Vụ xả súng gây rúng động nước Mỹ hôm 26/5 khiến 9 người thiệt mạng.
Họ là những người làm việc tại một sân ga đường sắt tại khu vực San Jose, bang California (Mỹ).
Những nạn nhân này là lái tàu, thợ sửa chữa, kỹ sư chuyên nghiệp và giám sát viên văn phòng. Họ từng có một cuộc sống tốt, có nhà riêng và có tiền cho con cái đi học đại học.
Trong ca trực dài đằng đẵng, họ quan tâm chăm sóc cho nhau như những người bạn lâu năm, theo Washington Post.
Cảnh sát có mặt tại hiện trường vụ xả súng ở San Jose hôm 26/5. Ảnh: Reuters. |
Đồng nghiệp của các nạn nhân cho biết trong tình cảnh này, họ thực sự cảm thấy như mất đi người thân trong gia đình. Qua nhiều giờ làm việc và giúp đỡ lẫn nhau, các công nhân ở sân ga đường sắt này có một sợi dây liên kết kỳ lạ. Và mối ràng buộc ấy giờ đây khiến họ càng trở nên đau buồn, tức giận và phẫn nộ.
“Tôi chưa bao giờ trải qua chuyện gì như thế này. Tôi vẫn thường thấy tin xả súng, nhưng đột nhiên nó trở thành hiện thực và liên quan tới gia đình tôi", Bagga Singh, anh họ của một nạn nhân, nói.
Bị cáo trong vụ xả súng là Samuel Cassidy. Những nạn nhân bị giết hại là cư dân California, người nhập cư từ Ấn Độ và Philippines. Họ có độ tuổi từ 29 đến 63.
Bốn người trong số họ làm việc tại sân ga đường sắt này ít nhất hai thập kỷ. Những nạn nhân khác cũng đã làm việc ở đây ít nhất 7 năm.
Tay súng bắn 39 phát đạn nhằm vào cuộc họp nghiệp đoàn của các công nhân ở sân ga đường sắt vào sáng sớm, sau đó tự sát. Họ đều qua đời ngay tại hiện trường, ngoại trừ Alex Ward Fritch qua đời bên người thân tại bệnh viện.
Bị bắn chết khi cố gắng cứu đồng nghiệp
Em họ của Bagga Singh là Taptejdeep Singh, nạn nhân trong vụ xả súng. Taptejdeep Singht là một tín đồ đạo Sikh từ Ấn Độ đến Mỹ.
Anh thiệt mạng khi cố gắng cứu sống các đồng nghiệp của mình. Anh lao ra khỏi nơi ẩn nấp và giúp một người phụ nữ vào phòng an toàn. Sau đó, anh gặp phải kẻ xả súng trên cầu thang. Đây chính là nơi anh bị bắn, người thân của nạn nhân này cho biết.
“Tôi tức giận, tôi buồn bã, tôi không nói nên lời. Tôi đã ở đó để giúp đỡ gia đình các nạn nhân, nhưng tôi không biết làm thế nào. Ở đó, chúng tôi cảm thấy bất lực", Nauni Singh, một giám sát viên ở sân ga đường sắt này, nói.
Mỗi ngày khi Taptejdeep Singh đi làm về, con trai 3 tuổi và con gái một tuổi của anh sẽ dõi theo cha từ cửa sổ, và sau đó trò trốn tìm bắt đầu.
“Sau đó, cậu ấy tìm hai đứa con dưới gầm giường hoặc sau tấm rèm cửa", người anh họ Bagga Singh kể lại.
Taptejdeep Singh thiệt mạng trong vụ xả súng ở San Jose, Mỹ, hôm 26/5. Ảnh: AP. |
Nhưng vào ngày 26/5, Taptej không trở về nhà. Bagga nhận được cuộc gọi từ vợ nói rằng có một vụ nổ súng tại nơi làm việc của người em họ, trong khi Taptej không trả lời điện thoại của anh.
Taptej lớn lên trong một gia đình nhiều thế hệ cùng chung sống ở Punjab, miền Bắc Ấn Độ. Anh và Bagga coi nhau như anh em ruột, hay cùng vui đùa trên cánh đồng.
Sau khi đến California vào năm 2004, Taptej ước mơ mua đất ở ngoại ô thành phố Union để trồng trái cây, các loại hạt và rau.
Tại California, Taptej bắt đầu công việc tại các nhà máy, sau đó làm bảo vệ. Từ năm 2014, anh vươn lên trở thành giám sát viên đường sắt nội thành. Anh cũng từng làm môi giới bất động sản.
Karman Singh, anh trai của Taptej, cho biết sau khi nghi phạm bắt đầu nổ súng, Taptej “nhanh chóng phản ứng để đưa các đồng nghiệp vào văn phòng an toàn, ráo riết gọi những người sắp đến thay ca để cảnh báo cho họ".
“Ngay cả trong khoảnh khắc hỗn loạn này, Taptejdeep vẫn sống theo các giá trị của tín đồ đạo Sikh: sống để phục vụ và bảo vệ người khác", Karman nói.
Sukhvir Singh, một nhân viên ở sân ga đường sắt này, cho biết khi vụ việc xảy ra, Taptej đã gọi cho cô để cảnh báo về tay súng.
"Anh ấy nói tay súng đang ở trong tòa nhà B, nên hãy đi trốn hoặc ra ngoài ngay lập tức. Anh ta nói với tôi rằng anh ta đang ở với Paul, một nạn nhân khác, vào thời điểm đó. Nhờ có anh ấy, rất nhiều người đã sống sót để trở về với gia đình", anh nói thêm.
Nỗi đau của gia đình nạn nhân
Paul mà người này nhắc đến là Paul DelaCruz Megia, 42 tuổi, trợ lý giám đốc tại ga đường sắt. Anh cũng là nạn nhân trong vụ xả súng hôm 26/5.
Megia là người nhập cư từ Philippines, có vợ và bốn người con. Công việc của anh đòi hỏi phải dậy sớm, thường là lúc 4h30 sáng. Nhưng anh luôn dành thời gian gọi điện cho các con mỗi sáng trước khi chúng đi học.
Megia “tràn đầy tình yêu, những câu chuyện cười, tràn đầy năng lượng và luôn sẵn sàng cho những cuộc phiêu lưu mới". "Chúa đã đưa anh ấy đi quá sớm. Tôi nguyện làm bất kỳ điều gì có thể để được ôm anh ấy một lần cuối và nói lời tạm biệt", vợ người này nói.
Trên sân sau ngôi nhà của Alex và Terra Fritch ở San Jose, họ dựng lên một quầy bar với ánh đèn lấp lánh để tận hưởng cuộc sống sau giờ làm việc.
Đám đông tụ tập ở San Jose City Hall Plaza để cầu nguyện cho các nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hôm 26/5. Ảnh: Washington Post. |
Alex, 49 tuổi, làm việc tại ga đường sắt trong hơn 8 năm với nhiệm vụ bảo trì các trạm biến áp. Ông và Terra kết hôn được 20 năm. Họ có hai cậu con trai tuổi teen, và Alex cũng có một cô con gái 30 tuổi.
Terra biết rằng có điều gì đó không ổn khi bà nhận được cuộc gọi từ một người bạn vào sáng 26/5, hỏi xem Alex có an toàn không.
“Alex là tất cả đối với gia đình này. Anh ấy là trụ cột kinh tế của gia đình chúng tôi. Anh ấy là người để chúng tôi dựa vào khi gục ngã", Terra nói.
Dù bị thương nặng, Alex vẫn cố gắng cầm cự để con gái ông có đủ thời gian từ San Diego đến.
“Alex đã thực sự chiến đấu hết mình. Anh ấy không muốn bỏ lại gia đình. Chúng tôi cũng không muốn anh ấy đi đâu cả", Terra nói.
Khi tình hình sức khỏe của Alex trở nên nghiêm trọng hơn, một y tá đã để Terra cùng nằm trên giường bệnh với chồng bà.
"Bằng cách nào đó anh ấy biết tôi đang ở cạnh, vì tay anh ấy - dù bị co giật - nhưng vẫn nắm lấy tay tôi", bà xúc động kể lại.
Rồi tim Alex ngừng đập.
"Chúng tôi vốn có kế hoạch kỷ niệm ngày cưới vào tháng 9 tới ở bãi biển Hawaii. Nhưng tất cả đều đổ sông đổ bể", người vợ này nói.