Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nội bộ Anonymous chia rẽ vì chiến dịch tấn công IS

Anonymous đang tuyên chiến mạnh mẽ với IS, nhưng không phải thành viên nào của họ cũng hào hứng với việc này.

Một hacker liên quan đến nhóm này với bí danh “X” đã gửi email về trang Tech Insider nói rằng, anh “không đồng ý và (cũng sẽ) không ủng hộ” chiến dịch Operation ISIS.

Nội dung chính mà hacker này phàn nàn là lợi ích của chiến tranh mạng chống lại IS rồi sẽ thuộc về chính phủ Mỹ và các nước NATO, trong khi chính anh ta đang bị họ săn lùng.

“Những tổ chức này đang gọi Anonymous là 'nhóm khủng bố nước ngoài', cùng nhóm với IS. Chính lý do này khiến chúng tôi đang đấu đá với họ trong nhiều năm”, X nói với TechInsider.

Thực tế, Bộ Ngoại giao Mỹ không xếp Anonymous trong nhóm khủng bố, nhưng có thể X đang dẫn lại tuyên bố của cựu Giám đốc NSA, Keith Alexander năm 2012.

“Thật ngu ngốc khi lại giúp sức cho kẻ địch, trong khi họ giam cầm và tra tấn cộng sự của chúng tôi. Nếu Mỹ và châu Âu trao trả các thành viên này, cũng như đồng ý ngưng tấn công, có lẽ Anonymous sẽ đạt được thỏa thuận hỗ trợ họ chống lại IS. Cho tới lúc đó, hãy để NATO và Mỹ chiến đấu với con quỷ của họ. Ít ra, họ sẽ không còn đủ lực để tấn công chúng tôi nữa”.

Danh tính của X dễ dàng được tìm ra bởi Google nhưng anh ta yêu cầu TechInsider dùng mật danh. X cũng tiết lộ, đây là quan điểm của nhiều người khác cùng cấp bậc trong Anonymous.

Những nhân vật bất đồng quan điểm khác, như tài khoản “Discordian” cũng chia sẻ trên công cụ Pastebin của Anonymous về lo ngại với chiến dịch #OpParis. Theo họ, mối lo lớn nhất là tên chiến dịch, động lực thực sự của nó, những sự quan tâm của giới truyền thông và nhất là liệu Anonymous có đủ sức để thực hiện lời hứa.

“Chiến dịch này chẳng liên quan gì đến ngăn chặn IS. #OpParis giống như một nỗ lực tồi tệ của Anonymous để có thể dính líu đến sự kiện này”, người này phát biểu.

Những quan điểm từ nội bộ Anonymous được chia sẻ bởi một trong những tên tuổi lớn nhất của họ: Hacker The Jester. Nhóm cho rằng: “Đây là ví dụ cho thấy Anonymous đang cố nhảy vào một câu chuyện thời sự lớn”.

Quan điểm thứ ba của Discodian tạo được sự chú ý lớn. Theo người này: “Họ đang làm gì để ngăn chặn một tổ chức khủng bố quốc tế đã né được các cuộc tấn công dẫn đường bởi lực lượng tình báo của nhiều chính phủ? Họ xóa bỏ hệ thống liên lạc của IS, trong khi những thông tin tình báo quan trọng đó có thể được dùng để lần ra dấu vết chúng”.

 

Các ý kiến này được đón nhận và phản hồi rất văn minh. “Backslash” - một thành viên Anonymous khác đang sở hữu trang Twitter @GroupAnon với trên 248.000 lượt theo dõi cho rằng: “Có lẽ Anonymous cần một cuộc tranh luận rộng rãi hơn về chủ đề này”.

Người này viết: “Discordian đã đúng, rằng #OpParis, và phần nào #OpISIS đã ít nhiều ảnh hưởng đến các thông tin tình báo. Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với các tổ chức tình báo thế giới để cung cấp cho họ các thông tin hack được từ hệ thống của lực lượng thánh chiến.

Đừng ngại làm việc với các cơ quan chính phủ nếu mục tiêu của chúng ta và họ là giống nhau. Nếu bạn muốn tiêu diệt khủng bố, hãy nghe lời Discordian và những người khác, hành động thông minh. Chúng ta sẽ không hứa suông”.

Người này cũng bày tỏ: “Tôi chỉ mong chúng ta đoàn kết”.

Hiện tại, Anonymous tuyên bố đã xóa trên 5.500 tài khoản thành viên IS. “Không thành viên IS nào có thể nghỉ ngơi”, nhóm này tuyên bố trên website chính thức của mình.


Anonymous là ai?

Đột nhập và tấn công các website lớn, nhóm hacker Anonymous bị nhiều quốc gia xem là một dạng khủng bố, nhưng nhiều người khác coi họ là người hùng.

5 chiến dịch chấn động của Anonymous Trước khi tuyên chiến với IS, nhóm hacker Anonymous từng khiến cả thế giới chú ý bằng hàng loạt vụ tấn công an ninh mạng nhằm vào nhiều website chính phủ, các tổ chức, cá nhân.

 

Lê Phát

Bạn có thể quan tâm