Bảng Anh vừa rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Ảnh: Reuters. |
Đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD vào sáng 26/9 (theo giờ Việt Nam) sau khi Chính phủ Anh tuyên bố cắt giảm thuế và khuyến khích đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng bảng Anh lao dốc sẽ gây áp lực lên chính quyền mới và ngân hàng trung ương. Trên thị trường quyền chọn, các nhà đầu tư đã tính tới khả năng đồng bảng rẻ ngang USD trước khi kết thúc năm 2022.
Cụ thể, theo Bloomberg, các giao dịch trên thị trường quyền chọn cho thấy giới đầu tư định giá khả năng xảy ra kịch bản này lên tới 60%.
Đồng bảng giảm mạnh so với USD khi sức mạnh của đồng bạc xanh tăng lên. Ảnh: Trading Economics. |
Các chính sách mới gây tranh cãi
Các chính sách kinh tế được chính phủ mới của Anh đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Anh cho rằng nền kinh tế "có thể đã rơi vào suy thoái".
Theo tân Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, trước mắt, London sẽ chi 200 tỷ bảng Anh để giảm thuế và hỗ trợ chi phí điện, khí đốt cho hộ gia đình và doanh nghiệp trong vòng 6 tháng. Ông cũng tuyên bố về "một kỷ nguyên mới" tập trung thúc đẩy tăng trưởng.
Theo Bloomberg, các chính sách mới bị chỉ trích rằng sẽ đẩy lạm phát lên cao hơn nữa, làm tổn hại ngân sách nhà nước, khiến đồng bảng bị bán tháo và gây áp lực lên ngân hàng trung ương.
Việc cắt giảm thuế đã vượt ngoài dự đoán của giới đầu tư. Tân Thủ tướng Liz Truss cho rằng những thay đổi sẽ thúc đẩy nền kinh tế, ngăn chặn suy thoái và đưa Anh thoát khỏi giai đoạn trì trệ kéo dài một thập kỷ.
Trong năm nay, đồng bảng Anh và đồng euro đều giảm mạnh so với USD. Ảnh: Trading Economics. |
Ngay sau khi ông Kwarteng công bố kế hoạch, đồng bảng Anh lao dốc 3% xuống mức thấp nhất kể từ năm 1985. Hai ngày sau đó, ông khẳng định Chính phủ Anh sẽ "làm nhiều hơn thế", khiến đồng bảng giảm mạnh gần 5% xuống ngưỡng thấp kỷ lục.
Giới đầu tư lo ngại rằng việc kích thích tài khóa sẽ thúc đẩy giá cả tăng cao. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đang cố kìm hãm lạm phát hiện cao gấp 5 lần mục tiêu và gần với mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Các nhà đầu tư cũng cho rằng việc tăng chi tiêu sẽ ảnh hưởng đến nợ công. Tài chính của Anh vốn đã căng thẳng vì những chương trình chi tiêu khẩn cấp trong thời kỳ đại dịch, giá năng lượng tăng vọt do xung đột Nga - Ukraine và các chi phí liên quan đến cuộc bỏ phiếu Brexit.
BoE sẽ vào cuộc?
Chính phủ Anh giảm thuế để thúc đẩy nền kinh tế, từ đó tạo ra doanh thu thuế cao hơn và tiếp tục kiểm soát vay nợ. Nhưng kế hoạch này gây ra nhiều lo ngại.
Trong quá khứ, ông Nigel Lawson - một trong những người tiền nhiệm của ông Kwarteng, làm việc dưới thời Thủ tướng Margaret Thatcher - cũng từng đối mặt với lạm phát gia tăng vào cuối thập niên 80 sau khi đưa ra gói cải cách thuế.
Thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh hiện rất lớn. Thâm hụt ngân sách cũng khá lớn. Điều này sẽ nghiêm trọng hơn nữa sau thông báo của ông Kwarteng.
BoE sẽ đối mặt với thách thức lớn trong cuộc chiến chống lạm phát khi Chính phủ Anh đang cố gắng kích thích nền kinh tế
Ông Nicholas Ferres, Giám đốc đầu tư tại Vantage Point Asset Management
Thông thường, đầu tư vào bất động sản tại Anh và những tài sản khác có xu hướng thúc đẩy đồng bảng. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc và nền kinh tế đối mặt với nhiều biến động, không nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Anh.
Theo các nhà lập pháp, BoE có thể cần phải vào cuộc, tăng lãi suất khẩn cấp để xoa dịu căng thẳng trên thị trường.
"BoE sẽ đối mặt với thách thức lớn trong cuộc chiến chống lạm phát khi Chính phủ Anh đang cố gắng kích thích nền kinh tế", ông Nicholas Ferres, Giám đốc đầu tư tại Vantage Point Asset Management, nhận định.
Ông cho rằng BoE có thể tổ chức một cuộc họp chính sách khẩn vào tuần này và tuyên bố nâng lãi suất. "Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không ngạc nhiên", ông Ferres nói thêm.
Đồng bảng Anh cũng chịu áp lực lớn khi đồng USD mạnh lên. Trong cuộc họp chính sách tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp, đưa mặt bằng lãi suất điều hành của Mỹ lên 3-3,25%.
Trong năm nay, đồng euro cũng giảm mạnh so với đồng bạc xanh và chính thức rơi xuống dưới ngưỡng 1 USD đổi 1 euro. Nguyên nhân là Fed liên tục tăng lãi suất và triển vọng kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu suy yếu.