Tại Đà Nẵng, sáng 27/4, một số người dân và du khách đi tắm biển Phạm Văn Đồng và T18 (quận Sơn Trà) thấy một số xác cá chết bị sóng đánh dạt vào bờ cát. Theo phản ánh của anh Tịnh (một du khách) những con cá này to bằng bàn tay người lớn, đã bốc mùi hôi thối. Ở cạnh 2 con cá mới chết là những xương cá đã bị thối rửa.
Lãnh đạo Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết những ngày qua cũng có rải rác cá chết dạt vào bờ. Ngay trong sáng nay, công nhân môi trường đã đi thu gom xác cá bỏ vào thùng rác.
Cá chết xuất hiện ở biển Đà Nẵng. Ảnh: T.Đ |
Trước đó, tối 26/4, một số du khách đi tắm biển cũng phát hiện 2 xác cá chết trôi dạt ở bãi tắm T18. Những người này đã chụp lại ảnh, đăng lên trang Facebook Quản lý đô thị Đà Nẵng.
Theo ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT Đà Nẵng, sau khi xuất hiện thông tin cá chết ở biển Đà Nẵng, đơn vị đã cử người đi xác minh, lấy mẫu nước để xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân vụ việc.
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản Đà Nẵng, cho biết những ngày qua một số bãi biển xuất hiện cá chết. Người dân vì lo lắng nên đã thông tin đến Chi cục Thủy sản đề nghị kiểm tra. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này chưa chắc chắn những con cá trên chết là do nguồn nước nhiễm độc tố.
“Chúng tôi đã kiểm tra bờ biển từ Ngũ Hành Sơn đến Sơn Trà, biển khu vực quận Liên Chiểu và đúng là có cá chết. Đây là những con cá nhỏ, đã chết lâu ngày. Chi cục xác định là cá bị thương do vướng lưới nên chết", vị này nói.
Ảnh: T.Đ |
Cũng trong sáng nay, làng chài ở thị trấn Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng xuất hiện hàng chục con cá to bằng bàn tay chết nổi trên mặt nước. Theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng này xuất hiện 2 hôm nay. Ở một số lồng bè, tình trạng cá chết cũng đã diễn ra.
"Chúng tôi rất lo lắng vì hiện tượng cá chết có nguy cơ làm gia đình chúng tôi trắng tay", một người nuôi cá lồng bè ở thị trấn Lăng Cô lo lắng.
Còn tại xã đảo Cù lao Chàm (Quảng Nam), tình trạng cá chết cũng đã xuất hiện trong 2 ngày qua. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP Hội An) cá chết là do ngư dân lén lút nổ mìn chứ không phải do độc tố.
Ca cá to bằng bàn tay chết trên biển Đà Nẵng. Ảnh: Đ.T |
Chiều 27/4, lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay đã phát hiện có 17 con cá bị chết trôi dạt vào bờ trong tình trạng phân hủy mạnh. Trong đó, khu vực bãi Đa (bán đảo Sơn Trà) có 3 con (cá nóc nhím, dìa và cá mó), ven biển từ Thọ Quang - Hòa Hải 14 con. Theo các ngư dân, số lượng cá chết trôi dạt vào bờ như thế là bình thường.
"Nguyên nhân có thể do trong quá trình khai thác, cá bị chết nhưng tàu không thu hồi. Lâu này xác các thối rữa rồi trôi dạt vào bờ biển.", đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho hay.
Lãnh đạo TP Đà Nẵng cũng thông tin, các hộ nuôi lồng bè hiện nay trên địa bàn vẫn hoạt động bình thường, chưa có tình trạng cá chết như ở một số địa phương khác.
Sau khi có thông tin về việc cá biển chết trôi dạt vào bờ biển các tỉnh bắc miền Trung, tâm lý của người dân có chút e ngại khi ăn cá biển dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm khai thác tại các chợ giảm mạnh.
"Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản thường xuyên phối hợp với các địa phương, cơ quan có liên quan và bà con ngư dân tiếp tục theo dõi tình hình để kịp thời báo cáo Sở NN&PTNT", đại diện lãnh đạo Sở cho biết.
Lăng Cô, Đà Nẵng và Cù Lao Chàm là 3 địa điểm nổi tiếng trong tam giác du lịch trọng điểm của miền Trung. Vào mùa du lịch, các nơi này thu hút hàng nghìn lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.