Giới đầu tư lo ngại về khả năng phá sản của ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse. Ảnh: Reuters. |
Theo CNBC, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc kỷ lục trong tuần này vì lo ngại phá sản. Nguyên nhân là phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của nhà băng tăng lên mức cao nhất chưa từng có.
CDS là một công cụ phái sinh, trong đó bên mua trả phí bảo vệ rủi ro để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố xảy ra. Việc phí CDS của Credit Suisse tăng bất thường làm dấy lên lo ngại về khả năng phá sản của ngân hàng Thụy Sĩ.
Giá cổ phiếu đã phục hồi trong phiên ngày 4/10 nhưng vẫn giảm 53% kể từ đầu năm. Nhà băng Thụy Sĩ đang bắt tay vào đánh giá chiến lược của CEO mới sau hàng loạt bê bối và thất bại trong việc quản lý rủi ro. Đến ngày 27/10, Credit Suisse sẽ cập nhật tiến độ và công bố thu nhập quý vừa qua.
Rủi ro tăng cao
Tuần trước, CEO Credit Suisse Ulrich Koerner đã lên tiếng trấn an các nhân viên khi nỗi lo ngại lan rộng. Ông cam kết sẽ thường xuyên cập nhật trong "giai đoạn đầy thử thách" và nhấn mạnh ngân hàng đang triển khai đánh giá chiến lược đúng hướng.
Dựa vào lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của Credit Suisse so với các ngân hàng đầu tư khác ở châu Âu, hãng nghiên cứu Mỹ CFRA đã hạ mục tiêu giá (price target) của cổ phiếu Credit Suisse từ 4,5 franc Thụy Sĩ/cổ phiếu xuống 3,5 franc/cổ phiếu.
Chỉ số P/B (giá trị sổ sách) của cổ phiếu chỉ đạt 0,2 lần, so với mức trung bình 0,44 lần của các ngân hàng đầu tư châu Âu. CFRA cũng hạ dự báo EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) cho cả năm 2022 và 2023.
Credit Suisse phải đánh giá chiến lược sau hàng loạt bê bối và thất bại trong việc quản lý rủi ro. Ảnh: Reuters. |
Chỉ số P/B là tỷ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Còn EPS chỉ phần lợi nhuận của công ty phân bổ cho từng cổ phiếu thường đang lưu hành.
"Chúng tôi cho rằng những lo ngại xoay quanh cổ phiếu của Credit Suisse sẽ không giảm bớt, và điều này đè nặng lên giá cổ phiếu", ông Firdaus Ibrahim - nhà phân tích tại CFRA - bình luận.
Ông cho rằng một kế hoạch tái cấu trúc thuyết phục sẽ giúp giảm bớt lo ngại. "Nhưng chúng ta vẫn có thể hoài nghi. Bởi các kế hoạch tái cấu trúc trước đây của họ thường khá tệ", vị chuyên gia nói thêm.
Chúng tôi cho rằng những lo ngại xoay quanh cổ phiếu của Credit Suisse sẽ không giảm bớt, và điều này đè nặng lên giá cổ phiếu
Ông Firdaus Ibrahim - nhà phân tích tại CFRA
Dù vậy, theo công ty phân tích dữ liệu S3 Partners, Credit Suisse chỉ là ngân hàng bị bán khống nhiều thứ 8 tại châu Âu. Tính đến ngày 3/10, 2,42% cổ phiếu lưu động của ngân hàng được dùng để đặt cược vào khả năng giảm giá.
Cả 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn - Moody’s, S&P và Fitch - đều bi quan về triển vọng của Credit Suisse. Nói với CNBC, ông Johann Scholtz - chuyên gia phân tích cổ phiếu tại DBRS Morningstar - cho rằng điều này có thể khiến phí CDS của ngân hàng tăng cao hơn nữa.
Ông lo ngại vấn đề trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ lặp lại với Credit Suisse. Bởi các khách hàng không muốn làm ăn với những tổ chức tài chính vì lo ngại hiệu ứng domino và rủi ro đối tác.
"Các ngân hàng có đòn bẩy tài chính cao sẽ dễ tổn thương hơn trước sự thay đổi của tâm lý khách hàng và nguồn vốn", ông Scholtz bình luận.
Ông cho rằng nhà băng Thụy Sĩ sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc đảm bảo lợi ích của các nguồn vốn, nhất là những nguồn vốn lớn, và sau đó là lợi ích của các cổ đông.
Khó trở thành Lehman Brothers thứ 2
"Nhiều nhà đầu tư sẽ đặt ra câu hỏi rằng, vì sao ngân hàng cần phải tăng vốn nếu không gặp vấn đề về khả năng thanh toán", ông Scholtz nhận định.
Tuy nhiên, ông bác bỏ ý kiến cho rằng Credit Suisse có thể là Lehman Brothers thứ 2. Trên thực tế, trong cuộc khủng hoảng năm 2008, thị trường đều nhận ra rằng "có những vấn đề nghiêm trọng" đối với bảng cân đối kế toán của Lehman Brothers, và cần phải thực hiện bút toán giảm.
"Khi Credit Suisse công bố kết quả đánh giá vào cuối tháng, ngân hàng có thể phải thực hiện một số bút toán giảm. Tuy nhiên, chưa có thông tin nào cho thấy việc bút toán giảm sẽ khiến nhà băng này gặp các vấn đề về thanh toán", ông Scholtz giải thích.
Credit Suisse được cho là khó trở thành Lehman Brothers thứ 2. Ảnh: Reuters. |
"Khác với cuộc khủng hoảng tài chính, vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, không chỉ riêng gì Credit Suisse, hiện cao hơn nhiều. Hơn nữa, đã có một cuộc đại tu triệt để về cấu trúc của vốn hóa ngân hàng. Việc mua lại nợ cũng có khả năng giải quyết những vấn đề về thanh toán của các nhà băng", vị chuyên gia nói thêm.
Trong vòng 5 năm qua, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã lao dốc hơn 73%. Tuy nhiên, ông Scholtz cho rằng Credit Suisse nhìn chung "vẫn còn nhiều giá trị" trên từng bộ phận kinh doanh.
"Hoạt động kinh doanh quản lý tài sản của ngân hàng vẫn rất tốt, nhất là khi so với các công ty cùng ngành", ông bình luận.