Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nói thủy triều đỏ gây cá chết là thiếu căn cứ khoa học

Tiến sĩ Nguyễn Tác An, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng, kết luận một trong hai nguyên nhân gây cá chết ở miền Trung do thủy triều đỏ là thiếu thuyết phục.

Trao đổi với Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Tác An, cho biết, thủy triều đỏ đầu tiên là làm thay đổi màu sắc, cả mặt biển nhuộm đỏ hoặc sẫm và mắt thường có thể nhìn thấy. Vệ tinh hoàn toàn ghi được hình ảnh. Mặt khác khi có hiện tượng này thì nước biển bốc mùi hôi thối do tảo chết.

Theo ông, nếu xảy ra hiện tượng này thì thời gian qua chính quyền lẫn người dân miền Trung đã nhìn thấy được. Đằng này, họ chưa nhìn thấy biển biến đổi màu; đồng thời chưa ai phản ánh mùi hôi thối của loài tảo chết.

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang đặt nghi vấn về hiện tượng thủy triều đỏ gây cá chết ở các tỉnh miền Trung.

Ngoài ra, thủy triều đỏ gây chết cá ở tầng mặt biển chứ không thể gây chết cá ở tầng đáy. Trong khi, thực tế thời gian qua, cá ở tầng đáy các tỉnh miền Trung chết dạt vào bờ hàng loạt.

"Cơ quan chức năng cho rằng thủy triều đỏ là một trong hai nguyên nhân gây cá chết ở vùng biển miền Trung thì cơ sở khoa học rất yếu", ông An nói.

Cá chết dạt vào bờ biển miền Trung. Ảnh: Đ.N.

Nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang nhận định, nhiều khả năng cá tầng đáy chết hàng loạt ở vùng biển miền Trung vừa qua là do thiếu oxy, tác hại của độc tố hoặc xây dựng các công trình ngầm gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.

Còn tiến sĩ Dư Văn Toán, Trưởng phòng Nghiên cứu Biển và Biến đổi khí hậu (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam), cho biết, thức ăn của cá theo chuỗi, ấu trùng ăn tảo, cá con sống tầng nổi ăn ấu trùng, cá lớn ở tầng nước sâu ăn cá con…

Do đó, chỉ khi biển tích lũy độc tố trải qua thời gian dài, lan ra diện rộng thì loài cá lớn sống ở tầng đáy mới chết đồng loạt dạt vào bờ biển Trung Bộ như vậy.

Sự nguy hiểm của thủy triều đỏ

Thủy triều đỏ là thuật ngữ chỉ hiện tượng tảo đồng loạt nở hoa, gây hại cho các loài sinh vật, bao gồm san hô, các loài rong biển, động vật và cả con người.

Phân tích về cơ chế gây hại của hiện tượng này đối với các loài sinh vật biển, tiến sĩ Dư Văn Toán cho biết, đây là hậu quả của tảo nở hoa. Khi đó tảo nở hoa bám vào mang khiến cá không thở được hay lớp tảo nổi trên bề mặt biển ngăn cản nhiệt lượng không khí gây giảm oxy, nghèo dinh dưỡng.

Theo ông Toán, có thực tế là hiện nay nguồn thải ô nhiễm ven bờ từ các dòng sông đổ ra biển chiếm đến 70%, 30% còn lại là hoạt động tàu thuyền gây ô nhiễm môi trường biển. Độc tố kim loại nặng thì chìm xuống đáy biển, nhẹ thì nổi lên tạo lớp vi mạch bề mặt biển (không màu).

"Hóa chất độc hại tồn dư tích tụ lâu ngày, lan ra diện rộng mới có thể gây cá chết ở nhiều tỉnh miền Trung như vừa qua được. Cơ quan chức năng cần sử dụng thiết bị máy dò, siêu âm ngay cả cá còn sống ở vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ song hành với lấy mẫu nước, mẫu cá chết để phân tích, đối chiếu thì mới mang lại kết quả toàn diện được”, ông Toán cho biết thêm. 

Theo các chuyên gia, độc tố cụ thể gây cá chết hàng loạt vài ngày tới phân tích hoàn tất mới có kết quả chính thức. 

Thuỷ triều đỏ là gì? Thuỷ triều đỏ là hiện tượng các dòng thuỷ triều đổi màu vào mùa hè, được gây ra bởi các thực vậy đơn bào, đặc biệt tảo biển làm giảm oxi trong nước biển.

Ngày 6/4 ngư dân địa phương phát hiện cá chết tại vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Bốn ngày sau, hiện tượng tiếp diễn tại vùng biển xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Những ngày sau đó, liên tiếp các vùng biển Nhân Trạch (huyện Bố Trạch), Quang Phú và Bảo Ninh (TP Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) ghi nhận tình trạng cá chết đồng loạt dạt vào bờ biển.

Chiều 23/4 tại Hà Tĩnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế để truy tìm nguyên nhân cá chết.

Chưa có bằng chứng Formosa gây cá chết hàng loạt

Các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định đến thời điểm hiện tại chưa có bằng chứng để kết luận mối liên hệ của Formosa và các nhà máy đến việc cá chết hàng loạt.

 

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm