Đồng nhân dân tệ chịu sức ép khi triển vọng kinh tế xấu đi. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, việc Bắc Kinh thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày cao hơn dự báo đã không thể ngăn chặn đà giảm mạnh của đồng nhân dân tệ. Trong nhiều tuần qua, đồng tiền của Trung Quốc thường được giao dịch sát mức sàn của biên độ giao dịch so với đồng USD.
Đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang bán khống đồng tiền này.
Biến động của chỉ số USD và tỷ giá USD/CNY trong vòng một năm qua. Ảnh: Trading Economics. |
Nhà đầu tư bán khống
Bán khống là cách kiếm lợi nhuận từ sự sụt giá của một khoản đầu tư. Để thu lời, người bán khống có thể mượn tài sản để bán, sau đó mua lại với giá thấp hơn trong tương lai, rồi hưởng lợi từ chênh lệch giá bán - mua.
Việc đặt cược vào khả năng đồng nhân dân tệ giảm giá có thể tạo ra vòng xoáy đẩy giá đi xuống hơn nữa.
Mới đây, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã phải lên tiếng cảnh báo về việc đặt cược vào đồng nhân dân tệ.
Tuyên bố của PBoC, cùng với việc yêu cầu các ngân hàng duy trì sự ổn định trên thị trường ngoại hối, nhằm ngăn cản đà giảm mạnh của đồng nhân dân tệ
Đội ngũ phân tích tại Goldman Sachs
"Không đặt cược vào đà tăng hay giảm một chiều của đồng nhân dân tệ", ngân hàng trung ương nhấn mạnh trong một tuyên bố trên website hôm 28/9. Thông điệp này được trích từ bài phát biểu của Phó thống đốc PBoC Liu Guoqiang tại một hội nghị diễn ra cùng ngày.
Sau tuyên bố của PBoC, đồng nhân dân tệ đã tăng 0,1% sau 8 phiên giảm liên tiếp.
"Tuyên bố của PBoC, cùng với việc yêu cầu các ngân hàng duy trì sự ổn định trên thị trường ngoại hối, nhằm ngăn cản đà giảm mạnh của đồng nhân dân tệ", CNBC dẫn nhận xét của bà Maggie Wei và đội ngũ phân tích tại Goldman Sachs.
"Tuy nhiên, việc để đồng nhân dân tệ yếu hơn mức 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không nhất thiết phải bảo vệ tỷ giá ở mức cụ thể nào", nhóm phân tích nhận định.
"Tuyên bố của PBoC chỉ giúp đà giảm của đồng tiền Trung Quốc chậm lại", đội ngũ chuyên gia nói thêm.
Nỗ lực của PBoC
Đồng tiền Trung Quốc chịu áp lực lớn do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại và dòng vốn chảy khỏi đất nước tỷ dân. Đà phục hồi kinh tế bị cản trở bởi các đợt bùng phát Covid-19 lẻ tẻ ở những thành phố trên khắp đất nước, thị trường nhà ở suy yếu và nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu sụt giảm.
Đà giảm càng trở nên nghiêm trọng sau khi PBoC cắt giảm lãi suất vào tháng 8. Điều này đi ngược với xu hướng chung trên toàn cầu. Hầu hết ngân hàng trung ương lớn đã tăng lãi suất để kìm hãm lạm phát.
Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Hôm 28/9, chỉ số USD - đo lường sức mạnh của đồng tiền Mỹ với các tiền tệ chủ chốt khác - đã vượt mức 114,7 điểm, ngưỡng cao nhất kể từ tháng 5/2002. Cùng ngày, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở cả trong nước và nước ngoài rơi xuống dưới mốc 7,2 nhân dân tệ đổi 1 USD, mức yếu nhất trong vòng 14 năm.
Đến ngày 29/9, đồng tiền này đã trở lại mức 7,1 nhân dân tệ đổi 1 USD.
Đồng USD vừa tăng lên mức cao nhất trong vòng 20 năm. Ảnh: Reuters. |
Tháng này, PBOC cũng đã đưa ra nhiều động thái để hỗ trợ đồng nội tệ, bao gồm giảm lượng ngoại tệ mà các ngân hàng cần nắm giữ.
Theo nguồn tin của Reuters, Bắc Kinh cũng yêu cầu các ngân hàng địa phương sử dụng lại "yếu tố phản chu kỳ" - công cụ cố định tiền tệ từng bị loại bỏ cách đây 2 năm - để tác động tới cơ chế điều chỉnh tỷ giá.
Hồi năm 2017, Trung Quốc đã áp dụng "yếu tố phản chu kỳ" nhằm giảm thiểu biến động của đồng nhân dân tệ, vốn đã suy yếu 3 năm liên tiếp.
Việc áp dụng "yếu tố phản chu kỳ" vào mô hình định giá đồng nghĩa rằng Bắc Kinh sẽ can thiệp sâu hơn, còn vai trò của các lực lượng thị trường đối với tỷ giá đồng nhân dân tệ giảm đi.
Ngoài ra, để kìm hãm đà giảm mạnh của đồng nhân dân tệ, giới chức Trung Quốc đã ấn định tỷ giá trung tâm của đồng nội tệ cao hơn dự báo và dừng công bố những nỗ lực nới lỏng tiền tệ lớn.