nghiên cứu về công nghệ sau thu hoạch để hạn chế thất thoát (hiện nay thất thoát tới 30 - 40%), tăng lợi nhuận cho nông dân.

Tôi cũng lưu ý là gần đây các doanh nghiệp Mỹ, Anh... đã đến tận vườn nhãn, chôm chôm của Việt Nam để kiểm tra trước khi mua. Cho nên cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP bài bản, nghiêm chỉnh thì họ mới cấp mã số vùng trồng để nhập khẩu sản phẩm ở vùng đó.

Ông Hirotaka Yasuzumi (Giám đốc Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP.HCM - Jetro):

Những kỳ vọng của doanh nghiệp Nhật Bản khi muốn đầu tư vào Việt Nam cũng như mong muốn của doanh nghiệp Việt Nam khi bán hàng sang Nhật Bản sẽ được phản ánh rõ qua hội thảo lần này.

Từ trước đến nay, xuất khẩu nông sản của Nhật qua Việt Nam còn ít do vướng cơ chế trong vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch.ần đây, việc nhập khẩu thịt bò Nhật Bản được khai thông, DN Nhật đang kỳ vọng đây là điểm khởi động để cho nhiều nông sản Nhật như hoa quả, rau củ sẽ vào Việt Nam nhiều hơn thời gian tới. Một yếu tố hỗ trợ khác là hiện nay ở Việt Nam nở rộ trào lưu thưởng thức thực phẩm Nhật Bản.

Ở chiều ngược lại, trước đây Việt Nam chủ yếu xuất sang Nhật tôm, mực, cà phê, gỗ... hiện Việt Nam đang đẩy mạnh xuất cá ngừ, gạo, cao su thiên nhiên, rau củ... Tuy nhiên, hàng Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản và hiện là nước thứ ba vi phạm về nhập khẩu sau Trung Quốc và Mỹ.

Như vậy, các doanh nghiệp muốn tăng lượng xuất khẩu sang Nhật thì phải cố gắng rất nhiều để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của công ty nhập khẩu cũng như của người tiêu dùng Nhật Bản. Theo tôi, con đường tốt nhất để Việt Nam cải thiện chất lượng nông sản là thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

Nếu Việt Nam hợp tác thành công với nhà đầu tư Nhật, người nông dân, công ty Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp nhận kỹ thuật, cung cách làm nông của người Nhật, từ đó nâng cao chất lượng hàng nông sản Việt Nam. Hợp tác này cũng sẽ giúp giải quyết được vấn đề đang mắc phải hiện nay của nông sản Việt Nam là giá trị gia tăng chưa cao, chất lượng hàng còn thấp, giá rẻ.

N.BÌNH

 

Đồng Tháp sản xuất nông sản bằng công nghệ Nhật Bản

Tháng 10/2014 vừa qua, một đoàn công tác của tỉnh Ibaraki, Nhật đã đến thăm và làm việc với tỉnh Đồng Tháp. Tại buổi làm việc, ông Hashimoto Masaru - thống đốc tỉnh Ibaraki - cho biết với những sự tương đồng về nông nghiệp, Đồng Tháp và Ibaraki - dự báo tiềm năng hợp tác sẽ rất khả quan.

UBND tỉnh Đồng Tháp đề nghị hợp tác với Ibaraki các lĩnh vực gồm: xử lý, đóng gói, bảo quản, chế biến xuất khẩu đối với sản phẩm xoài Cao Lãnh; sản xuất lúa và các cây trồng khác theo hướng cơ giới hóa, gắn chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, hai tỉnh cũng sẽ hợp tác phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu hoa kiểng, rau màu.

Khi đến thăm vùng nguyên liệu xoài Cao Lãnh, thống đốc Hashimoto Masaru cho rằng đây là loại nông sản giàu tiềm năng để xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Tại tỉnh Ibaraki, giá xoài rất đắt nên đây là cơ hội lớn cho xoài của Đồng Tháp nếu được sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, đóng gói theo tiêu chuẩn của Nhật.

Ông Hashimoto Masaru khẳng định tỉnh Ibaraki sẽ hỗ trợ tốt nhất cho thực tập sinh của Đồng Tháp sang học tập mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Nhật Bản; đồng thời chuyển giao những kỹ thuật vào sản xuất giúp xoài và các loại nông sản của tỉnh Đồng Tháp có thể “gõ cửa” được thị trường Nhật Bản trong thời gian sớm.

Năm 2014 xuất khẩu rau quả đạt 1,4 tỷ USD

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2014 giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam đã đạt 1,2 tỷ USD và dự báo đến cuối năm có thể đạt 1,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2013.

 

Tính đến hết quý III/2014, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn là ba thị trường lớn nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc nhập khẩu hơn 321 triệu USD, chiếm hơn 27% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam với các sản phẩm: xoài, vải, nhãn, chuối, thanh long, dừa và dứa.

Đứng thứ hai là Nhật Bản chiếm 4,84% thị phần, tăng 21,36% so với cùng kỳ năm 2013. Thứ ba là Hàn Quốc với 43,69 triệu USD, tăng hơn 101% và chiếm 3,7% kim ngạch xuất khẩu.

Hai thị trường nhập khẩu tăng trưởng đột biến là Hong Kong (tăng 170%, đạt 11 triệu USD), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (tăng 129% với 9,12 triệu USD). Ngoài ra, nhiều loại trái cây đã được thị trường châu Âu, Mỹ chấp nhận và nhập khẩu khá nhiều. Những tín hiệu trên cho thấy mặt hàng rau quả Việt Nam có nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

V.TRƯỜNG



 

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20141115/trai-cay-viet-lu-luot-xuat-ngoai/671921.html

Theo Vân Trường/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm