Giá dầu thô thế giới bật tăng hôm 3/10. Ảnh: Reuters. |
Theo dữ liệu của Trading Economics, trong ngày giao dịch đầu tuần, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã vọt lên 88 USD/thùng, tăng 3,4% so với 24 giờ trước đó.
Trong khi đó, giá dầu WTI tăng 3,37% lên 82,1 USD/thùng.
Theo giới quan sát, giá dầu tăng trở lại trước thềm cuộc họp của OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh). Hôm 26/9, giá dầu Brent có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 85 USD/thùng, đánh dấu mức thấp nhất kể từ cuối tháng 1.
Giá dầu thô thế giới bật tăng từ mức thấp nhất trong vòng 8 tháng. Ảnh: Trading Economics. |
Cuộc họp của OPEC+
"Giá dầu tăng trở lại khi giới đầu tư dồn sự chú ý vào cuộc họp của OPEC+ trong tuần này. Nhóm có thể hành động khi triển vọng kinh tế xấu đi và giá dầu lao dốc", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Nhóm có thể giảm sản lượng dầu đáng kể. Câu hỏi đặt ra là việc cắt giảm sản lượng có đủ lớn để bù đắp nhu cầu suy yếu hay không", ông nói thêm.
Theo các nguồn tin của Reuters, OPEC+ đang cân nhắc khả năng cắt giảm sản lượng dầu hơn 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp tuần này. Đây sẽ là động thái lớn nhất kể từ thời kỳ dịch Covid-19 nhằm giải quyết tình trạng suy yếu của thị trường dầu.
Giá dầu tăng trở lại khi giới đầu tư dồn sự chú ý vào cuộc họp của OPEC+ trong tuần này. Nhóm có thể hành động khi triển vọng kinh tế xấu đi và giá dầu lao dốc
Ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường có trụ sở ở London
Trước đó, Saudi Arabia cho biết nhóm có thể cắt giảm sản lượng khi giá dầu lao dốc, thị trường liên tục trồi sụt trong nhiều tháng qua.
Vào thời điểm giá dầu tăng vọt do ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine, các nước tiêu thụ dầu lớn, bao gồm Mỹ, liên tục kêu gọi hạ nhiệt giá dầu để hỗ trợ nền kinh tế thế giới, OPEC+ vẫn từ chối nâng sản lượng dầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn giảm mạnh do những lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và đà tăng của đồng USD sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
"Mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Việc các ngân hàng trung ương ồ ạt nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại đối với tăng trưởng", ông Craig Erlam nhận định với Zing.
"Các ngân hàng trung ương đã chấp nhận rằng một cuộc suy thoái là cái giá phải trả để kìm hãm lạm phát. Và điều này có thể ảnh hưởng tới giá dầu", ông Erlam bình luận.
Theo vị chuyên gia, việc giá dầu Brent chưa thể vượt ngưỡng 90 USD/thùng cho thấy giới đầu tư tin rằng động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ không thể bù đắp những tác động của đà suy yếu kinh tế.
Quyết tâm giữ giá dầu ở mức cao
Reuters cho rằng việc OPEC cắt giảm sản lượng có thể chọc giận Mỹ. Washing vốn đang kêu gọi Saudi Arabia tăng sản lượng để hạ nhiệt giá dầu hơn nữa, và bào mòn doanh thu của Nga nhằm trừng phạt Moscow vì cuộc chiến ở Ukraine.
Tuần trước, một nguồn tin của Reuters cho biết Điện Kremlin muốn OPEC+ cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nguồn cung toàn cầu.
Đây sẽ là mức cắt giảm lớn nhất kể từ năm 2020, khi OPEC+ giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày để ổn định giá dầu khi nhu cầu lao dốc vì đại dịch.
Các chuyên gia theo dõi OPEC tại UBS và JPMorgan cũng không loại trừ khả năng nhóm này cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày, và sẵn sàng hành động để ngăn đà giảm giá.
OPEC+ có thể giữ giá dầu trên ngưỡng 90 USD/thùng. Ảnh: Reuters. |
Theo chuyên gia Stephen Brennock tại PVM, ban lãnh đạo OPEC+ sẽ vào cuộc để ngăn dầu rơi xuống dưới ngưỡng giá 90 USD/thùng.
Nhóm không tiết lộ về việc muốn giá dầu duy trì ở mức nào. Tuy nhiên, từ những động thái mới nhất, Reuters cho rằng mục tiêu của OPEC+ là giữ giá dầu trên ngưỡng 90 USD/thùng.
Vấn đề nằm ở chỗ nếu OPEC+ quyết tâm giữ giá dầu trên 90 USD/thùng, nền kinh tế thế giới có thể rơi vào một cuộc suy thoái do giá năng lượng quá cao.
Nếu kịch bản này xảy ra, OPEC+ thậm chí phải hành động mạnh tay hơn nữa để duy trì giá dầu trên ngưỡng 50 USD/thùng. Bởi một cuộc suy thoái có thể dẫn tới hiện tượng phá hủy nhu cầu.