Hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên nào giờ nổi tiếng ở ĐBSCL nhờ trồng cây thốt nốt để lấy đường, còn trái làm nước uống. Một trong những đơn vị đi đầu trong việc xuất khẩu đường thốt nốt sang Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan... là doanh nghiệp do chị Phạm Ngọc Trang, ở xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, An Giang làm chủ.
Chị Trang kể lại, hành trình đến với việc kinh doanh đường thốt nốt rất tình cờ. Nhìn những người dân Khmer trèo cây mang đường xuống rồi đem đi nấu bán cho những người trong xóm và ở chợ xã chủ yếu là đường chảy, chị nảy ra ý tưởng làm sao chế tạo ra đường khoanh, thẻ để xuất khẩu. Ý tưởng ban đầu này thôi thúc chị tìm tòi học hỏi cách chế biến và sản xuất đường thốt nốt.
Chị Trang bên sản phẩm đường thốt nốt đang xuất khẩu sang Nhật Bản. Ảnh: Ngọc Trinh. |
"Năm đó, tôi thấy xứ mình có nhiều đường thốt nốt mà phần lớn bán đường chảy. Thấy vậy tôi mới học hỏi cách nấu đường của những cụ già ở đây, càng chế biến càng thấy mê. Sau đó, tôi liều một phen nấu đổ thành từng tán bưng bán ngoài Núi Sam. Không ngờ khách mua đến nỗi bán không kịp", chị kể.
Bán được vài năm, chị Trang mới thấy mọi người ở đây bắt chước chế biến đường thốt nốt ngày càng đông. Lúc này thị trường bị phân chia, nhiều cơ sở tranh nhau bán đủ loại giá, không còn lời như trước nữa, thậm chí làm đường kém chất lượng do chạy theo lợi nhuận, nên chị tính cách đem đường đi xuất khẩu.
Trèo cây lấy đường thốt nốt ở Bảy Núi, An Giang. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Tình cờ, có người Việt Kiều Mỹ về nước vào viếng chùa Bà Chúa Xứ Núi Sam ở Châu Đốc rồi mua đường của chị về ăn thử. Không lâu sau, họ gửi nhãn hiệu cho người quen vào tận huyện Tịnh Biên hỏi để đặt mua. "Lúc ấy, cán bộ huyện cầm nhãn hiệu đến tận nhà và kêu tôi mở luôn cơ sở và đăng ký cho thủ tục bảo hộ thương hiệu. Nhờ vậy mà thương hiệu đường thốt nốt của tôi có mặt trong các siêu thị lớn nhỏ ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, và cả TP.HCM, Hà Nội, với sản phẩm chất lượng cao cho đến ngày hôm nay", chị Trang kể tiếp.
Chưa hết, cơ may thật hiếm hoi còn đến với chị lần thứ hai. Khi đó, một người khách Nhật Bản, trong một lần đến Việt Nam, vào siêu thị đã mua đường đem về ăn thử. Thấy ngon, ông mang sản phẩm này về nước kiểm định chất lượng. Mãi đến năm 2003, ông mới lần theo địa chỉ vào tận cơ sở của chị Ngọc Trang ký hợp đồng đầu tư 300 triệu mua thiết bị máy móc, dây chuyền chế biến, sản xuất đường thốt nốt. Sau nhiều lần kiểm định chất lượng sản phẩm, đến năm 2005, mặt hàng đường thốt nốt của chị Trang có đường sang Nhật thuận lợi.
Công đoạn sản xuất đường thốt nốt để xuất khẩu đi nước ngoài phải tuân theoo quy trình nghiêm ngặt. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Chị Trang cho biết, các đối tác Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan đặt ra các tiêu chí rất khắt khe, đó là chất lượng hàng đầu. Quá trình chế biến sản phẩm này phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng đúng các quy trình sản xuất như lắng lọc kỹ, không dùng đường hóa học, phụ gia. Trong quá trình chế biến, công nhân phải vệ sinh khử trùng tay bằng cồn. Còn sản phẩm phải đóng trong bao bì kín. Nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn như trên, hàng hóa làm ra sẽ bị trả lại. Hiện nay trung bình mỗi tháng cơ sở chị Trang sản xuất trên 10 tấn đường thốt nốt thành phẩm vừa xuất khầu và bán trong nước.
Bà chủ doanh nghiệp đường thốt nốt nói thêm, các sản phẩm ở cơ sở chị tương đối đa dạng với nhiều mẫu mã: đường bột, viên, tán, kẹo... Trung bình mỗi ngày, chị xuất bán khoảng 5 tấn đường, với giá từ 24.000 đến 42.000 đồng/kg. Doanh nghiệp này cũng giải quyết việc làm cho gần 200 công nhân lao động có thu nhập bình quân 900.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở của chị Trang xuất bán khoảng 5 tấn đường thốt nốt, với giá 24.000 - 42.000 đồng/kg. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Một vị lãnh đạo Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh An Giang cho biết, với nỗ lực và những thành công hiện tại, cơ sở sản xuất đường của chị Trang đã nhiều lần được UBND tỉnh tặng bằng khen.
Vị này cũng cho rằng, sản xuất đường thốt nốt là ngành tiềm năng ở vùng Bảy Núi. Toàn vùng có khoảng 60.000 cây thốt nốt, sản lượng mỗi năm đạt 3.800 - 4.000 tấn đường thành phẩm. Toàn vùng hiện có khoảng 2.000 hộ dân đang khai thác, đáp ứng việc làm cho trên dưới 5.000 lao động nông thôn, với 75% trong số này là người dân tộc Khmer.